Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế? Đặc biệt đó là thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước, có thể ước tính được những thất thoát, lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, từ năm 2011 đến nay?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời trước Quốc hội sáng nay đã khẳng định: Tôi xin trả lời là có thể, tuy nhiên chính xác thì khó có thể, bởi vì mọi người đều biết câu hỏi rất rộng, như lãng phí, thất thoát, hiệu quả, các nguồn lực kinh tế của nhà nước có nghĩa rất rộng, từ tài nguyên khoáng sản cho đến tiền vốn, đến nhân lực, đến mọi mặt, nghĩa là tiềm lực của nhà nước thì câu hỏi đấy hơi rộng.
Thứ hai, chúng ta đều đồng ý trong tất cả việc sử dụng các nguồn lực của chúng ta đặc biệt trong lĩnh vực như anh nói là các thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước thì chúng ta đều biết việc đó còn nghiêm trọng mà đang là hiện tượng chúng ta chưa kiềm chế được, đã và đang làm rất quyết liệt.
Quốc hội và Chính phủ làm rất quyết liệt, các địa phương cũng vào cuộc, nhưng vẫn còn, mà còn có thể nói còn lớn, hay trong đầu tư hôm qua báo chí nêu mấy công trình về gang thép Thái Nguyên thì cũng là sử dụng nguồn vốn có tính chất của nhà nước.
Như vậy rất rộng không phải riêng đầu tư xây dựng cơ bản mà kể cả trong các doanh nghiệp nhà nước nữa. Cho nên đây là vấn đề chúng tôi nghĩ chúng ta đều thống nhất với nhau rằng việc này lớn.
Còn bây giờ lớn là bao nhiêu và định lượng được nó mà trên tất cả lĩnh vực, tôi nghĩ không phải đơn giản, chúng ta cần phải làm nhưng không phải đơn giản.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, đất nước muốn phát triển thì phải ngăn chặn được lãng phí. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Tôi xin báo cáo Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6 cách đây hơn 2 năm, Đại biểu Đỗ Văn Đương có một câu hỏi tương tự như thế này. Tuy nhiên, cụ thể hơn rất nhiều, đó là gửi đến tôi là đề nghị cho biết thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả của các dự án, công trình trong nhiệm kỳ vừa rồi đến năm 2012 ở địa phương nào, địa điểm nào?
Tôi rất nghiêm túc thực hiện, làm công văn giải thích rất rõ lãng phí thế nào, thất thoát thế nào và theo luật là đề nghị các địa phương, các bộ sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư công báo cáo lại việc này để trả lời cho đại biểu.
"Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia" |
Sau khoảng độ 7 tháng đôn đốc rất nhiều lần, chúng tôi nhận được văn bản chỉ có một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có báo cáo...
Có 7 địa phương và khoảng 5 tập đoàn lớn có kê khai những danh mục công trình theo các địa phương, các đơn vị có lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Chúng tôi đã trả lời đại biểu. Nhưng con số đó không phản ánh tất cả số của chúng ta.
Đến hôm nay câu hỏi này cũng tương tự vậy, rất lớn. Chúng tôi nghĩ rằng nếu nói có thể 3 bộ này giúp Chính phủ làm điều đó. Tất nhiên để chúng ta tìm được những mức độ nhất định. Nhưng phải có thời gian và biện pháp, tính toán thế nào là lãng phí.
Trước đây tại Quốc lộ 70, tuyến Hà Nội - Lào Cai do Bộ Giao thông quản lý, Công an tỉnh Lào Cai lúc đó bắt được vụ là đội trưởng đội thi công cầu Bản Phiệt rút bớt thép trên cầu. Nên khi khai báo, khi bắt cậu đội trưởng này là kỹ sư xây dựng. Cậu đấy khai rằng: "Tôi lấy đi bởi vì trong thiết kế thừa. Thiết kế này nó quá an toàn, cho nên tôi có rút đi chừng ấy, trụ cầu cũng chẳng sao cả".
Ở đây thấy vấn đề hỏi: Tại sao như vậy? Cậu ấy nói là: "Tại ông thiết kế được ăn theo tỷ lệ phần trăm của giá trị công trình. Nghĩa là tổng giá trị công trình bao nhiêu thì được hưởng phần trăm theo chừng đó. Cho nên để an toàn nên ông ta kê lớn lên. Hai là vừa được tổng to cho nên phần trăm to".
Vì vậy ngay cả cơ chế chúng ta cũng phải xem. Cơ quan thẩm định thiết kế dự toán cũng không phát hiện ra, vẫn duyệt. Anh ta bảo rút, tôi đảm bảo không sập.
Cho nên ở đây lãng phí thất thoát ngay cả trong khâu thẩm định các dự án tổng mức đầu tư chứ không phải chỉ trong thi công rồi rút bớt. Nếu chúng ta nói về thất thoát, chúng ta có thể qua số liệu của kiểm toán nhà nước, số liệu của thanh tra các bộ, ngành cũng như thanh tra Chính phủ. Chúng ta cộng vào có thể có một số liệu. Nhưng con số đó không đủ.
Rất nhiều công trình lãng phí khi sử dụng vốn nhà nước. ảnh minh họa, an ninh thủ đô. |
Trong số vốn ngân sách nhà nước, đi học tập trao đổi kinh nghiệm nước ngoài không hiệu quả cũng là lãng phí. Trong mua sắm mà gửi giá cũng là thất thoát. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà Việt Nam cần ngăn chặn, bởi vì dứt khoát muốn đất nước phát triển, những vấn đề như vậy phải được ngăn chặn. Đây cũng là công việc lâu dài và khó nhưng chúng ta phải làm.
Tôi nghĩ có thể làm được nhưng không thể chính xác được. Nhưng nếu có quyết tâm, có đề án đi sâu vào nghiên cứu đến mức để có thể trả lời, đưa ra một con số lãng phí ấy định lượng bao nhiêu, trong nền kinh tế chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của 5 năm vừa qua là đề án rất lớn và khó.
Việc này tôi chia sẻ với đại biểu, đây là vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần ngăn chặn. Việc nói định lượng được cụ thể với một đầu bài rộng như vậy không đơn giản, vấn đề này phải siết chặt lại trong thời gian tới bằng các biện pháp ngăn chặn từng khâu công việc. Phải siết chặt các lĩnh vực, các định mức, tìm ra nguyên nhân để chúng ta hạn chế, làm sao sử dụng đồng vốn của nhà nước hiệu quả hơn, đây là việc quan trọng tôi nghĩ cả Quốc hội, Chính phủ và mọi người đều phải làm.