Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB), CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm theo các kịch bản khác nhau, thấp nhất là 1,1%, mức cao hơn là 3,5% (khi năng suất lao động tăng vừa); xuất khẩu tăng 4,2 - 6,9%; nhập khẩu tăng 5,3 - 7,6%.
Nếu ta tận dụng tốt các cơ hội để nâng cao năng suất lao động hơn nữa thì kết quả còn cao hơn.
Nhập khẩu mở rộng, không chỉ loanh quanh cái “ao” ASEAN
Theo bà, việc thành công khi đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) mang lại lợi ích gì cho đất nước ta?
- Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng chắc chắn CPTPP sẽ có những lợi ích lớn đủ để thôi thúc chúng ta cố gắng hết sức kể từ khi nhập cuộc đàm phán TPP “cũ” suốt từ năm 2008 đến nay.
Theo tôi, tham gia Hiệp định, Việt Nam có 3 lợi ích lớn:
Thứ nhất là cải cách thể chế. Cải cách thể chế là yêu cầu tự thân của Việt Nam, là một trong ba đột phá chiến lược chúng ta đề ra cho thời kỳ 2011-2020.
"Việc Thủ tướng đề cập đến yêu cầu tìm cách biến Việt Nam thành con hổ cho thấy người lãnh đạo Chính phủ có khát vọng lớn, muốn đưa đất nước vươn lên tầm cao mới. CPTPP chính là vận hội để chúng ta vượt lên chính mình, cùng nhau gắng sức thực hiện khát vọng đó trong tương lai", chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định. |
Tham gia CPTPP tạo thêm động lực và áp lực cho Việt Nam thúc đẩy cuộc cải cách vô cùng cần thiết này.
CPTPP có các quy định, cam kết rất toàn diện với chuẩn mực và tính minh bạch rất cao, lại có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Điều đó sẽ giúp chúng ta tiến hành các cuộc cải cách một cách bài bản, thực chất, nghiêm túc và hiệu quả hơn.
Thực hiện tốt cải cách thể chế - đột phá chiến lược này sẽ tạo nền tảng cho đất nước phát triển mạnh trong những năm sau.
Thứ hai là mở rộng thị trường xuất và nhập khẩu. Xưa nay ta nhập khẩu loanh quanh từ “ao” ASEAN và vài nước lân cận, trong khi thị trường xuất khẩu chính là Âu, Mỹ.
Với CPTPP chúng ta có thể mở rộng nhập khẩu từ 10 nước thành viên CPTPP, trong đó có một số nền kinh tế phát triển với trình độ công nghệ và chất lượng sản phẩm cao hơn hẳn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: Nam Quốc/Danviet.vn) |
Thứ ba về đầu tư và công nghệ. Việt Nam sẽ có vị thế tốt hơn để đón nhận dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển cao trong và ngoài CPTPP.
Đi theo đó hy vọng sẽ có phương thức quản lý, công nghệ tân tiến và khả năng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Theo tính toán của World Bank, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm theo kịch bản khác nhau, thấp nhất là 1,1%, mức cao hơn là 3,5%; xuất khẩu tăng 4,2 - 5,3%; nhập khẩu tăng 6,9 - 7,6%... |
Chất lượng đầu tư sẽ cải thiện so với các dòng đầu tư “truyền thống” lâu nay.
Có thể ta vẫn nhập siêu nhưng chất lượng nhập khẩu tốt hơn sẽ có giá trị hơn nhiều trong việc cải thiện năng lực của các ngành trong nước so với hiện nay.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của ta rộng mở với hầu hết thuế suất về 0%, trong khi các quốc gia khác xuất khẩu hàng hóa vào CPTPP phải chịu mức thuế suất khá cao.
CPTPP sẽ tạo bước ngoặt về quan hệ thương mại của Việt Nam với một số nước lớn.
Một số lĩnh vực trọng điểm mà ta mong muốn phát triển cũng có triển vọng tốt, đặc biệt là công nghệ cao và nông nghiệp, vốn là thế mạnh vượt trội của Nhật Bản hay Canada, Úc, New Zealand.
Tôi rất mong đợi đầu tư của các nước này sẽ giúp Việt Nam đưa được công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, từ mô hình, phương thức tổ chức sản xuất-chế biến, kỹ thuật đến các dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh sản phẩm.
Hy vọng lớn nhất trong nông nghiệp là Nhật Bản
Hiệp định này được cho là rất có lợi cho nông nghiệp, nông dân và cho người lao động, vấn đề mà bà rất quan tâm. Mức độ hưởng lợi từ đối tượng này ra sao, thưa bà?
- Về nông nghiệp, hy vọng lớn nhất cho ta trong CPTPP là Nhật Bản. Với TPP, Nhật đã ước tính nông sản nhập khẩu sẽ đáp ứng tới 86% nhu cầu nông sản trong nước.
Trong mấy năm gần đây, Nhật đã mở rộng hợp tác kinh tế với ta trong sản xuất nông nghiệp.
