Có nên cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm?

01/07/2017 10:43
Mai Anh
(GDVN) - Theo Cục An toàn thực phẩm nếu cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật.

Chiều ngày 30/6, tại hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ”, ý kiến của nhiều doanh nghiệp, đại diện hội, hiệp hội đều bày tỏ quan điểm phải sửa đổi, thay thế thủ tục công bố phù hợp an toàn thực phẩm kể trên bằng hình thức chứng nhận hợp chuẩn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm được ban hành đã góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi Pháp lệnh An toàn Thực phẩm trước đây.

Toàn cảnh Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ” - ảnh Hoàng Lực.
Toàn cảnh Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ” - ảnh Hoàng Lực.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng các doanh nghiệp thực phẩm đã gặp phải một số vướng mắc, bất cập, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp. 

Trong khi đó theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong hoạt động quản lý chuyên ngành, các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm hiện là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy còn có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên duy trì quy định “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” - ảnh Hoàng Lực
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên duy trì quy định “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” - ảnh Hoàng Lực

Theo Tiến sĩ Cung, tình trạng mất an toàn thực phẩm và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề nóng hiện nay, cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có giải pháp tăng cường sự quản lý của nhà nước.

Nhưng điều này không có nghĩa là duy trì quy định “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”, bởi qua hơn 5 năm thực hiện quy định này cho thấy, đây không phải là giải pháp có tác dụng tăng cường quản lý nhà nước. 

Đồng quan điểm trên ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp an toàn thực phẩm như hiện nay là không phù hợp.

Cụ thể, theo Nghị định 38/2012, để đưa một sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường, đầu tiên doanh nghiệp phải gửi mẫu sản phẩm thực phẩm đi kiểm nghiệm.

Nếu đạt chất lượng thì doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rồi nộp hồ sơ gửi Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế xin xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.

Lúc này, Cục An toàn thực phẩm sẽ thẩm xét giấy tờ rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, công bố hợp quy, công bố phù hợp an toàn thực phẩm như hiện nay là không phù hợp - ảnh Hoàng Lực.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, công bố hợp quy, công bố phù hợp an toàn thực phẩm như hiện nay là không phù hợp - ảnh Hoàng Lực.

Ông Tuấn phân tích, việc quản lý bằng thủ tục kể trên không có tác dụng đảm bảo an toàn thực phẩm vì Cục An toàn thực phẩm không kiểm tra cơ sở sản xuất mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu, hồ sơ.

Mặt khác, việc nặng vào quản lý dựa trên hồ sơ, giấy tờ như vậy không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp mà còn thiếu minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực để hành doanh nghiệp.

Trước ý kiến trên trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam bên lề hội thảo, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) khẳng định, việc tăng cường quản lý, siết chặt quản lý an toàn thực phẩmtrong bối cảnh hiện nay là nhu cầu tất yếu được đặt ra.

Thực tế từ khi có Nghị định 38/2012 của Chính phủ đến nay, việc thực hiện Nghị định này đã đem lại hiệu quả rõ rệt được Chính phủ, Quốc hội và cả các tổ chức quốc tế ghi nhận. Số vụ vi phạm về thực phẩm được phát hiện, xử lý nhiều hơn, ngành hàng thực phẩm có bước phát triển vượt bậc hơn, thực phẩm Việt Nam được thị trường các nước tiên tiến trên thế giới chấp nhận nhiều hơn.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật chất lượng hàng hóa đều nêu rõ, với nhóm ngành hàng ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe con người thì bắt buộc phải công bố hợp quy, trường hợp nếu chưa có quy chuẩn để công bố hợp quy thì công bố phù hợp an toàn thực phẩm, đăng ký công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) nếu cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật - ảnh Hoàng Lực.
Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) nếu cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm,  mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật - ảnh Hoàng Lực.

Do vậy, nếu cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, muốn công bố thế nào cũng được mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật.

Hơn nữa, dù doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về công bố của mình nhưng không cơ quan nào quản lý nào quản lý hết được, thực phẩm bẩn, quảng cáo thổi phồng chất lượng chắc chắn sẽ tràn ngập thị trường.

Theo ông Trần Văn Châu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là đúng nhưng với ngành hàng thực phẩm liên quan trực tiếp tới an toàn, sức khỏe của người dân thì việc bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng phải là mục tiêu cao nhất.

Mai Anh