Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm
Thời gian qua tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong đó có những vụ ngộ độc tập thể tại các bếp ăn của các nhà máy, xí nghiệp.
Gần đây nhất chiều 21/10, hàng trăm công nhân của Công ty giày Vĩnh Nghĩa (phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương) đã phải vào viện cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm. Các công nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói dữ dội, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu; trong đó, nhiều công nhân nữ có triệu chứng như sùi bọt mép, co giật, ngất xỉu.
Công nhân của Công ty giày Vĩnh Nghĩa (phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương) bị ngộ độc được chăm sóc tại chỗ (ảnh nguồn NLĐ) |
Trước đó, một vụ ngộ độc của 48 công nhân tại Công ty Youngor Smart Shirts Việt Nam, TP Nam Định đã xảy ra vào trưa ngày 6/10.
Việc liên tiếp xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang dư luận kể cả đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Ngay sau khi nắm thông tin một số vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các địa phương, mặc dù theo quy định phân cấp việc kiểm tra xử lý thuộc các địa phương nhưng Cục đều cử cán bộ phối hợp xử lý. Đặc biệt yêu cầu cấp cứu kịp thời không để xảy ra tử vong”.
TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trao đổi với báo chí (ảnh H.Lực) |
TS. Nguyễn Thanh Phong cho rằng, các vụ ngộ độc xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương trong thời gian qua là điều đáng tiếc. Lỗi đầu tiên thuộc người sản xuất cung cấp xuất ăn. Nhưng bên cạnh đó cũng còn trách nhiệm kiểm tra giám sát của địa phương.
"Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy một số đơn vị tuy được phân cấp quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Cục đã có văn bản đôn đốc. Với trường hợp không thực hiện nghiêm túc quy định nhất là vấn đề báo cáo, chúng tôi có văn bản đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm. Quan điểm của Cục thẳng thắn, cái nào chưa làm được nghiêm túc nhận khuyết điểm để làm sao bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, TS. Phong cho hay.
Tại buổi làm việc với báo chí, Ths. Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra con số thống kê và so sánh vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra năm 2015 so với năm 2014.
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2015 cả nước xảy ra 150 vụ ngộ độc thực phẩm; số người bị ngộ độc 4.077 người, số tử vong 21 người. So với cùng kỳ năm 2014 (so với 10 tháng đầu năm 2014 – PV) số vụ ngộ độc giảm 15 vụ, số người mắc giảm 616 người, trong đó số vụ ngộ độc lớn trên 30 người mắc đã giảm 3 vụ.
Cả nước có 500.000 cơ sở sản xuất cần kiểm tra an toàn thực phẩm Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn thực phẩm gặp khó vì... thiếu vốn |
Riêng trong 1 tháng vừa qua (từ 25/9 – 25/10/2015) trên địa bàn cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm; 383 người bị ngộ độc trong đó 376 người phải nhập viện không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2014, số vụ ngộ độc giảm 2 vụ, số người mắc giảm 194 người, số người phải nhập viện vì ngộ độc giảm 73 người.
Trong 13 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong 1 tháng qua, theo thống kê có 7/13 vụ ngộ độc do vi sinh vật, 3 vụ ngộ độc do yếu tố tự nhiên, 3 vụ ngộ độc chưa rõ nguyên nhân.
Ths. Trần Việt Nga cho biết, đây giai đoạn giao mùa thay đổi thời tiết do vậy nếu như các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoặc ngay cả các gia đình không tuân thủ đúng quy cách bảo quản thực phẩm sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Con số 7/13 vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh trong 1 tháng qua, nguyên nhân đến từ khâu bảo quản, chế biến thực phẩm.
Riêng nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do yếu tố tự nhiên ví dụ ngộ độc do ăn cóc, nấm độc… Những vấn đề này đã được Cục An toàn thực phẩm thường xuyên tuyên truyền cách phân biệt nấm độc, cách chế biến thịt cóc. Tuy nhiên người dân vẫn chủ quan chưa có ý thức vai trò an toàn thực phẩm.