Bước đầu chúng ta đã tạo được sự tin cậy từ phía họ, họ đã mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của ta hơn.
Việt Nam có thể trở thành cứ điểm mạnh cung cấp một số loại nông sản cho hơn 120 triệu dân Nhật. Đây là cơ hội rất lớn để nông nghiệp Việt Nam tạo bước đột phá.
Tận dụng tốt cơ hội trong CPTPP và EVFTA, hợp tác thêm với một số nước có công nghệ cao về nông nghiệp như Israel, đồng thời cải cách mạnh để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa chắc chắn sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh.
Ta có quá nửa dân số là nông dân. Xưa nay có quan niệm không quốc gia nào làm giàu được từ nông nghiệp, nhưng với công nghệ, phương thức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tiên tiến thì chúng ta vẫn có thể giàu, mạnh từ nông nghiệp.
CPTPP mở ra hy vọng nhập khẩu nông sản vào Nhật Bản tăng mạnh. (Ảnh: IT) |
Theo Báo cáo Việt Nam 2035, ước tính nông nghiệp thuần túy của nước ta vào năm đó chỉ còn chiếm 10 - 15% GDP.
Nhưng nếu tính nông nghiệp gắn với các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho đầu vào, đầu ra của nông nghiệp và chế biến nông sản thì có thể chiếm tới 35% GDP và chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường.
Cuộc sống của nông dân và những người lao động gắn với nông nghiệp sẽ tốt đẹp hơn.
Với triển vọng như vậy, hẳn nhiên nền kinh tế của chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc?
Ngoài CPTPP, nước ta cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định RCEP, một hiệp định gồm 16 nước trong đó Trung Quốc được coi là có vai trò dẫn dắt.
Theo đó, Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được nhiều hơn sang Trung Quốc.
Nhưng với tư thế thành viên của cả CPTPP và RCEP, chúng ta có thể chủ động hơn chứ không bị động như hiện nay.
Còn nhập khẩu thì nguồn nhập có thể thay thế bằng các nước trong CPTTP hoặc các thành viên khác của RCEP chứ không tập trung quá lớn vào Trung Quốc như hiện nay.
Đầu tư hay đấu thầu các dự án cũng vậy, tại Việt Nam, các thành viên của CPTPP hay EVFTA sẽ cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng với đối tác từ Trung Quốc.
Báo cáo của WB cũng đã tính toán rằng CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn so với RCEP. Lợi ích từ EVFTA với EU cũng rất lớn.
Nhìn chung, sự hội nhập sâu rộng hơn của nước ta vào các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ giúp ta bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mong mỏi thay đổi để nâng vị thế Việt Nam
Cùng với kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng, Chính phủ đang cải cách, chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, lại thêm chất xúc tác là đội bóng U23 Việt Nam đạt thành tích cao và những điểm sáng đáng mừng của các tỷ phú Việt.
Việc ký kết CPTPP có đáng được coi là vận hội mới của đất nước không, thưa bà?
- Rõ ràng ở tầm vĩ mô, CPTPP đang tạo ra vận hội rất lớn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhận thức có thực sự hiểu đó là vận hội của quốc gia không thể bỏ lỡ (như ta đã từng bỏ lỡ không ít lần trước đây), và năng lực có nắm bắt được vận hội này hay không?
“Thực tế Chính phủ đang ra sức “dọn dẹp” tàn dư thua lỗ, kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy cải cách mạnh khu vực này cả bằng cổ phần hóa lẫn đổi mới hệ thống quản lý của nhà nước đối với khu vực đó”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Đáng mừng là chưa năm nào như 2017, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều có nghị quyết cùng một hướng tích cực về kinh tế tư nhân.
Sau hơn 30 năm đổi mới, tới nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất cao về vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân.
Điều này có ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh tới đây ta thực thi CPTPP.
Không phát triển kinh tế tư nhân trong nước thì lợi ích hội nhập sẽ rơi chủ yếu vào khối doanh nghiệp nước ngoài, và ta sẽ không có nội lực đủ mạnh để chống chọi các thách thức.
Với các doanh nghiệp, tôi vẫn nói với họ đây là vận hội. Hãy đừng ngồi chờ, đừng vì những rào cản này kia mà nản chí.
Muốn làm vẫn có cách để làm. Vì thế hãy tận dụng ngay thời cơ mà băng lên, cố gắng cùng nhau hợp sức chiếm lĩnh các cơ hội mới để phát triển.
Người dân và doanh nghiệp cần coi đây là vận hội lớn để cải thiện, để thay đổi vị thế của bản thân, góp phần xoay chuyển vị thế của dân tộc, đất nước.
Nhưng, cũng có ý kiến băn khoăn nội lực của ta còn yếu, chủ nghĩa bảo hộ đang manh nha quay lại mà ta tiếp tục mở cửa, hội nhập sâu với thế giới thì có ổn không?
