Những kết quả nổi bật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
Đóng góp vào những thành tựu chung đó, hoạt động tín dụng ngân hàng có nhiều khởi sắc, tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 đạt khoảng 18%, vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm và là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh chỉ còn chiếm 2,72% tổng dư nợ vào cuối tháng 11/2015.
Để đạt được kết quả này, trong năm 2015 Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Kết quả là, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động tín dụng liên tục được giữ ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô. ảnh: vnexpress. |
Nhìn chung, lãi suất cho vay năm 2015 giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011; Lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng ưu đãi đã được điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 6,5-6,6%/năm, các ngân hàng đã tiến hành rà soát các khoản vay cũ để giảm lãi suất đã cho vay về mức hiện hành.
Lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố nên tiền gửi VND vào hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2015 tăng 13,59% so với cuối năm trước.
Song song với việc từng bước giảm lãi suất, ngành Ngân hàng đã triển khai khá đồng bộ các cơ chế chính sách tín dụng, đảm bảo dòng vốn thực sự đi vào sản xuất, kinh doanh, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Với sự chỉ đạo sát sao của NHNN và nỗ lực phấn đấu của các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt khoảng 18%, cao hơn năm trước (năm 2014 tăng 14,16%).
Điểm đáng chú ý về hoạt động tín dụng 2015 là tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm song song với khả năng kiểm soát an toàn, chất lượng tín dụng được nâng cao, tín dụng trung và dài hạn tăng nhanh, phản ánh sự yên tâm sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong nền kinh tế.
Trong năm 2015, các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và xã hội.
Trong đó, chương trình cho vay thu mua lúa gạo năm 2015 đạt doanh số cho vay 99.300 tỷ đồng, dư nợ ước đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2014; chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp: NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay này.
SHB được vinh danh top 10 doanh nghiệp tín nhiệm nhất Việt Nam 2015 |
Số tiền các ngân hàng thương mại đã ký kết với các doanh nghiệp lên tới 5.627 tỷ đồng, đã giải ngân 5.850 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.009 tỷ đồng.
Chương trình chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp có tổng dư nợ cho vay đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 78,5% so với cuối năm 2014; Chương trình cho vay phục vụ tái canh cà phê, dư nợ tại các tỉnh Tây Nguyên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đạt trên 725 tỷ đồng đối với gần 6.000 khách hàng.
Đến hết ngày 30/11/2015 các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 271 tàu với tổng số tiền trên 2.900 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.120 tỷ đồng giúp hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến 30/11/2015 đã có 37.550 khách hàng ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt hơn 25.250 tỷ đồng, tăng 164% so với cuối năm 2015, giải ngân theo tiến độ dự án đạt hơn 16.000 tỷ đồng.
Đặc biệt là, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được đẩy mạnh triển khai trên toàn quốc với trên 440 Hội nghị đối thoại nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được tổ chức thành công. Tổng số tiền được hỗ trợ từ khi triển khai chương trình đến nay đạt trên 570.000 tỷ đồng cho hơn 38.000 khách hàng doanh nghiệp và hơn 122.000 khách hàng khác.
Trong đó, các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 500.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2014 với lãi suất từ 6-11%/năm.
Ngoài ra, chương trình liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng đến 30/9/2015 có tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là trên 27.000 tỷ đồng, số dư cấp tín dụng đạt trên 10.900 tỷ đồng; Chương trình cho vay bình ổn giá, số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng đến cuối quý 3/2015 là trên 24.600 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 8.100 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 8-10%/năm... và nhiều chương trình khác.
Nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho thị trường
Phát huy kết quả đạt được, nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Đảng, Nhà nước đã đặt ra trong năm 2016 và các năm tiếp theo, ngành Ngân hàng đã đề ra mục tiêu phấn đấu dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% so với cuối năm 2015 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.
Để tiếp tục tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành Ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp và sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều nội dung, cụ thể:
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thực hiện các giải pháp về tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu đặt ra, đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống.
Xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ góp phần ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế đô la hoá trong nền kinh tế.
Tập trung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp.
Tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, thuỷ sản; triển khai mạnh mẽ cho vay theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt; Xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng xanh phục vụ cho tăng trưởng bền vững.
Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống.
Với kinh nghiệm điều hành đúng đắn trong năm 2015 và các năm trước đây, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các tổ chức tín dụng, hy vọng rằng tín dụng ngân hàng trong năm 2016 tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động ngân hàng, góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.