Siêu thị ngày càng... vắng

22/04/2014 10:58
Theo TGTT
Tổng hợp số liệu thống kê ở một số siêu thị lớn trong quý 1/2014, giá trị trung bình mỗi hoá đơn mua hàng là 378.000 đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước...

Trong khi đó, giá các mặt hàng tiêu dùng đã hơn 10% trong năm qua. Rõ ràng, sức mua đang trên đà giảm sâu.

Thông tin mà các siêu thị cung cấp có vẻ phù hợp với báo cáo khảo sát về niềm tin người tiêu dùng hồi quý 4/2013 được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen đưa ra đầu năm nay, Việt Nam trở thành quốc gia tiết kiệm nhất trong khu vực ASEAN, khi có 74% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ để dành tiền sau khi đã trang trải hết các sinh hoạt phí thiết yếu trong cuộc sống. 9/10 người được hỏi cho biết thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm. Chi tiêu cho quần áo mới và các khoản giải trí ngoài gia đình là những lựa chọn cắt giảm đầu tiên.


Có thể nói, xu hướng chi tiêu hiện nay đang được thiết lập theo hướng tối giản mọi nhu cầu ngoài chi phí thiết yếu. Nhìn vào cách mua sắm của người dân trong phân khúc siêu thị, thói quen đi mua sắm siêu thị tuần 2 – 3 lần từng phổ biến trong tầng lớp thị dân gần như đã giảm hẳn, thay vào đó là đi siêu thị một lần/tuần, hoặc chỉ đi khi siêu thị có chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đáng chú ý nhất là thói quen đi siêu thị la cà thư giãn, ngắm nghía tìm kiếm sản phẩm mới… hầu như không còn nữa.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op nhận xét: “Người tiêu dùng đi siêu thị chỉ còn quan tâm đến giá cả và mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu!”. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho rằng trong bối cảnh mọi gia đình phải loay hoay tính toán chi tiêu hàng ngày, thì bài toán “làm sao kéo người tiêu dùng đến siêu thị mua sắm” đang là thách thức với mọi hệ thống bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart, cũng không ngần ngại cho biết: “Hiện nay chỉ còn hy vọng vào việc bán được các mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu hàng ngày”.

Ở các siêu thị, một số nhà cung cấp đã buộc phải ra khỏi quầy kệ khi lượng hàng bán không đạt đủ doanh số mà siêu thị yêu cầu. Các hệ thống Co.opmart, Big C, đều gia tăng nhãn hàng riêng hoặc nhãn hàng thời trang có giá “rẻ hơn thị trường” (tức các shop, cửa hàng bên ngoài) để mong kéo khách. Bà chủ hiệu giày dép MT (chuyên bán sỉ) chợ An Đông, cho biết: “Chuẩn bị vào hè là thời điểm bán các loại giày dép du lịch, nhưng năm nay không có siêu thị nào đặt hàng, mà cũng chưa thấy shop nào đến xem mẫu mới…!”

Lập luận rằng do trời nắng nóng, người tiêu dùng bỏ chợ vào siêu thị, cửa hàng mua sắm cho mát nay dường như không còn đúng, những nơi này dễ dàng quan sát thấy nhiều lúc cũng đìu hiu như chợ.

Theo TGTT