- Nhìn chung, về lâu dài hội nhập vẫn là xu thế toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ tăng lên ở Mỹ và vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc càng khiến các nước khác thấy rõ rằng không có cách nào khác là phải hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn với nhau.
Điều này đúng với nguyên lý bó đũa mà cha ông ta đã dạy. Sự phát triển công nghệ với cách mạng công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi và thúc đẩy tự do hóa thương mại, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
CPTPP ký kết, mong mỏi lớn nhất của Việt Nam là thay đổi để nâng tầm vị thế đất nước. (Ảnh: VTV) |
Thực ra, khi Mỹ rút khỏi TTP, tất cả các thành viên đều hụt hẫng, quan ngại.
Gần 10 năm chuẩn bị với bao cuộc vận động, đàm phán, tương lai TPP bỗng chốc trở nên vô định. Nhưng Nhật Bản đã vượt qua cái bóng bao nhiêu năm nay của Mỹ, thể hiện vai trò thủ lĩnh đúng lúc khi đứng ra dẫn dắt, thúc đẩy đàm phán ký kết CPTPP.
“Khi Mỹ rút khỏi TPP, do tính phức tạp của vấn đề, chính chúng tôi cũng lo có lẽ phải mất thêm vài năm đàm phán lại, nhưng rất may là với vai trò của Nhật Bản và sự nỗ lực của các nước tham gia CPTPP, Hiệp định đã được ký chỉ 1 năm sau khi ông Trump “rời cuộc chơi”, bà Phạm Chi Lan nói. |
Trong khi đó, Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao khi tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết.
Việt Nam đã cho thấy sự năng động, khéo léo của mình khi vận dụng dịp hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng để thuyết phục các quốc gia thành viên ngồi lại với nhau, tìm ra sự đồng thuận, mở đường cho hội nghị tháng 1/2018 ở Nhật và sau đó là sự thống nhất bằng việc ký kết chính thức hôm 8/3.
Chính vì chủ nghĩa bảo hộ tăng lên ở những nước lớn như Mỹ mà chúng ta càng cần tham gia các FTA như CPTPP hay EVFTA.
Thực tế 30 năm qua đã cho thấy những thành công trong cải cách và phát triển ở nước ta nhờ một phần quan trọng vào hội nhập quốc tế.
Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới vững chắc hơn trong quan hệ với các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chúng ta sẽ có nền tảng thể chế và kinh tế-xã hội tốt hơn, có khả năng tự chủ cao hơn trong các mối quan hệ quốc tế, kể cả với các nước lớn.
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là thực thi. Từ kinh nghiệm, bài học hội nhập, bà đánh giá khả năng tận dụng thời cơ mà CPTPP mang lại như thế nào?
- Khi tham gia WTO, có những cam kết ta không thực hiện tốt. Nhiều cải cách cần thiết đã bị chững lại, thậm chí còn quay ngược lại như với doanh nghiệp nhà nước.
Vì vậy kết quả 10 năm tham gia WTO thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, nhiều vấn đề mới nẩy sinh.
Nay, tôi cho rằng Chính phủ sẽ làm thật, sẽ cố gắng thực sự tận dụng cơ hội của CPTPP. Thái độ của những người đứng đầu Chính phủ với kinh tế tư nhân cũng khác.
Riêng 2 năm qua, Chính phủ đã tập trung cao vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, với nhiều nghị quyết và việc làm thiết thực.
Chính phủ đã dẹp bỏ nhiều giấy phép con, buộc các bộ phải hủy các điều kiện, quy định cản trở, gây khó cho doanh nghiệp; yêu cầu hệ thống phải tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng…
Bên cạnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án khởi nghiệp được quan tâm cao, Chính phủ cũng rất chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân lớn trong các dự án sản xuất công nghiệp, nông nghiệp lớn như sản xuất ô tô Trường Hải, Vinfast, nông nghiệp công nghệ cao của TH, VinEco…
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng rất ủng hộ, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, đến thăm nhiều cơ sở để động viên, cổ vũ doanh nghiệp.
Các cam kết CPTPP dù cao nhưng đều phù hợp với lợi ích, mong muốn, thậm chí là sự chờ đợi của người dân, doanh nghiệp và xã hội về một cuộc Đổi mới lần thứ hai ở nước ta.
Đây là cơ hội để ta thay đổi. Sức ép bên ngoài cộng hưởng với mong muốn trong nước sẽ buộc chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ.
Không lẽ chúng ta chấp nhận mãi ở vị trí thấp nhất trong 11 thành viên CPTPP, chấp nhận thua cả bạn Lào về năng suất lao động?
Việc gần đây Thủ tướng đề cập đến yêu cầu tìm cách biến Việt Nam thành con hổ cho thấy người lãnh đạo Chính phủ có khát vọng lớn, muốn đưa đất nước vươn lên tầm cao mới.
Và CPTPP chính là vận hội để chúng ta vượt lên chính mình, cùng nhau gắng sức thực hiện khát vọng đó trong tương lai.
Xin cảm ơn bà!