Tại buổi thảo luận tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/5, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa bày tỏ băn khoăn: “Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cái này chúng ta bổ sung vào gấp quá, nghiên cứu chưa kỹ, nhưng mà qua nghiên cứu có mấy câu hỏi cần được giải đáp.
Việc tháo gỡ xử lý nợ xấu tôi cho rằng cần thiết, nhưng mà cái cách tháo gỡ đó là vấn đề quan trọng.
Cách tháo gỡ này, tôi cho rằng cần cụ thể hóa bằng luật hiện hành. Nếu luật hiện hành chưa quy định mà đặt ra quy định mới thì không trái với Hiến pháp. Nếu được thế thì tôi cho điều đó sẽ có sự đồng thuận cao.
Bây giờ, bằng một nghị quyết Quốc hội mà có một số quy định khác với luật hiện hành, trái với luật hiện hành thì gây ra một số thắc mắc rất là lớn trong nhân dân, cử tri, trong cán bộ, công chức.
Qua tờ trình, tôi thấy cần thiết phải suy nghĩ lại về điều này. Cách chúng ta làm, cách chúng ta tháo gỡ phải tính lại. Nếu vội, mình cũng cần có thời gian ngồi lại với nhau để tính kỹ hơn.
Với trí tuệ của chúng ta, đội ngũ ngân hàng, đội ngũ các nhà doanh nghiệp, đội ngũ các bộ ngành, các luật gia, luật sư, chúng ta sẽ có cách để tháo gỡ, góp phần tạo điều kiện giải quyết nợ xấu nhanh hơn mà không nhất thiết tạo ra một tiền lệ trái với luật hiện hành”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (ảnh Như Hải). |
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Nghị quyết và luật có giá trị như nhau, nhưng tính chất của nó thì khác nhau.
Luật rất phổ cập và cần sự ổn định lâu dài, sự ổn định này làm cho người dân và các nhà đầu tư yên tâm để mà thiết kế các giao dịch, xây dựng các hợp đồng trung hạn và dài hạn.
Nếu chúng ta cho phép bằng một nghị quyết mà trái đi với luật hiện hành đây là một tiền lệ chúng ta cần phải cân nhắc.
Một băn khoăn nữa, vừa rồi vấn đề nợ xấu gây tổn thất lớn cho xã hội, và có những quyết định kể cả ở phía các chủ ngân hàng, các cổ đông lẫn các cơ quan nhà nước đưa ra gây ra tranh cãi.
Do đó, cần xem lại chủ trương này liệu đã hợp lý chưa, đã tính toán hết cái giá phải trả chưa và thực sự có cơ sở pháp lý chưa?
Dự thảo nghị quyết này đã khiến một số Đại biểu Quốc hội cảnh báo có dư luận coi chừng vô tình giúp cho một số người thoát được trách nhiệm vì những sai phạm vừa rồi. Các sai phạm đó chúng tôi cho rằng hậu quả rất nặng nề.
Đến lúc này, nhà nước phải lãnh trách nhiệm đến hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu. Để trả, không có con đường nào khác cuối cùng ngân sách, tiền thuế của dân trả”.
Ông Trương Trọng nghĩa nhấn mạnh: “Hiện, chúng ta xử lý một số cá nhân chậm chạp, thu hồi tài sản không được bao nhiêu.
Những tổn thất này cần phải được đánh giá, nếu như nghị quyết này chúng ta tháo gỡ khó khăn thì rất hoan nghênh, rất là đúng, nhưng đồng thời cử tri mong muốn nghị quyết không vô tình làm cho một số người có sai phạm gây tổn thất mà thoát được trách nhiệm”.
Liên quan đến Nghị quyết nợ xấu, ngày 22/5 ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trình bày trước Quốc hội về bản tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trong 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các tổ chức mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, gặp một số hạn chế là quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả.
Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để.
Nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài. Cùng cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn…
Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.