Người tiêu dùng nghi vấn về những bất thường của PepsiCo Việt Nam

20/01/2016 16:09
Hồng Minh
(GDVN) - Nhìn lại quá trình đầu tư, sản xuất trong suốt thời gian dài vừa qua, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về đạo đức kinh doanh của PepsiCo Việt Nam.

Thông tin Công ty Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam nhập nguyên liệu Trung Quốc để sản xuất sản phẩm trà Ô Long TEA+ khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng sản phẩm này.

Mặc dù Suntory PepsiCo Việt Nam quảng cáo trà Ô Long TEA+ được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản nhưng người tiêu dùng băn khoăn liệu số nguyên liệu nhập từ Trung Quốc về có còn chứa hoạt chất OTPP, giúp cơ thể hạn chế chất béo (hoạt chất quan trọng làm nên chất lượng sản phẩm trà Ô Long TEA+)? Hay nguyên liệu đó chỉ là hương liệu dùng để pha chế nhằm giảm chi phí?

Người tiêu dùng vẫn đang chờ câu trả lời từ phía Suntory PepsiCo Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình đầu tư, sản xuất của PepsiCo Việt Nam tại Việt Nam trong suốt thời gian dài vừa qua, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về đạo đức kinh doanh của vị đại gia nước giải khát này. 

Hành trình từ lỗ đến lỗ của PepsiCo Việt Nam

Cùng với Coca Cola, Công ty Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) là một trong số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sớm nhất tại thị trường Việt Nam. Đồng thời Coca Cola và PepsiCo Việt Nam cũng đang chiếm tới 80% thị phần nước giải khát Việt Nam (thống kê năm 2010).

Chiếm thị phần lớn, liên tục mở rộng nhà máy khắp các địa phương tuy nhiên kể từ khi đầu tư tại Việt Nam năm 1994 đến năm 2006, PepsiCo Việt Nam liên tục kêu lỗ.

Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo Việt Nam có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Tuy nhiên do vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên PepsiCo Việt Nam chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm 2008, PepsiCo Việt Nam lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Năm 2010, PepsiCo Việt Nam lãi 137 tỷ đồng, năm 2011 số lãi của Công ty này là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển bù lỗ, nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà PepsiCo Việt Nam đã nộp từ năm 2009 cho đến nay chỉ 40,2 tỷ đồng.

Nhà máy của PepsiCo Việt Nam tại Cần Thơ (Ảnh nguồn Công an nhân dân).
Nhà máy của PepsiCo Việt Nam tại Cần Thơ (Ảnh nguồn Công an nhân dân).

Con số trên là quá nhỏ nếu nhìn vào con số 80% thị phần đồ uống nước ngọt có ga mà PepsiCo cùng với đối thủ Coca Cola đang chiếm giữ tại thị trường Việt Nam.

Càng bất ngờ hơn khi liên tục kêu lỗ nhưng PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD). Tổng vốn đầu tư của đại gia này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD.


Người tiêu dùng nghi vấn về những bất thường của PepsiCo Việt Nam ảnh 2

Nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, PepsiCo đặt lợi ích trên sức khỏe người dùng?

(GDVN) - Nguyên liệu Suntory PepsiCo Việt Nam nhập từ Trung Quốc về có còn chứa hoạt chất OTPP? Hay nguyên liệu đó chỉ là hương liệu dùng để pha chế nhằm giảm chi phí?

Chính mâu thuẫn trong việc kêu lỗ nhưng vẫn đầu tư, PepsiCo bị cơ quan thuế “soi” ra hàng loạt sai phạm.

Sau khi thanh tra quãng thời gian 2006, 2007 và 2008, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng là 21,293 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp đối nhà thầu nước ngoài là 44,408 triệu đồng; Giảm lỗ là 136,458 tỷ đồng; Tổng số tiền phạt (phạt kê khai sai và phạt chậm nộp) là 19,739 tỷ đồng.

