Bức tranh đáng xấu hổ của nhiều doanh nghiệp nhà nước

25/02/2017 07:40
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, chính lợi ích nhóm là nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, nợ nần tăng cao.

Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 230 doanh nghiệp nhà nước có cổ phần. 

Chỉ tính các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014), trong đó vốn chủ sở hữu hơn 1,376 triệu tỷ đồng (tăng 8%). 

Tuy vậy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp chỉ đạt hơn 1,588 triệu tỷ đồng (tương đương năm 2014).

Doanh nghiệp nhà nước là nơi đậm đặc tham nhũng và nhóm lợi ích - ảnh nguồn Tạp chí tài chính.
Doanh nghiệp nhà nước là nơi đậm đặc tham nhũng và nhóm lợi ích - ảnh nguồn Tạp chí tài chính.

Đáng chú ý, dù 7 tập đoàn nhà nước chiếm tới 65,5% tổng vốn chủ sở hữu, nhưng chỉ đem lại doanh thu 960.795 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2014).

Những con số trên cho thấy bức tranh thụt lùi đáng xấu hổ của nhiều doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt khi so sánh với những ưu đãi về vốn về công nghệ.

“Đứa con cưng” trở thành “con hư”

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh một phần nguyên nhân dẫn đến yếu kém của doanh nghiệp nhà nước đến từ việc chúng ta luôn xem những doanh nghiệp này “con cưng”, được “yêu chiều” về vốn, về cơ chế chính sách, về đất đai.

“Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến yếu kém doanh nghiệp nhà nước là do quản lý và điều hành doanh nghiệp nhà nước từ Trung ương đến địa phương”, GS.Thơ cho biết.

Yếu kém trong quản lý doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ việc không rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước.

Cụ thể, việc không phân tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước dẫn đến lạm quyền trong điều hành quản lý doanh nghiệp nhà nước gây nên thất thoát tài sản.

GS.Trần Ngọc Thơ - Ảnh: Hoài Linh/ Tuổi Trẻ.
GS.Trần Ngọc Thơ - Ảnh: Hoài Linh/ Tuổi Trẻ.

Ngay trong đại án tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), các bị can đưa ra xét xử với với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyên lãnh đạo Vinashin lợi dụng quyền hạn để tự ý tàu Hoa Sen gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 469,5 tỷ đồng.

Đồng quan điểm, TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, doanh nghiệp nhà nước thời kỳ bao cấp giữ vai trò chủ đạo nhưng khi đi vào kinh tế thị trường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đi xuống mặc dù vẫn nhận được nhiều ưu đãi về vốn, công nghệ, cơ chế chính sách.

“Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước hiện nay nhiều lĩnh vực không bằng khu vực tư nhân”, TS.Kiêm đánh giá.

Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu do công tác quản lý - ảnh: H.Lực.
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu do công tác quản lý - ảnh: H.Lực.

Theo ông Kiêm, hiện tại tổng tài sản của 871 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 3.105.453 tỷ đồng, còn nếu tính cả tài sản của doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở lên thì tổng tài sản lên tới trên 5.408.400 tỷ đồng. Nếu khối tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước thì con số rất lớn.

Khối tài sản lớn như vậy, nhưng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì sao?

Năm 2014, so với năm 2013, doanh thu của khu vực kinh tế này chỉ tăng… 1%; lợi nhuận trước thuế thậm chí còn giảm 1%; tổng nghĩa vụ tài chính phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước cũng giảm 1%. 

"Như vậy, chưa cần so với khu vực doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà so với chính doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy hiệu quả hoạt động càng ngày càng giảm", ông Kiêm cho biết.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu).

Hiện tại, ROE của 871 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 16%, không chỉ thấp xa so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giảm so với năm 2013. 

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp nhà nước năm 2015 giảm 5% so với năm trước đó (chỉ đạt hơn 246.000 tỷ đồng). Trong đó, các tập đoàn nộp ngân sách nhà nước giảm 12%, các tổng công ty giảm 17%...

Theo TS.Cao Sỹ Kiêm những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu do công tác quản lý. 

Bức tranh đáng xấu hổ của nhiều doanh nghiệp nhà nước ảnh 4

Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết các dự án thua lỗ kéo dài

“Nguyên nhân dẫn đến quản lý yếu kém doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ quy định pháp luật, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, nhiều kẽ hở. 

Bên cạnh đó năng lực quản lý của cán bộ công chức, viên chức trong doanh nghiệp nhà nước chưa theo kịp với yêu cầu của kinh tế thị trường, vẫn còn dáng dấp của kinh tế bao cấp”, TS.Kiêm nói.

TS.Cao Sỹ Kiêm cho rằng, chính yếu kém trong quản lý dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ, mất vốn hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng trong đó điển hình nhất là 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương.

TS. Kiêm khẳng định, yếu kém trong quản lý dẫn đến những dự án của PVC, Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Bột giấy Phương Nam, Gang thép Thái Nguyên…dù không hiệu quả nhưng vẫn được cấp phép đầu tư để rồi gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. 

