5 nỗi sợ hãi lớn nhất ở tòa nhà Keangnam

29/08/2011 06:49
Khởi Sự
(GDVN) - Không dừng lại ở nỗi lo hỏa hoạn, những người dân sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam còn hứng chịu trăm ngàn nỗi lo khác từ hiện thực đến không tên...

Vụ hỏa hoạn vừa  xảy ra trên tầng 7 tòa nhà Keangnam chiều 27/8 vừa qua một lần nữa gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho hàng nghìn cư dân đã, đang và sẽ sống và định cư tại căn hộ cao nhất Việt Nam này.

1. Hỏa hoạn: Chỉ còn cách “tự cứu mình”

Đám cháy ngày 27/8 vừa qua là lần thứ 3, tòa nhà Keangnam xảy ra cháy.

Vụ hỏa hoạn thứ nhất  xảy ra ngày 24/3/2010 tại tầng 25 của Keangnam. Vụ hỏa hoạn thứ hai diễn ra vào lúc 10 giờ 20 phút sáng 6/11/2010 tại tháp B của tòa cao ốc 70 tầng. Thêm vụ cháy mới đây,  tuy không gây thiệt hại lớn về người nhưng một lần nữa khiến các cư dân ở đây thêm hoang mang, lo sợ.

Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an TP.Hà Nội đã từng chia sẻ: xe thang chữa cháy cao nhất ở Hà Nội hiện nay cũng chỉ vươn được đến… tầng 14 của các tòa nhà cao tầng.

Bên cạnh đó, tại tiêu chuẩn 323:2004 (tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam – nhà cao tầng – tiêu chuẩn thiết kế) cũng mới xác định nhà cao tầng theo độ cao 25 mét đến 100 mét - tương đương với nhà 30 tầng. Theo đó, tiêu chuẩn nhà siêu cao tầng (trên 30 tầng) hiện nay chưa có.

Đám cháy lần 3 vào ngày 27/8 vừa qua một lẫn nữa khiến cư dân Keangnam hoang mang, lo lắng.
Đám cháy lần 3 vào ngày 27/8 vừa qua một lẫn nữa khiến cư dân Keangnam hoang mang, lo lắng.

Cháy nhà cao tầng, công tác chữa cháy rất phức tạp. Với các trang bị hiện nay của Việt Nam, phần lớn lực lượng chữa cháy chỉ sử dụng các phương tiện chữa cháy bằng cầu thang bộ, mất rất nhiều thời gian lăng vòi cũng như triển khai các phương tiện cần thiết khác. Xe chữa cháy phải chạy với áp suất cao hơn rất nhiều. Mỗi 1 mét nhà cao tương đương với 1 mét cột nước.

Tòa nhà càng cao, áp lực nước lên đến đầu lăng đòi hỏi lớn. Lực lượng chữa cháy vô cùng vất vả để dập một đám cháy. Vì vậy, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay thì khi xảy ra cháy, nổ quan trọng nhất là người dân ở đây phải bình tĩnh, tìm phương án "tự cứu mình".

>> Xem thêm: Toàn cảnh "Nỗi sợ hãi của cư dân Keangnam"  

Bà Trịnh Thúy Mai, Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam trò chuyện với Petrotimes đã than thở: “Chúng tôi phản đối phí quản lý 18.600 đồng/m2 là bởi các tiện ích của Keangnam không đáp ứng yêu cầu của cư dân, hơn nữa lại sống trong điều kiện thiếu an toàn như thế này.

Sau vụ cháy vừa qua, chúng tôi thấy rằng, Công ty Keangnam Vina cần xuất trình giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, kể cả là có chứng nhận rồi thì việc vận hành quản lý tòa nhà là có vấn đề nên mới xảy ra hỏa hoạn, không thể lường được hậu quả sẽ thế nào nếu đám cháy bùng phát ở các tầng cao hơn”.

2. Ám ảnh cầu thang máy “tê liệt”

Điểm lại trong quá khứ, ngày 9/6/2011, tại tòa nhà A của Keangnam đã xảy ra sự cố vỡ trụ cứu hỏa, khiến nhiều căn hộ ở tầng 26, 27 chìm trong biển nước, cư dân hoảng loạn khi 10 thang máy đã bị “tê liệt” ngay hôm đó.

