Các sếp lớn bị bắt, hoang mang số phận dự án Petro Vietnam Landmark

17/03/2014 13:38
Phạm Liễu (Tổng hợp)
(GDVN) - Hai sếp lớn của dự án Petro Vietnam Landmark lần lượt bị bắt khiến nhiều khách hàng đứng ngồi không yên khi dự án chậm bàn giao đến 2 năm...


Sếp lớn lần lượt bị bắt


Liên quan đến dự án Petro Vietnam Landmark, mới đây Cơ quan an ninh điều tra vừa bắt giam Hà Văn Sơn (30 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land). Ông Hà Văn Sơn bị bắt về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cũng liên quan đến quá trình điều tra vụ án này, ngày 22/1 vừa qua, Cơ quan Điều tra đã bắt tạm giam ông Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL), để điều tra về hành vi trên.

Theo đó, ông Sáu bị bắt vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự. Sự việc này cũng đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố đến các nhà đầu tư. 

Dự án Petrolandmark đang xây dựng dang dở.
Dự án Petrolandmark đang xây dựng dang dở.

Ông Hoàng Ngọc Sáu sinh năm 1966 tại Thanh Hóa. Trước khi giữ chức Chủ tịch PVL, ông Sáu là Thành viên Hội đồng Quản trị PVL và là Tổng giám đốc công ty. 

Trước đó, ngày 8/8/2013 Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã ra quyết định cho ông Hoàng Ngọc Sáu thôi làm người đại diện phần vốn của PVC tại PVL. 
Sau quyết định trên, từ ngày 6/11/2013 đến ngày 5/12/2013, ông Hoàng Ngọc Sáu đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu PVL. Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin giao dịch của ông Hoàng Ngọc Sáu chỉ mua 21.500 cổ phiếu PVL trên tổng số 5 triệu cổ phiếu được đăng ký mua. 

Chủ đầu tư thất hứa, khách hàng "dở khóc dở cười"

Ngày 13/1 vừa qua, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại dự án Petro Vietnam Landmark thuộc Phường An Phú (Quận 2, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí (PVCland) làm chủ đầu tư đã kéo nhau ra tận Hà Nội để đòi nhà, do doanh nghiệp này đã thất hứa bàn giao nhà hơn 2 năm. 

Các hộ dân mua nhà thông qua đơn vị thứ cấp là Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVL), nay đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí, có trụ sở tại Hà Nội.

Cư dân căng băng rôn tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí.
Cư dân căng băng rôn tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí.

Đa số hợp đồng mua nhà của các cư dân thời hạn giao nhà vào ngày 31/12/2011 cùng điều khoản: việc chậm bàn giao căn hộ không được kéo dài quá 6 tháng đối với thời hạn trên. Theo phản ánh của đại diện các cư dân, họ đã đóng tiền theo đúng tiến độ và đến nay đã đóng tới hơn 80% giá trị hợp đồng, một mặt là thực hiện đúng cam kết, mặt khác là PVL quy định rõ trong hợp đồng: nếu không đóng đúng tiến độ thì bị phạt tới 50% giá trị hợp đồng và cá biệt một số hợp đồng còn ghi là mất luôn toàn bộ số tiền đã đóng trước đó.

Khoảng tháng 9/2010, Công ty Cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVCLand) ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) do ông Hà Văn Sơn làm TGĐ vận hành khai thác Dự án Petro Vietnam Landmark - Trung tâm thương mại văn phòng và chung cư An Phú (tại phường An Phú, quận 2, TP HCM), do PVCLand làm chủ đầu tư...

Tuy nhiên, cơ quan chức năng làm rõ thời điểm cuối năm 2010, Dự án An Phú mới xây được đến tầng thứ 9 và cho đến nay vẫn chưa được phía chủ đầu tư là PVCLand bàn giao cho VN Land quản lý.

Thế nhưng đến nay, thời gian giao nhà đã quá hạn tới 2 năm, nhưng tiến độ dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thành xây thô và đang dừng mọi hoạt động.

Sau nhiều công văn của cư dân gửi tới cả PVL, PVCLand, các cơ quan chức năng cùng với việc tập trung căng băng rôn tại dự án để đòi nhà, đòi quyền lợi, cuối cùng các cư dân cũng gặp được PVCland. Song, người dân vô cũng thất vọng khi câu trả lời từ phía chủ đầu tư dự án là PVCland khi nói: Công ty đang rất nỗ lực và cũng không biết đến ngày nào mới bàn giao nhà được.

Theo đơn thư cùng tài liệu đại diện cư dân cung cấp, họ càng phẫn nộ hơn khi nhận được công văn trả lời cũng như một số tài liệu quan trọng từ PVL và PVCland.

Một điều bất ngờ được hé lộ từ Công văn mà PVL gửi cho cư dân. Đó là việc PVL và PVCland đã cùng nhau ký một biên bản cấn trừ công nợ vào tháng 5/2012, trong đó có khoản phạt chậm bàn giao nhà lên tới hơn 39 tỉ đồng và số tiền phạt này để đóng cho nghĩa vụ tiếp theo của PVL đối với PVCland. Tức là PVL giữ tiền cư dân đã đóng lại mà trả tiến độ tiếp theo bằng tiền phạt hợp đồng giữa PVL và PVCland.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 16/10/2013 giữa cư dân và PVCland, PVL không tham gia với lý do bận thì PVCLand lại nói các thỏa thuận về việc cấn trừ công nợ với khoản phạt chậm bàn giao nhà là vô hiệu vì kiểm toán phát hiện sai.

Phát biểu tại buổi họp, đại diện chủ đầu tư là Phó giám đốc phụ trách đầu tư tài chính PVCLand, Vũ Anh Tú phân trần: "Chúng tôi cam kết không dùng tiền của khách hàng sai mục đích. Vì là công ty niêm yết nên kết quả kiểm toán của doanh nghiệp minh bạch. Dự án này chủ đầu tư cũng chịu lỗ và vẫn đang bán tài sản để xây tiếp".

Trong khi hành trình đòi nhà của cư dân Petro Vietnam Landmark chưa có hồi kết, thông tin ông Hà Văn Sơn bị bắt càng làm cho nhiều người mua nhà tại dự án này hoang mang hơn về số phận của những căn hộ trong mơ của họ.

Petro Vietnam Landmark là Tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Năm 2009-2010 chủ đầu tư đã chào bán căn hộ giá trung bình 23,8 triệu mỗi m2. Tháng 10/2011 PVC Land hạ giá dự án xuống còn 15,5 triệu đồng một m2 để thu hồi tiền mặt về trả nợ ngân hàng. Quý IV/2011, dự án thu hút nhiều người đổ tiền vào mua với điều kiện phải đóng 100% giá trị hợp đồng.

Petro Vietnam Landmark từng đại hạ giá căn hộ gây sốc cho thị trường bất động sản TP.HCM hồi cuối năm 2011.
Phạm Liễu (Tổng hợp)