Theo Forbes, hãng hàng không Vietjet đã chứng tỏ năng lực bậc thầy trong hoạt động tiếp thị từ khi họ tung ra dịch vụ vào năm 2011.
Một trong những biện pháp độc đáo là sử dụng những tiếp viên hàng không mặc bikini trong các chuyến bay khai trương đến vùng biển hay những bộ lịch để bàn với hình ảnh những tiếp viên nóng bỏng – chiêu thức chưa hãng hàng không nào áp dụng tại Việt Nam.
Đôi khi, nó được xem là “cú” mạo hiểm nhưng thực tế, họ đã được giới truyền thông quảng bá miễn phí.
Forbes cũng cho rằng, doanh nghiệp này đang chứng tỏ khả năng kinh doanh chuyên nghiệp trong mảng hàng không giá rẻ.
Vietjet đang chứng tỏ khả năng kinh doanh chuyên nghiệp trong mảng hàng không giá rẻ. |
Tạp chí điểm lại một loạt động thái của hãng. Tuần trước, hãng công bố kế hoạch mở công ty con tại Thái Lan mang tên Thai VietJet Air.
Công ty sẽ bắt đầu hoạt động bằng việc tiếp nhận những chuyến bay với lộ trình Bangkok – TP.Hồ Chí Minh và Bangkok – Hà Nội mà công ty mẹ đang khai thác. Sau đó Thai Vietjet Air sẽ mở thêm chuyến Bangkok- Đà Nẵng.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam, hãng hàng không Vietjet đã ký thỏa thuận nguyên tắc mua 100 máy bay mới của Boeing với giá 11 tỷ USD.
Hồi tháng 2/2016, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc điều hành của công ty, thông báo hãng đang chuẩn bị những thủ tục cần thiết để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
CNN, kênh tin tức hàng đầu thế giới phát phóng sự về Vietjet(GDVN) - CNN nhận định: Ngành hàng không Việt Nam đang thật sự bùng nổ. Một hãng hàng không giá rẻ đang mang đến cơ hội cho nhiều người lần đầu tiên được đi máy bay. |
Thời điểm IPO sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường trong nước và quốc tế. Sự thành công của doanh nghiệp cũng có thể giúp bà Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Theo Forbes, thị trường nội địa bùng nổ đang tạo đà cho sự vươn lên của hãng bay.
Mức thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng nên họ có thể tiếp cận các phương tiện hàng không dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch tới Việt Nam cũng tăng ổn định.
Theo số liệu của Trung tâm Hàng không CAPA, thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á vào năm 2015. Tuyến bay Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh là đường bay lớn thứ 7 thế giới và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.
Vietjet xác nhận lượng hành khách của họ trong năm 2015 đạt 9,3 triệu người, tăng 66% so với năm 2014, và doanh thu cũng tăng hơn 200% lên mức 488 triệu USD.
Trong năm 2016, đơn vị này kỳ vọng tổng lượt khách sử dụng dịch vụ tăng lên 15 triệu và doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2015.
Dự báo Vietjet sẽ vượt hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines để dẫn đầu thị trường nội địa trong năm nay.
Với việc mở tuyến bay tới thành phố Đài Nam ở phía nam đảo Đài Loan trong tháng 6, hiện nay hãng khai thác 36 tuyến bay nội địa và 8 tuyến bay quốc tế.
Tổng giám đốc điều hành Nguyễn Thị Phương Thảo từng tiết lộ, hình mẫu của đơn vị bà là hãng hàng không Emirates ở Dubai.
Emirate là công ty toàn cầu nhưng ra đời ở một đất nước có dân số thấp. Tham vọng của nữ doanh nhân Phương Thảo là biến doanh nghiệp của mình thành "Emirate của châu Á".
Forbes kết luận: Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của hãng trong 5 năm đầu, cùng với viễn cảnh tươi sáng của hàng không giá rẻ tại châu Á, có lẽ tham vọng của bà không hề viển vông.