Nếu cầu thang máy trục trặc, không biết những người sống trên tầng 60, 70 của tòa nhà Keangnam sẽ xử lý thế nào?
Nếu cầu thang máy trục trặc, không biết những người sống trên tầng 60, 70 của tòa nhà Keangnam sẽ xử lý thế nào?

Bác T., cư dân tại tòa nhà cao nhất Việt Nam này cho biết: “Chừng nào nhân viên kỹ thuật, những người sẽ vận hành các thiết bị hiện đại trong tòa nhà còn chưa có tay nghề cao thì chừng đó chúng tôi còn ăn không ngon, ngủ không yên.

Sự cố vỡ ống nước cứu hỏa xảy ra ngày 9/6 vừa qua đã làm cho hàng nghìn con người tại đây vô cùng lo ngại về mức độ đảm bảo an toàn cho cư dân. Nguyên nhân của sự cố là do công nhân vận hành không đúng quy trình, các bộ phận quản lý buông lỏng giám sát nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc”.

Trong vụ hỏa hoạn vừa qua, cầu thang máy bị ngắt, nhiều gia đình sống trên tầng 60, khi nghe thông báo có hỏa hoạn cũng hốt hoảng chạy bộ xuống.

“Tôi không thể tưởng tượng được gương mặt “mặt cắt không còn một giọt máu” của các cư dân tòa nhà Keangnam khi chạy hồng hộc từ tầng 60 xuống. Thực sự, tại Việt Nam, sống ở tầng 30 đã thấy sợ chứ đừng nói gì tới tầng 70 như ở Keangnam, có các vàng, tôi cũng không dám ở khi sự sống và cái chết mong manh, nguy hiểm luôn rình rập, treo sẵn trên đầu như vậy!”, chú Nguyễn Huy Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội), người có mặt tại hiện trường chứng kiến đám cháy cho biết.

3. Phí dịch vụ “cắt cổ”

Nhiều cư dân sống tại các chung cư từ cao cấp cho tới bình dân tại Hà Nội khi nghe tới tiền phí dịch vụ của Keangnam đều lắc đầu, lè lưỡi vì “số tiền phải trả hàng tháng khủng khiếp quá!”.

Chị Trịnh Nguyệt Hà, cư dân sống tại khu đô thị Pháp Vân (Hà Nội) sửng sốt, ngạc nhiên: “Tôi biết những người mua nhà tại Keangnam đều là những người có tiền thuộc tầng lớp đại gia nhưng tôi không ngờ: Phí dịch vụ lại cao ngất ngưởng như thế! Cứ nghĩ tới chuyện: mỗi tháng, một khoản tiền gần 10 triệu đồng (bao gồm phí dịch vụ, phí gửi xe, phí bể bơi, phòng tập,…)  lại “bốc hơi” mà… sợ. Bình thường tôi phải sơ sơ vài trăm ngàn đồng đã cảm thấy xót ruột lắm rồi, đằng này…”

Cùng với tiền dịch vụ + phí gửi xe và các khoản thu khác mỗi tháng, cư dân Keangnam mất ngót nghét gần chục triệu đồng.
Cùng với tiền dịch vụ + phí gửi xe và các khoản thu khác mỗi tháng, cư dân Keangnam mất ngót nghét gần chục triệu đồng.
Khi mới bàn giao căn hộ, chìa khóa trao tay cho cư dân, phía chủ đầu tư - Công ty Keangnam Vina đã yêu cầu người dân nộp trước 3 tháng phí quản lý với mức phí là 0,99 USD/m2, tương đương với 21.000 đồng/m2. Bất bình trước mức giá cao vượt ngưỡng quy định của Nhà nước cũng như mức sàn chung tại các tòa nhà chung cư cao cấp tại Hà Nội, người dân Keangnam đã đứng lên đấu tranh, đòi hạ phí dịch vụ xuống.

