EVN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên

22/06/2017 06:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.

Ông Nguyễn Cao Lục đồng thời cũng là Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã giao Tổ công tác kiểm tra một số tập đoàn, trong đó có EVN, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt một số ý kiến đề nghị EVN cần lưu ý, làm rõ:

Sản xuất và phân phối điện là một trong 4 ngành công nghiệp nhóm 1, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện…

Cung ứng đủ điện là một giải pháp để bảo đảm tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng trong năm 2017 đã có tình trạng quá tải cục bộ gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.

Trong 4 ngày nắng nóng đầu tháng 6/2017, đã có tới 12.632 cuộc gọi tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN liên quan đến sự cố, an toàn và mất điện. EVN cần nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp, kế hoạch để không xảy ra tình trạng này.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Cao Lục truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 21/6. ảnh: VGP.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Cao Lục truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 21/6. ảnh: VGP.

Thủ tướng lưu ý EVN về công tác vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Trong thời gian qua đã có một số vụ việc gây bức xúc như 4 học sinh bị đuối nước, tử vong tại khu vực hạ lưu Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên); sự cố công trình Thủy điện Sông Bung 2 vào tháng 9/2016 khiến 2 công nhân tử vong.

Cùng với đó, tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắk, tình trạng ngập lụt tại Hà Tĩnh vào cuối năm 2016 diễn biến phức tạp, một số ý kiến đặt vấn đề về việc các thủy điện liên quan xả lũ. Gần đây, nhiệt điện Phả Lại cũng gặp sự cố.

Thủ tướng đã chỉ đạo “không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”. 

EVN báo cáo các giải pháp để không xảy ra sự cố ảnh hưởng tới người dân.

Việc đầu tư một số dự án thuộc Quy hoạch điện VII bị chậm so với dự kiến do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như thu xếp nguồn vốn khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư xây dựng… EVN có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng?

Thủ tướng cũng yêu cầu báo cáo về kết quả tái cơ cấu EVN. Dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác.

Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, Công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư.

Báo cáo tại buổi làm việc này, Tổng Giám đốc EVN – ông Đặng Hoàng An cho biết, dự kiến cả năm 2017, sản lượng điện ước đạt 196,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 288,5 nghìn tỷ  đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nhóm ngành sản xuất và phân phối điện sẽ đạt 11,5%.

Theo ông An, quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.

Về vấn đề cổ phần hóa, EVN đã trình và được phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN.

Hiện EVN đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 3 (dự kiến chuyển thành công ty cổ phần trong năm nay), Phát điện 1 và Phát điện 2 (hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018). Tập đoàn sẽ thoái vốn xong tại Công ty Tài chính Điện lực trong năm 2017.

Đồng thời, quyết liệt giảm 2.990 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh điện so với kế hoạch đầu năm.

Theo EVN, mức tổn thất điện năng 7,57% hiện nay là bằng với Thái Lan, Malaysia và thấp hơn Indonesia hay Philippines.

Lãnh đạo EVN cũng nêu ra khó khăn trong hoạt động như việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật các thông số đầu vào thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ tăng 7.230 tỷ đồng trong năm nay.

Ngọc Quang