Khẩu phần ăn giá trị quá thấp
Riêng với bếp ăn tập thể, Ths. Trần Việt Nga cho hay trong 10 tháng đầu năm 2015 cả nước xảy ra 33 vụ ngộ độc với 2.302 người mắc, 2.068 người đi viện không có trường hợp tử vong. So với năm 2014 số vụ ngộ độc, số người bị ngộ độc đã giảm.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, 70% số vụ ngộc độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể do xuất ăn được chế biến sẵn mang đến từ nơi khác cho công nhân và người lao động.
Do là thức ăn chế biến sẵn nên phải chế biến trước, phải mất thời gian vận chuyển và bảo quản. Quá trình này dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm do điều kiện vận chuyển, điều kiện bảo quản không tốt, thời gian từ khi chế biến đến khi sử dụng thực phẩm dài.
Ngoài ra 30% số vụ ngộ độc thực phẩm đến từ bếp ăn tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Ths. Trần Việt Nga cho biết, qua nghiên cứu điều tra của Cục An toàn thực phẩm hiện tại giá trị 1 khẩu phần ăn của người lao động, công nhân trung bình tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ từ 9.000 – 11.000 đồng.
Với khẩu phần ăn quá thấp vừa không đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời với giá thành thấp như vậy, nguồn nguyên liệu chắc chắn không thể đảm bảo.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. |
Trước thực trạng này Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động quy định chốt giá trị khẩu phần ăn cho người lao động. Tuy nhiên đây là vấn đề khó khăn bởi các doanh nghiệp cung cấp xuất ăn và trả công cho công nhân dựa trên thỏa thuận.
Theo đó, nếu tăng khẩu phần ăn lương sẽ giảm và ngược lại. Với điều kiện kinh tế người lao động thường chấp nhận khẩu phần ăn kém chứ không muốn giảm lương. Mặt khác việc quy định chốt giá trị khẩu phần ăn còn phụ thuộc vào giá cả thị trường tại mỗi địa phương, theo mùa vụ nông sản.
Điều tra rộng hơn tại các bữa ăn của công nhân tại nhà trọ, hộ gia đình Cục An toàn thực phẩm thấy rằng bữa ăn của họ nghèo nàn, thậm chí chỉ 3.000 đồng. Với giá trị khẩu phần ăn như vậy rất khó đảm bảo nguyên liệu thực phẩm tốt.
Đặc biệt đối tượng công nhân chủ yếu tại khu công nghiệp, khu chế xuất là lao động nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ. Nên vấn đề dinh dưỡng không đảm bảo, vấn đề vệ sinh thực phẩm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Trước vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Phong cho rằng trước mắt Cục An toàn thực phẩm chủ động tuyên truyền cho doanh nghiệp về vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn công nhân. Tuyên truyền doanh nghiệp hiểu nếu đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho bữa ăn của công nhân sẽ giúp tăng 20% năng suất lao động, lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên.
Thứ hai Cục tiếp tục tuyên truyền để bản thân người lao động nâng cao hiểu biết an toàn thực phẩm, cách phân biệt thực phẩm không đảm bảo chất lượng, cách chế biến bảo quản thực phẩm để không xảy ra ngộ độc
Thứ ba khuyến khích tham gia của tổ chức công đoàn qua việc giám sát quá trình mua thực phẩm, giám sát quá trình chế biến.
Vừa qua Cục cũng vừa có công văn gửi 63 tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, khu chế xuất, xử lý nghiêm vi phạm và thông tin kịp thời.
“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan ban ngành khi xây dựng khu công nghiệp phải dành một quỹ đất để xây dựng bếp ăn tập thể tại nơi làm việc. Với 70% vụ ngộ độc tập thể tại khu chế xuất, khu công nghiệp do thực phẩm được đưa đến từ nơi khác chứng tỏ có mối liên hệ rất lớn giữa thời gian chế biến thực phẩm và thời gian vận chuyển”, TS. Phong nhấn mạnh.