Sau 2 tháng đấu tranh liên tục, cho tới thời điểm này, Keangnam Vina và người dân vẫn chênh nhau phí dịch vụ. Cư dân Keangnam cho biết: Họ đồng ý chấp nhận mức phí 18.600 đồng/m2 mà Keangnam đưa ra với điều kiện: Keangnam phải đáp ứng đầy đủ tiện ích và chất lượng dịch vụ tương đương như Golden Westlake (Tây Hồ, Hà Nội). Tuy nhiên, tất cả tiện ích công cộng như phòng đọc, phòng bóng bàn, bi-a, sân tennis, bể bơi sẽ giữ nguyên và không được gia tăng, việc miễn phí hoàn toàn bể bơi và phòng tập không được xem xét như yêu cầu, cư dân đã kiên quyết từ chối mức phí áp đặt của Keangnam.

>> Xem thêm: Toàn cảnh "Nỗi sợ hãi của cư dân Keangnam"
>> Xem thêm: Toàn cảnh "Nỗi sợ hãi của cư dân Keangnam"

“Chủ tịch Ha của Keangnam Vina đã tích cực tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để cải thiện chất lượng dịch vụ tại Keangnam, nhưng tất cả những điểm quan trọng nhất để cư dân có thể chấp nhận mức phí quản lý cao bằng Golden West Lake thì đều bị Keangnam kiên quyết từ chối”, bà Trịnh Thúy Mai, ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam – người trực tiếp họp bàn, đối thoại với Keangnam Vina cho biết.

4. 1.000 chiếc camera nhưng vẫn bị... mất trộm

Trong bảng danh sách kê khai các đồ vật, dụng cụ để khấu trừ tài sản của Keangnam có ghi số lượng camera lên tới 1.000 chiếc nhằm đảm bảo an ninh trật tự tốt nhất cho tòa nhà chung cư cao cấp này. Tuy nhiên, ngay khi mới đi vào hoạt động, trong thời gian đầu vận hành, hàng loạt sự cố đã liên tiếp xảy ra “tố” chất lượng kém cỏi của đội ngũ quản lý tòa nhà.

Đặc biệt, tình trạng mất trộm – điều ít ai ngờ tới tại nơi sang trọng, lịch lãm bậc nhất Hà Nội vẫn diễn ra trước sự ngỡ ngàng của không ít dân cư.

Theo phản ánh của một phụ nữ sống tại căn hộ A1101, ngày 5/5/2011 chị đi làm về, sơ ý bỏ quên máy tính xách tay trên ô tô. Sáng hôm sau đi làm, chị phát hiện mất máy tính. Trình báo với công ty bảo vệ, họ thông báo: Không chịu trách nhiệm về việc này. Nhưng sau khi cư dân đề nghị kiểm tra camera để tìm người ăn trộm thì tên “đạo trích” không ai khác lại là nhân viên bảo vệ.

Biên bản xác nhận việc nhân viên bảo vệ ở Keangnam lấy trộm máy tính của cư dân.
Biên bản xác nhận việc nhân viên bảo vệ ở Keangnam lấy trộm máy tính của cư dân.

Sự việc này đã được bảo vệ của Công ty MAN xác nhận. “Vấn đề này đặt ra là liệu nhân viên bảo vệ đã ăn trộm ở nhà xe thì sẽ ăn trộm nơi khác khi cư dân có sơ hở? Hay là các thiết bị hiện đại trong các tòa nhà an toàn? Thật nguy hiểm khi một khu chung cư cao cấp 5 sao được canh phòng cẩn mật mà lại có những thành phần bất hảo như thế” – bác T., thành viên ban quản trị lâm thời của cư dân Keangnam phàn nàn với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

Lắp đặt thẻ từ chỉ dành riêng cho cư dân hoặc các thành viên bên trong tòa nhà nhằm mục đích quản lý việc ra vào một cách sát sao và khoa học nhất. Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện ngoài lề với phóng viên báo giaoduc.net.vn, một nhân viên kỹ thuật tại Keangnam cho biết: Bất kỳ ai (không phải dân cư của Keangnam), nếu có nhu cầu cũng đều có thể “bí mật” mua được chiếc thẻ từ này với giá…khá mềm. Bởi lẽ, theo nhân viên kỹ thuật: Thời gian làm một chiếc thẻ từ thực ra không lâu, hơn nữa, việc giám sát, quản lý những chiếc thẻ từ này không chặt chẽ nên nếu “được giá”, họ có thể “làm chui” thẻ để kiếm lời.

