Đề xuất mua toa tàu cũ Trung Quốc, cách chức Tổng giám đốc đường sắt thôi sao?

04/02/2016 07:22
Việt Hoài
(GDVN) - Nếu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không đồng ý, liệu Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội có dám sang tận Côn Minh đàm phán mua 164 toa tàu chở hàng cũ?

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội vừa hoan hỉ thông báo với xã hội rằng, công ty đang đàm phán để mua 164 toa tàu chở hàng đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh Trung Quốc.

Lý do mà Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội quyết mua lại đồ "second hand", sử dụng nhiều nhất là 22 năm, ít nhất cũng ngót nghét 12 năm, phải chăng phần vì giá rẻ, phần vì các toa xe chở hàng này chạy trên khổ đường sắt 1m, phù hợp với khổ đường sắt trong nước?

(Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)
(Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: TTXVN)

Rõ ràng là Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội rất tuân thủ quy trình, có tờ trình với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và cũng đã được sự đồng ý của cấp trên về mặt chủ trương và giao cho hai công ty Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần vận tải và Thương mại Đường sắt trực tiếp thực hiện.

Thông tin mua toa xe cũ của Trung Quốc đã làm dư luận dậy sóng phản ứng, nào là sao lại đi mua đồ mà người ta đã thải, nào là Việt Nam không phải là thùng rác…

Và thông tin đã làm Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nổi nóng khi lập tức chỉ đạo bằng văn bản, yêu cầu Hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc giao cho các đơn vị đường sắt “cấp dưới” mua toa xe đã qua sử dụng.

Ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội bị cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty, bị cách chức… do trái thẩm quyền trong việc làm văn bản gửi cơ quan nhà nước: Không thực hiện đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ quan có liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Nhưng, cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp thôi ư? Dường như có gì đó chưa sòng phẳng.

Rõ ràng là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã được Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội báo cáo xin chủ trương và nhận được sự đồng ý của lãnh đạo cao nhất ngành đường sắt Việt Nam. Nếu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không đồng ý, liệu Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội dám sang tận Côn Minh đàm phán?

Vậy mà lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ bị kiểm điểm thôi ư?Chính lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải chịu trách nhiệm cao nhất trong “phi vụ” này chứ không phải mỗi ông Nguyễn Viết Hiệp.

Việt Hoài