Bà Đỗ Thị Kim Liên: "Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư tại Nam Phi"

16/02/2018 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Nam Phi và Việt Nam có những điểm tương đồng về lịch sử văn hóa, lối tư duy, do đó sự gắn kết hợp tác sẽ lâu bền.

Nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất, bà Đỗ Thị Kim Liên - Lãnh sự Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những nét tương đồng trong đời sống văn hóa của Việt Nam với Nam Phi và tiềm năng hợp tác rất lớn giữa doanh nghiệp hai nước. 

- Bà có thể chia sẻ về những đóng góp ở cương vị là Lãnh sự Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua nhằm kết nối kinh tế - văn hóa giữa Nam Phi với Việt Nam nói chung và doanh nghiệp, người dân Nam Phi với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Nam Phi và Việt Nam có nhiều điểm chung, từ lịch sử chống ngoại xâm và thực dân đến những cuộc đấu tranh giành độc lập tự do thành công.

Sau chiến tranh, hòa bình lập lại chính quyền cùng nhân dân nỗ lực thực hiện công việc đổi mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến tạo đất nước có công ăn việc làm giúp nâng cao xã hội, tăng trưởng kinh tế...

Nam Phi và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12 năm 1993.

Tiếp theo đó là mở Đại sứ quán Việt Nam tại Pretoria vào năm 2000 và Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội vào ngày 1/10/2002.

Từ năm 1993, mối quan hệ song phương giữa Nam Phi và Việt Nam đã được củng cố qua những chuyến viếng thăm cấp cao chính thức.

Nhân sự cả hai quốc có những giao lưu hữu ích trao đổi về văn hóa, chính trị, phát triển khoa học công nghệ qua việc chia sẻ kinh nghiệm.

Nằm trong định hướng chiến lược lâu dài của hai đất nước, năm 2009, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Johannesburg đã kết nghĩa.

Số lần tổ chức hội thảo cũng tương đối nhiều, nhưng kết quả thực tế còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, với những nỗ lực quảng bá hình ảnh sâu rộng từ hai phía, nay đã có rất nhiều cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam biết nhiều về Nam Phi và ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp của Nam Phi đã biết nhiều về Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Kim Liên đã tổ nhiều chương trình kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi.
Bà Đỗ Thị Kim Liên đã tổ nhiều chương trình kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi. 

- Trong thời gian tới, bà có những dự định gì để tăng cường thêm sự hợp tác cho các doanh nghiệp từ Nam Phi tới đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và ở chiều ngược lại là doanh nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội tại Nam Phi?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Nam Phi là nền kinh tế năng động và lớn thứ hai trên lục địa châu Phi là thành viên của khối thịnh vượng chung Anh và là một trong những thị trường mới nổi và giàu tiềm năng.

Sự kết hợp độc đáo giữa cơ sở hạ tầng, nền kinh tế phát triển cao đầu tiên trên thế giới với một nền kinh tế thị trường sôi động.

Nam Phi được xem là cửa ngõ vào châu Phi, đất nước đẹp, thiên nhiên hoang dã... hấp dẫn du lịch và đầu tư.

Chi phí dành cho năng lượng vẫn ở mức thấp nhất thế giới, thị trường lao động cạnh tranh hơn các nước đang phát triển.

Một trong những bất lợi giữa Nam Phi và Việt Nam là kênh thông tin về cơ hội đầu tư và kinh doanh về thị trường của nhau chưa nhiều và chính thống, đa dạng.

Thiếu nguồn dữ liệu thông tin chính thống là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tăng cường hợp tác giữa hai nước. Nhược điểm này chúng tôi sẽ sớm khắc phục trong thời gian tới.

Tiềm năng về thương mại giữa hai nước Việt Nam Nam phi khá lớn nhưng chưa được khai thác triệt để, đặc biệt là từ phía Nam Phi.

Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa hai bên, cần có sự quan tâm chủ động từ cấp chính phủ.

Lãnh sự quán Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Sở Du lịch Nam Phi đang xây dựng kế hoạch quảng bá hình ảnh đất nước Nam Phi đến người Việt Nam thông truyền thông, các cơ quan du lịch địa phương và chiến dịch xúc tiến du lịch Nam Phi.

Lãnh sự quán Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện và hỗ trợ để tiếp tục làm việc nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Cụ thể: thông qua trao đổi thông tin nghiên cứu thị trường, các dự án, hội thảo kinh doanh, các sự kiện văn hoá, xúc tiến thương mại du lịch và giáo dục.

Tôi tin quan hệ kinh tế giữa Nam Phi và Việt Nam sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.

Số liệu thương mại năm 1993 giữa hai nước chiếm chỉ dưới 1 triệu USD, tuy nhiên đến năm 2006 là hơn 150 triệu USD.

Kim ngạch thương mại giữa Nam Phi và Việt Nam đang tăng dần theo từng năm. Năm 2016, tổng kim ngạch thương mại đạt trên 1,5 tỷ USD.

Có 10 sản phẩm Nam Phi xuất khẩu sang Việt Nam: Hạt (tươi, phơi khô, bóc vỏ, bóc vỏ); Động vật giáp xác; Thịt bò; Nhôm; Da và da động vật; Quả cam quýt; Nho; Polyme propylen; Enzyme; Thép không gỉ...

Trong khi đó, Nam Phi nhập khẩu từ Việt Nam: Thiết bị truyền thông; giày dép; Máy xử lý dữ liệu; Phát sóng appartus; Máy in; Cà phê; Gạo...

Đại sứ Nam Phi (áo hồng) chụp ảnh lưu niệm cùng bà Đỗ Thị Kim Liên.
Đại sứ Nam Phi (áo hồng) chụp ảnh lưu niệm cùng bà Đỗ Thị Kim Liên.

