Thấy gì từ những phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất?

24/02/2017 06:53
Mai Anh
(GDVN) - Đã có sự chuyển biến tích cực về tư duy, nhận thức thể hiện qua các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước thực tế ách tắc diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ liên tục có chỉ đạo yêu cầu lập các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong cuộc họp mới nhất với các bộ, ngành Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu đơn vị tư vấn - Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) - trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất cần được mở rộng tối đa, phát huy tốt nhất năng lực của các hãng hàng không. - ảnh: H.Lực
Sân bay Tân Sơn Nhất cần được mở rộng tối đa, phát huy tốt nhất năng lực của các hãng hàng không. - ảnh: H.Lực

Trong 7 phương án mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất đáng chú ý nhất là phương án 3B, khi phương án này đưa ra vấn đề thu hồi toàn bộ diện tích đất sân golf và một phần đất đất quân sự, đất dân sự.

Theo các chuyên gia hàng không đây là tín hiệu đáng mừng bởi nó cho thấy sự lắng nghe và cái nhìn chiến lược trong nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Lần đầu "đụng đến" sân golf

Theo dõi liên tục và có nhiều ý kiến đóng góp nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trong nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Trưởng bộ môn hàng không (Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên vấn đề thu hồi sân golf để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra bàn tính một cách nghiêm túc, khoa học.

“Tôi còn nhớ cách đây gần 3 năm khi sân bay Long Thành được đưa bàn trước thời điểm xin ý kiến Quốc hội về chủ trương đầu tư, có vị lãnh đạo trong Bộ Giao thông vận tải từng cho rằng không thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng đến nay nhận thức, tư duy đó đã thay đổi, đây là điều đáng mừng nhất”, PGS.Tống cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ niềm vui khi tư duy nhận thức trong vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đã thay đổi - ảnh: Hoàng Lực.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ niềm vui khi tư duy nhận thức trong vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đã thay đổi - ảnh: Hoàng Lực.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận xét, tư duy điều hành, chỉ đạo vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đã chuyển biến từ quan điểm không thể nâng cấp với hàng loạt lý do như chi phí lớn, quỹ đất không có, ảnh hưởng đời sống người dân… đã được thay bằng quyết định phải nâng cấp Tân Sơn Nhất với yêu cầu nhanh nhất, chi phí thấp nhất.

“Đặc biệt vấn đề mặt bằng đất để mở rộng, nâng cấp từ đó tăng năng suất phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất có sự chuyển biến rất lớn, khi lần đầu tiên vấn đề thu hồi đất sân golf được đưa ra với những nghiên cứu nghiêm túc”, PGS.Tống nhận xét.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống việc thu hồi đất sân golf được thể hiện rất rõ trong phương án 3B của ADCC trình bày trước Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và bộ, ngành. 

Theo đó, thay vì xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía nam như phương án 3, sẽ xây dựng hoàn toàn ở phía bắc đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L.

Với phương án 3B, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43-45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha đồng thời tái định cư cho 6.050 hộ dân.

Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, thời gian hoàn thành từ 10 đến 12 năm. So với phương án 3 thì phương án 3B có cả mức đầu tư và thời gian xây dựng đều gấp hơn 3 lần.

Phương án 3, mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh: VGP.
Phương án 3, mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh: VGP.

PGS.Tống cho rằng, chưa bàn đến việc có nên thực hiện theo phương án 3B hay không bởi đây mới chỉ là phương án phác thảo chưa chi tiết cụ thể. Nhiều vấn đề chưa làm rõ: Như tính toán chi tiết về mức đầu tư vì sao lên đến hơn 61.590 tỷ đồng? Câu hỏi về việc tại sao lại cần đến 10 -12 năm để thực hiện dự án, tại sao lại phải mất đến 5 năm giải phóng mặt bằng và tái định cư…? 

“Bỏ qua các yếu tố trên, điều ghi nhận ở đây chính là việc phương án 3B đã tăng diện tích giải phóng mặt bằng 276 ha so với 24,52 ha của phương án 3.

Đặc biệt hơn phương án 3B đưa ra vấn đề thu hồi hơn 157 ha đất sân golf và hơn 90 ha đất quân sự. Điều đó cho thấy đã có cái nhìn chiến lược trong vấn đề nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất”, PGS.Tống cho biết.

Theo ông Tống, sự chuyển biến trong chỉ đạo nâng sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy tinh thần của Chính phủ kiến tạo khi những phân tích, của các chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu.

Tập trung nguồn lực nâng cấp Tân Sơn Nhất

Cũng bàn về phương án 3B của ADCC, ông Lê Trọng Sành - nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, phương án thể hiện tầm nhìn trong vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Thấy gì từ những phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất? ảnh 4

Phá bỏ “lô cốt” lợi ích nhóm!

Thấy gì từ những phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất? ảnh 5

Chậm chuyến do Tân Sơn Nhất quá tải, sao dồn hết lên các hãng hàng không?

Theo ông Lê Trọng Sành phân tích, số lượng hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng mạnh theo từng năm.

Do đó cần cái nhìn chiến lược để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đặc biệt là vấn đề mặt bằng đất để xây dựng các bãi đỗ, nhà ga.

Với diện tích đất giải phóng mặt bằng lớn sẽ giúp chủ động trong việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Có thể trước mắt việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chưa sử dụng hết quỹ đất, nhưng trong trung và dài hạn khi yêu cầu phải nâng cấp mở rộng thì cơ quan quản lý có thể chủ động hơn do đã có sẵn mặt bằng đất.

Đánh giá phương án 3B, theo ông Sành không cần thiết thu hồi diện tích đất dân sự, bởi chỉ cần với 175,3 ha đất sân golf và đất quân sự đã có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng  60 triệu hành khách/ năm.

Ông Lê Trọng Sành nhấn mạnh khi phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đã cụ thể với dự toán mức đầu tư trước mắt nên tập trung nguồn lực để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

“Thay vì vừa nâng cấp Tân Sơn Nhất vừa xây dựng sân bay Long Thành. Trong lúc ngân sách hạn hẹp, chúng ta nên tập trung nguồn lực nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Sành nêu quan điểm.

Cùng chung quan điểm, PGS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng, các phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất khá cụ thể điều đó cho thấy trước mắt dự án sân bay Long Thành chưa cần thiết nên tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đến mức tối đa có thể.

Nếu xây thêm một đường băng cất hạ cánh cách đường băng cất hạ cánh 07R/25L hiện nay 760 m để đạt trên 80 chuyến cất hạ cánh mỗi giờ thì năng suất có thể đạt 80 triệu khách mỗi năm.   

“Chỉ đến khi sân bay Tân Sơn Nhất không thể nâng cấp hơn nữa chúng ta mới nên tính phương án xây dựng sân bay thứ hai là Long Thành.

Chủ trương đầu tư sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua nhưng không có nghĩa phải bắt đầu xây dựng ngay mà phải có nghiên cứu khả thi một cách đầy đủ và phải được phản biện khách quan để Quốc hội xem xét có thông qua hay không. Sân bay Long Thành có thể là cần thiết nhưng là trong dài hạn, trong tương lai”, PGS.Tống nói.

Mai Anh