“Ở khu chung cư càng đông dân cư càng khó quản lý. Trong khi đó, việc bọn trộm cắp chắc chắn sẽ thường xuyên nhăm nhe những nơi lắm của, nhiều tiền như ở Keangnam là chuyện hết sức bình thường. Do đó, bên cạnh các nỗi lo khác, cư dân nơi đây còn thêm một nỗi sợ: Mất cắp” – Dù rất lo lắng nhưng một người dân tại Keangnam đã phải thừa nhận.

5. Trăm nghìn những nỗi sợ không tên

Được mệnh danh là tòa nhà cao nhất Việt Nam, mặc dù Keangnam có những ưu điểm vượt trội so với các chung cư cao cấp đồng hạng khác về thiết kế, về quy mô,... tuy nhiên với một số người, tùy vào từng quan điểm cá nhân, họ lại không liệt Keangnam vào lựa chọn số một của mình khi bỏ vốn đầu tư cũng như không chọn Keangnam làm nơi “trú ẩn an toàn” cho cả gia đình thân yêu của mình.

Vừa qua, những trận động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực biên giới Thái – Lào – Myanmar mới đây gây thiệt hại to lớn cho người và của, đồng thời, dư chấn mạnh cấp 5 diễn ra vào tối 24/3 vừa qua khiến một số tòa nhà chung cư khu vực Linh Đàm, Pháp Vân, Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội)... rung lắc làm người dân Hà Nội không khỏi hoang mang, lo lắng. Với những người mua nhà với mục đích để ở, lại sống trong tòa nhà cao nhất Việt Nam, cư dân Keangnam là người lo lắng hơn bao giờ hết.

Theo TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, nếu các tòa nhà chung cư cao tầng xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn quy định của ngành xây dựng có thể chịu được động đất cấp 7, “nếu sang tới cấp 8 thì chúng ta phải tính toán”. Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư, nhà thầu có đảm bảo độ an toàn cho công trình hay không, đó lại là một câu chuyện khác.
“Trên thực tế kinh doanh cho thấy, những người mua nhà để ở thường quan tâm tới những tòa nhà thấp hơn 1 chút, dù có thể hơi muỗi nhưng họ cảm thấy an toàn, không phải nơm nớp lo lắng về động đất” – ông Vương Duy Sáng - Giám đốc sàn giao dịch BĐS Tâm Sáng “bật mí” với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.
Sống trong khu nhà cao tầng ngất ngưởng, người dân Keangnam nơm nớp lo sợ động đất, cháy nổ.
Sống trong khu nhà cao tầng ngất ngưởng, người dân Keangnam nơm nớp lo sợ động đất, cháy nổ.

Ngoài ra, về tâm linh và phong thủy, có người cho rằng: “Keangnam không tốt”. Sau một loạt các vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra trong quá trình xây dựng tại Keangnam, nhiều nhà đầu tư hay khách hàng cũng e dè hơn khi mạnh tay chi tiền cho một trong những tòa nhà hạng sang hàng đầu Việt Nam này.

Thêm vào đó, một lý do khác khiến những người dân sống tại chung cư Keangnam bất an đó là sổ đỏ. Qua khảo sát tại Hà Nội, rất nhiều các chung cư cao cấp, thu phí khủng nhưng quyền lợi của người dân về sổ đỏ lại không được đảm bảo.

Hàng trăm hộ dân tại The Manor, Ciputra hay hàng loạt các chung cư khác hiên vẫn đang kêu trời vì 5 – 6 năm sinh sống mà chưa hề có sổ đó. Điều đó gây bất lợi cho cư dân khi chủ nhà muốn thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư.

Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ của các chung cư gắn mác hạng sang “cao cấp” chưa tương xứng với đồng tiền mà mình bỏ ra khiến người dân sống tại Keangnam ái ngại khi mua căn hộ này.

Từ những vụ việc trên và thêm hàng trăm những bất cập thì nỗi lo lắng, bất an của cư dân đang sinh sống tại chung cư cao cấp này là hoàn toàn có cơ sở. Và không biết bao giờ những nỗi lo mới vơi đi khi hệ thống quản lý của tòa nhà còn non kém, nhân viên không được đào tạo bài bản và thậm chí cả chủ đầu tư cũng không chịu hợp tác cùng cư dân?

>> Xem thêm: Toàn cảnh "Nỗi sợ hãi của cư dân Keangnam"

Khởi Sự