- Theo bà đâu là những điểm tương đồng trong cơ hội hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Nam Phi? Doanh nghiệp Việt Nam có những cơ hội ở lĩnh vực nào tại thị trường Nam Phi?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Nam Phi là trung tâm sản xuất các ngành công nghiệp đa dạng, nền kinh tế mở, môi trường kinh doanh có nhiều cơ hội đầu tư và lợi nhuận với thị trường tiêu thụ hơn 200 triệu người tiêu dùng.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng gồm có: Chế biến nông sản; Dịch vụ Gia công phần mềm, dịch vụ Công nghệ thông tin; Vốn / Thiết bị vận tải, kim loại và máy móc thiết bị điện; Kỹ thuật điện; Dệt may, Quần áo, Da;

Hàng tiêu dùng; đóng thuyền; Bột giấy, giấy và đồ gỗ; Ô tô và linh kiện; Các ngành kinh tế xanh;

Sản xuất tiên tiến trong công nghệ laser, robot, chế tạo sinh học; Du lịch; Hóa chất, chế tạo nhựa, dược phẩm, Sáng tạo và Công nghiệp Thiết kế, đào tạo phi công dân dụng.

Đánh giá về quan hệ hai nước, tôi cho rằng mới chỉ dừng lại ở tính “hữu cộng”, nghĩa là tranh thủ thị trường của nhau, cơ hội của nhau.

Thời gian tới chúng tôi sẽ hợp tác sâu rộng hơn theo hướng “hợp lực” để phát triển thế mạnh của hai nước.

Nam Phi và Việt Nam có tương đồng về lịch sử văn hóa, lối tư duy, do đó sự gắn kết hợp tác sẽ lâu bền.

Bà Đỗ Thị Kim Liên luôn dành nhiều thời gian quan tâm tới các em nhỏ, nhất là những số phận không may mắn.
Bà Đỗ Thị Kim Liên luôn dành nhiều thời gian quan tâm tới các em nhỏ, nhất là những số phận không may mắn.
... và các cụ già có hoàn cảnh khó khăn.
... và các cụ già có hoàn cảnh khó khăn.

- Được biết trước và sau khi trở thành Lãnh sự Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà đều dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho các hoạt động từ thiện.

Qua những việc làm ấy, bà đã giúp được rất nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận thiếu may mắn. Nhưng có lẽ, xa hơn nữa, qua những hoạt động thiện nguyện, bà mong muốn kết nối những tấm lòng, lan tỏa nhiều hơn những việc tốt?

Bà Đỗ Thị Kim Liên: Hạnh phúc trọn vẹn chỉ khi nào mọi người xung quanh mình được hạnh phúc. Nghĩ sao tôi làm như vậy, trong khả năng của mình tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời đau khổ, phiền muộn, khó khăn hơn mình để họ thấy được ý nghĩa cuộc sống, nhìn thấy được tương lai phía trước.

Chỉ cần ôm giữ một nhiệt huyết, lòng yêu đời say mê, một trái tim thiện lương, một trí óc đủ thanh tĩnh không có gì mà chúng ta không làm được.

Những năm qua, tôi và các cộng sự thường xuyên phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), Công ty Nước AquaOne, Trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp (CBAM)... cùng nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hướng về cộng đồng, trợ giúp các gia đình chính sách, người có công, đồng bào khó khăn, học sinh nghèo trên mọi miền đất nước, biên cương, hải đảo.

Gần đây, với mong muốn các em được sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh ở các bản vùng cao tỉnh Lai Châu, tôi cũng đã trao tặng 3.000 áo ấm, ủng và mũ len cho gần 3.000 học sinh và thầy cô giáo tại các điểm trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non tại hai huyện Nậm Ngà và Mường Tè;

Ủng hộ 700 triệu đồng để xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa, trao tặng các gia đình chính sách cán bộ chiến sĩ Hải quân thuộc Lực lượng Hải quân Việt Nam, hiện còn nhiều khó khăn về nhà ở nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Lãnh sự Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã 4 lần tổ chức chương trình "Nhà sạch đón Tết", toàn bộ kinh phí thu được sử dụng vào việc chuẩn bị quà Tết tặng các em nhỏ thiệt thòi ở trung tâm bảo trợ xã hội và các cụ già sống nương tựa ở Chùa Lâm Quang.
Lãnh sự Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã 4 lần tổ chức chương trình "Nhà sạch đón Tết", toàn bộ kinh phí thu được sử dụng vào việc chuẩn bị quà Tết tặng các em nhỏ thiệt thòi ở trung tâm bảo trợ xã hội và các cụ già sống nương tựa ở Chùa Lâm Quang.

Đặc biệt trong chương trình "Nhà sạch đón Tết" lần 4 do tôi khởi xướng, cũng đã tổ chức thành công với gần 2000 sinh viên đến từ nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình hiến máu nhân đạo đã có hàng ngàn sinh viên đăng ký tham gia hiến máu; gói 2000 bánh chưng tặng người nghèo, trẻ em ở mái ấm, nhà mở; tặng áo mới cho các cụ già không nơi nương tựa, sống tại chùa Lâm Quang (quận 8), các em ở Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi và Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Tôi thiết nghĩ hoạt động chia sẻ với cộng đồng không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội.

Bản thân tôi rất vui, rất hạnh phúc vì đã được gia đình, bạn bè, cộng sự và các em sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước ủng hộ và cùng nhau chia sẻ điều đó với mình.

Trân trọng cảm ơn chia sẻ của bà!

Ngọc Quang