Ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) bất ngờ gửi đơn xin từ chức.
Đơn từ chức của ông Hải được gửi đi sau chưa đầy 2 năm nhậm chức (từ tháng 3/2016) và chỉ sau 10 tháng trực tiếp “cầm quân” lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường (từ 16/1 đến tháng 10/2017), dù hoạt động năng nổ của ông trong “cuộc chiến vỉa hè” từng được một số lãnh đạo đánh giá cao.
Lý do từ chức được ông đưa ra là đã không thực hiện được lời hứa về việc lập lại trật tự vỉa hè.
Quán ăn kê bàn ghế tràn ra vỉa hè cho khách ngồi ăn nhậu. (Ảnh: Vtv.vn) |
Ông Hải đã có văn bản tạm đình chỉ hoạt động 48 bãi trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè và chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý các điểm giữ xe trên địa bàn quận 1.
Tức là đã kiên định vượt qua sự công khai và ngấm ngầm chống phá, đe dọa sinh mạng bản thân, gia đình từ các đối tượng bị mất nguồn lợi gắn với các bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh liên quan thì lạ thay chưa thấy có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện vỉa hè ở quận 1 cũng như các địa bàn khác vừa khó giải tỏa, vừa đang bị tái chiếm nghiêm trọng…
Trên thực tế, vỉa hè ở các đô thị lớn, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có vị thế rất đặc biệt, không chỉ là bộ mặt của đô thị, mà còn là không gian kinh tế, không gian giao thông và không gian văn hóa của cộng đồng người dân trên địa bàn.
Giải bài toán vỉa hè cần sự tiếp cận trên quan điểm đồng bộ giải pháp và hài hòa lợi ích, có lý có tình, thống nhất nhận thức, mục tiêu, quy hoạch sử dụng, xây dựng các tiêu chí định mức kinh tế-kỹ thuật cụ thể và các cơ chế giải pháp linh hoạt trong triển khai.
Theo đó, sẽ là cực đoan nếu chỉ nhấn mạnh quyết tâm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, mà bỏ qua nhu cầu sinh kế và khả năng sắp xếp chỗ giữ xe thuận lợi và văn minh;
Và sẽ là phạm pháp nếu ai đó nhăm nhăm độc chiếm và biến vỉa hè thành “mặt tiền” cửa hàng riêng nhà mình và coi quyền cấp phép dùng vỉa hè, lòng đường là đặc quyền, đặc lợi “bất khả xâm phạm” của nhóm lợi ích…
Bởi vậy, để đồng thuận và bền vững, trước hết Thành phố Hồ Chí Minh cần thống nhất chỉ đạo các quận và huyện xây dựng các quy hoạch sử dụng hè, lòng đường phố cụ thể cho từng tuyến phố, con đường cụ thể, với những tiêu chí hết sức cụ thể, rõ ràng:
Chỗ nào cấm; chỗ nào được phép bán hàng, chỗ nào được đỗ xe và trông xe, hướng và cự ly sắp xếp xe.
Ngay trên một hè phố và con đường, luôn xử lý sao cho ưu tiên mục tiêu giao thông động (đi xe và đi bộ); kinh doanh thuận lợi và văn minh;
Các điểm đỗ xe cụ thể và các bãi giữ xe tập trung cấp khu vực, quận (với ưu tiên phát triển các bãi đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng);
Cần có sự linh hoạt trong cấp phép sử dụng vỉa hè cho các mục đích kinh doanh văn hóa như: quầy sạp báo, hàng ăn uống, bán hàng… ở những nơi không ảnh hưởng đến trật tự giao thông hoặc bố trí một số khu vực nhất định để vừa tạo điều kiện mưu sinh cho người dân vừa đảm bảo mỹ quan đô thị.
Hơn nữa, cần tổ chức tính toán khoa học và công khai các mức thu và phân chia tỷ lệ giữa các cấp ngân sách nhà nước và cơ chế sử dụng từ nguồn thu phí sử dụng hè, đường cho các hoạt động mục tiêu cụ thể, ưu tiên vì lợi ích công cộng, lợi ích người dân trên toàn thành phố và người trực tiếp triển khai công tác thu phí và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội liên quan.
Đồng thời, xác định các mức phạt và chế tài đủ nghiêm khắc cho các vi phạm, trục lợi.
Đặc biệt, sau khi đã thống nhất nhận thức, cách làm với các phương án cụ thể trên, cần sự tuyên truyền và phản biện xã hội rộng rãi, sự đồng hành vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm và sự chỉ đạo nhất quán từ trên xuống, sự chủ động nhận diện và nghiêm khắc xử lý các hành vi bảo kê, thao túng, gắn với nhóm đặc quyền, đặc lợi.
Chính sách tốt và cách làm hay khi chúng không gây “sốc chính sách” đột ngột, tạo căng thẳng và xung đột xã hội diện rộng, mà cần có một quá trình tạo đồng thuận giá trị và hài hòa lợi ích cao nhất.
Giải bài toán kinh tế vỉa hè cần gắn với kiểm toán hoạt động vỉa hè, từ đó cho phép tìm lời giải tối ưu!