Vào tháng 7/2012, Tổng cục Thuế tiếp tục ra Quyết định kiểm tra thuế tại Công ty này, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Theo đó, đã thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền là 5,031 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế GTGT là 1,301 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 4,486 triệu đồng, thuế GTGT đối nhà thầu nước ngoài là 500,327 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối nhà thầu nước ngoài là 3,224 tỷ đồng.

Nghi án chuyển giá

Chính vì lỗ liên tục, cả Coca Cola và PepsiCo đều phải đối mặt với nghi án chuyển giá. Tuy nhiên, cho tới nay, nghi án vẫn chỉ là nghi án.

Tháng 4/2013, liên doanh nước giải khát chiến lược Suntory PepsiCo Việt Nam (PepsiCo, Inc (PepsiCo) và Suntory Holdings Limited - SPVB) được thành lập. 

Đến đầu năm 2014, chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Katsuyasu Kato - tân Chủ tịch liên doanh Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, sau gần một năm hoạt động, liên doanh đã giữ được nhịp độ tăng trưởng hai con số. Sản lượng của hầu hết các dòng sản phẩm đều tăng trưởng và vượt kế hoạch của năm gần 6% và vượt hơn 20% so với 2012.

Ông Kato nói thêm: “Cộc mốc quan trọng là sự ra đời của sản phẩm chung đầu tiên trà Ô Long Tea+ Plus, rồi sau đó là nước giải khát có gas hương chanh Mountain Dew. Các sản phẩm đã thâm nhập thị trường tốt".

Qua đó Suntory PepsiCo Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, cuối năm 2013 PepsiCo Việt Nam bị cơ quan thuế xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai sai mã số đối với một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Trước vi phạm này, cơ quan thuế quyết định truy thu thuế tháng 7/2013 đối với PepsiCo Việt Namvà đã được công ty chấp hành với việc nộp ngay số thuế nhập khẩu và số thuế VAT thiếu. Mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính này được đưa ra với giá trị bằng 10% số thuế phải nộp thêm, tức là khoảng trên 700 triệu đồng. 

Mới đây nhất, ngày 9/2/2015, Cục Thuế TP.HCM ban hành Quyết định số 488/QĐ-CT-XP, xử phạt (phạt tiền) và biện pháp khắc phục hậu quả đối với PepsiCo Việt Nam do vi phạm khai sai thuế, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng số tiền mà Suntory PepsiCo Việt Nam phải nộp trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, là gần 24,341 tỷ đồng (khoảng hơn 1 triệu USD). 

Trong đó bao gồm, phạt hơn 2,7 tỷ đồng (vì hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp); truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 18 tỷ đồng và tiền chậm nộp tiền thuế hơn 3,5 tỷ đồng (vì hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp).

Cục Thuế TP.HCM đã áp dụng tình tiết tăng nặng do PepsiCo Việt Nam tiếp tục tái phạm hành vi kê khai sai về ưu đãi đầu tư mở rộng sau khi đã có kết luận và kiến nghị qua kiểm tra của cơ quan thuế cho năm 2011 (do Tổng cục Thuế tiến hành).   

Mặc dù theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để kết luận một doanh nghiệp chuyển giá là không hề đơn giản. Hiện các cơ quan thuế khi kiểm tra các doanh nghiệp FDI cũng chỉ kiểm tra doanh nghiệp thua lỗ, hoặc “có dấu hiệu chuyển giá”, chứ không dám thẳng thừng coi đó là “doanh nghiệp chuyển giá”.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh thẳng thắn cho rằng năng lực hiện nay của cơ quan thuế không đủ khẳng định doanh nghiệp chuyển giá hay không. Mặt khác trong điều kiện hệ thống văn bản pháp luật chưa chặt chẽ, doanh nghiệp FDI nhiều mánh khóe lách luật, càng khó để kiểm soát.

Tuy nhiên, từ con số cụ thể và mức xử phạt vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước với PepsiCo có thể nói Luật pháp Việt Nam có thể chưa kín kẽ, doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau để luồn lách tuy nhiên khi cả dư luận, truyền thông và cơ quan quản lý vào cuộc, sự thật sẽ được phơi bày...

Hồng Minh