Từ thực tế yếu kém doanh nghiệp nhà nước, GS.Trần Ngọc Thơ đặt vấn đề cần nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Thay vì nhìn nhận doanh nghiệp nhà nước là “con cưng” và dành nhiều ưu đãi, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa về vốn cộng với cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tư nhân.

Cổ phần hóa chỉ về “vỏ” thì không có “chất”

Trước yếu kém của doanh nghiệp nhà nước Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên theo TS.Cao Sỹ Kiêm trong thời gian dài quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm với nhiều vấn đề phát sinh.

TS.Kiêm nhận xét, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá nhưng chưa có sự thay đổi về chất. Quản trị trong những công ty cổ phần này vẫn mang dấu ấn đậm nét từ quản trị của doanh nghiệp nhà nước. 

Tại rất nhiều công ty mà nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối vẫn là bộ máy cũ, con người cũ, cách làm việc cũ. Từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không cao.

TS.Cao Sỹ Kiêm cho biết, có ba nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Thứ nhất, trước đây chúng ta thường lựa chọn những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hoạt động yếu để cổ phần hóa. Bản thân chủ trương ấy đã làm cho doanh nghiệp nhà nước khó cổ phần hóa hoặc cổ phần hóa những không phát huy được hiệu quả.

Mặt khác, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhưng nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn và chi phối hoạt động của doanh nghiệp.

Nguyên tắc kinh tế thị trường cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối sẽ có tiếng nói quyết định. Khi nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần vai trò quyết định vẫn thuộc nhà nước. 

Như vậy cổ phần hóa chỉ ở “vỏ” còn về “chất” vẫn không thay đổi. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa xong vẫn đội ngũ lãnh đạo ấy nên khó giúp doanh nghiệp bứt phá. 

Thứ hai, khi cổ phần hóa doanh nghiệp do thiếu cơ chế chặt chẽ để quản lý vốn rất nhiều sơ hở gây ra hệ lụy lạm dụng biến tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân thông qua bán cổ phần.

Những ngày vừa qua câu chuyện về khối tài sản “khủng” cũng như số cổ phần nắm giữ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân trong gia đình đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Công ty này vốn là doanh nghiệp nhà nước nhưng đã cổ phần hóa vào năm 2005. Hiện, Nhà nước không nắm giữ cổ phần nào tại doanh nghiệp này.

Cần làm rõ những thông tin về tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương - bà Hồ Thị Kim Thoa. ảnh: TTXVN.
Cần làm rõ những thông tin về tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương - bà Hồ Thị Kim Thoa. ảnh: TTXVN.

Đây cũng là việc bình thường, vì chủ trương của Nhà nước là sẽ dần rút vốn ở những nơi nhà nước không cần nắm giữ, thay vào đó là huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và thay đổi mô hình quản trị.

Tuy nhiên, dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện nắm giữ tới 11,8 triệu cổ phiếu, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp, ước tính giá trị gần 700 tỷ đồng.

Theo ông Kiêm, vẫn còn không ít lỗ hổng đáng lo ngại, trong đó đáng chú ý là sự thiếu minh bạch trong quá trình bán vốn nội bộ theo thỏa thuận. Những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua với giá thấp. Vì vậy số tiền mà Nhà nước thu thực tế đã bị thất thoát trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp.

Thậm chí, không loại trừ trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp cố ý buông lỏng quản lý, để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa nhằm “hạ giá” tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Sau đó, họ tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong công ty…

Thứ ba, bản thân doanh nghiệp được cổ phần hóa ngoài cơ chế không hoàn chỉnh, còn do tư tưởng của cán bộ lãnh đạo tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

“Họ không mặn mà, thay vào đó chỉ tìm kẽ hở để lạm dụng để chia chác, những trường hợp không sơ múi được gì thì tìm cách làm chậm quá trình cổ phần hóa bởi họ biết cổ phần hóa xong sẽ bị mất quyền lợi”, TS. Kiêm cho biết.

Một nguyên nhân khác dẫn đến doanh nghiệp nhà nước yếu kém kể cả sau khi cổ phần hóa theo ông Kiêm chính là nhóm lợi ích mới. 

Chung nhận định trên, GS. Trần Ngọc Thơ doanh nghiệp nhà nước là nơi dễ hình thành nhóm lợi ích, dễ nảy sinh tham nhũng. 

“Vụ gia đình của một thứ trưởng sở hữu khối tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng từ một công ty cổ phần có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước chỉ là một minh họa rất nhỏ”, GS. Trần Ngọc Thơ dẫn chứng. 

Nguyên nhân dẫn đến nhóm lợi ích tại các doanh nghiệp nhà nước theo GS. Trần Ngọc Thơ chính là sự lỏng lẻo của hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế quản lý giám sát của cơ quan có trách nhiệm.

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng đặt câu hỏi về vai trò giám sát, tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương cũng như các cơ quan khác trong vụ việc 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương.

Mới đất nhất, trả lời báo chí về chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nguyên tắc sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. 

“Điều đó cho thấy những chỉ đạo quyết sách của Đảng, của Chính phủ, rất đúng đắn vấn đề là ở việc triển khai thực hiện và giám sát thực hiện”, TS. Kiêm nhấn mạnh.

Mai Anh