Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98% số lượng doanh nghiệp hiện nay của nước ta nên dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4, một vấn đề đang thu hút sự tranh luận sôi nổi đó chính là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định trong luật như thế nào tiếp tục được đưa ra thảo luận.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (ảnh Trinh Phúc). |
Điều gì "vô lý" trong dự thảo luật?
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cho rằng điều 30 của dự luật là “vô lý” khi nhấn mạnh quá nhiều về quyền lợi và chức năng của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà bỏ qua các hiệp hội khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nhân trẻ, nữ doanh nhân, địa phương…, nơi có 99% thành viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa,.
Ông Lộc cho rằng: “Chúng tôi nhận thức được luật vấn đề nhỏ và vừa rất quan trọng, tuy nhiên trong văn bản dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu đó.
Hiện, tinh thần cải cách, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ thì được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm nhưng chưa được thể hiện tốt trong dự thảo luật này.
Một số Điều luật cần thiết phải có tiêu chuẩn, định mức rõ ràng. Hiện có rất nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, lặp lại các quy định trong luật chuyên ngành.
Điều 30. Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngoài những nhiệm vụ chung về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được ghi trong Điều lệ, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 2. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có trách nhiệm sau đây: a) Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệquyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa; b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật này; c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật này. d) Thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật. đ) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. e) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 3. Các hiệp hội ngành nghề phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. |
Như quy định, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuân thủ quy định pháp luật của nhà nước, tôi thấy điều này là đương nhiên.
Hiện có đến 20 Điều không nên ghi vào luật này để làm cho luật được thanh thoát, nhẹ nhàng”.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, trong luật cần thiết phải quy định một số giải pháp ưu tiên đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ như giảm tần suất kê khai thuế, đơn giản hóa sổ sách kế toán, bỏ báo cáo thuế hàng năm, được hưởng mức thuế thấp hơn 2- 3%...
Việc thúc đẩy chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cần thiết cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này.
Riêng Điều 30 của Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Vũ Tiến Lộc có quan điểm:
“Chúng tôi đề nghị đưa ra thiết chế mới phù hợp còn lại để như hiện tại thì cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy rất vô lý.
Việc điều chỉnh tại dự thảo này rất không hợp lý tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 30.
Cụ thể: “Khoản 1, quy định VCCI quy định ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn và vừa”.
Tôi cho rằng, điều này không đúng với tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và Điều lệ của VCCI được Thủ tướng phế duyệt.
Trong hai văn bản này, Bộ Chính trị đã xác định VCCI là tổ chức quốc gia đại đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp.
Và thực thực hiện chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, cho các hiệp hội doanh nghiệp và cho người sử dụng lao động. Đây là tổ chức duy nhất do Bộ Chính trị thành lập và chỉ đạo trực tiếp.
Tổ chức duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ. VCCI được thành lập năm 1963 do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập…
Khi nói về hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Điều 2, tôi nghĩ rằng thiết kế này quyên thiết kế của các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, tỉnh, thành phố.
Các hiệp hội doanh nghiệp trẻ, hiệp hội doanh nghiệp là nữ, cần phải thể hiện trong văn bản này nên tôi đề nghị nên ghi VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp”.
Giải thích về các vấn đề trên, ông Vũ Tiến Lộc phân tích: “Trên thế giới, cơ chế đại diện, tất cả các nước trên thế giới thì Phòng thương mại công nghiệp luôn là đại điện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Văn phòng Đại diện thương mại và công nghiệp là đại diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu. Trong đó, ghi rõ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đại diện quyền lợi doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa bị "chê" là thuyền thúng?
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ảnh Trinh Phúc). |
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có quan điểm cho rằng: “Cơ bản tán thành Điều 30 của dự án luật, trong đó quy định khá rõ trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Dự án luật này quy định nhiệm vụ trách nhiệm tại Điều 30 là thể hiện sự đổi mới tư duy, phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ trước đây do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho tổ chức xã hội, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
“Hỗ trợ các doanh nghiệp chiến thắng, không hỗ trợ các doanh nghiệp chiến bại" |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được nhà nước công nhận là đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng tôi nhận thấy, việc quy định nhiệm vụ và trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong dự thảo luật cơ bản là phù hợp.
Việc dự án luật quy định tại Điều 30 là cơ sở pháp lý quan trọng để Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phát huy trách nhiệm của mình”.
Theo ông Nguyễn Văn Thân: “Có hai điều cần trao đổi, gần đây một số ý kiến quan điểm Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa không phả là cơ quan đại điện, cái đó tôi khẳng định quan điểm đó không đúng. Ai có ý kiến nào như vậy nên suy nghĩ lại.
Một số ý kiến cho rằng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là thuyền thúng. Tức là hiệp hội không đại diện cho ai cả, tóm lại là không chấp. Điều này khiến chúng tôi rất đau lòng.
Hiện nay, Hiệp hội rất nhiều năng lượng nên mong muốn được giao nhiệm vụ, rất mong được giao chi tiết như tại Điều 30 để chúng tôi tràn đầy sinh khí để làm.
Chúng tôi trẻ, chúng tôi xông pha nếu được Quốc hội giao nhiệm vụ thì chúng tôi quyết tâm”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị "không trao đổi lại"
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đại diện cho cơ quan soạn thảo nói Điều 30, Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư -ông Nguyễn Chí Dũng tỏ ra khá bất ngờ trước ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc và cho biết, những nội dung này đã được nêu vài lần ở các hội thảo trước đây.
“VCCI cũng là thành viên ban soạn thảo, trước đây rất ủng hộ dự luật, nhưng không hiểu vì sao lần cuối này lại có ý kiến ngược lại.
Nếu có ý kiến thì phải ở giai đoạn trước vì chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, kể cả với VCCI. Tôi đề nghị không trao đổi lại, và đề nghị tiếp tục dự luật”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng: “Mỗi hiệp hội đều có tôn chỉ mục đích riêng, không thể tổ chức này là cấp trên hay là tổ chức mẹ của tổ chức khác.
Mỗi người có chứng năng và nhiệm vụ khác nhau. Nếu đã là chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước thì càng nhiều tổ chức hỗ trợ thì càng tốt. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên.
Chỉ một Phòng thương mại công nghiệp đại diện là không tốt, vì thế có cả đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp và cả đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các hiệp hội, ngành nghề. Còn tên gọi, tiêu chí thì nghiên cứu kỹ”.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế rà soát Điều 30 của dự thảo luật để không ảnh hưởng chức năng của VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.