Tin đồn thất thiệt có thể "giết" doanh nghiệp
Kết quả kiểm nghiệm ngẫu nhiên 5 mẫu Trà xanh hương chanh C2 và 5 mẫu Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ đang lưu thông trên thị trường của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy hàm lượng chì có trong những sản phẩm này ở ngưỡng cho phép.
Kết quả được Bộ Y tế công bố đã chính thức bác bỏ những tin đồn thất thiệt về nghi vấn Trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam nhiễm chì gây bão dư luận và cộng đồng mạng suốt những ngày qua.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng, các mẫu nước Trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ đều có hàm lượng chì nằm trong giới hạn quy định. |
Trước đó, thông tin nguyên liệu axit citric và sản phẩm Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ chứa chì được đăng tải trên mạng xã hội.
Mặc dù không xuất phát từ những kênh truyền thông chính thức của cơ quan chức năng và chưa hề được kiểm chứng nhưng thông tin trên lan truyền nhanh chóng và tác động tiêu cực đến tâm lý người tiên dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, siêu thị, đại lý bán sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ.
Từ thực tế trên, không ít chuyên gia Marketing - truyền thông thừa nhận, nếu không tỉnh táo trước làn sóng thông tin này, người tiêu dùng và cả truyền thông có thể bị cuốn vào vòng xoáy thông tin, vô tình tiếp tay cho thông tin lan tỏa, qua đó có thể “giết chết” doanh nghiệp.
Không phát hiện chì trong trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng ĐỏNước C2, Rồng đỏ chứa hàm lượng chì trong giới hạn, Bộ Y tế mời công an vào cuộc |
Ông Nguyễn Ngọc Long - Chuyên gia truyền thông xã hội nhận định: Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nguy cơ bị tấn công trên mạng xã hội bằng những thông tin bất lợi. Trong khi ý thức người sử dụng thông tin trên mạng xã hội không cao khi chỉ cần thấy "hot" là chia sẻ, khiến thông tin dễ dàng lan tỏa.
Trong nghi vấn trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ chứa chì, một khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng, Công ty URC Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng rất lớn.
“Thông thường, một thông tin nóng đưa lên mạng xã hội bao giờ cũng đi theo hình tháp ngược. Có nghĩa, thông tin đưa ra sẽ thu hút người quan tâm rất lớn nhưng càng về sau, số người quan tâm càng ít đi. Đến khi có những kết luận chính thức, hay kết thúc vụ việc thì số người biết được thông tin đúng gần như chỉ còn 1% so với số ban đầu”, ông Long nêu ra khó khăn trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa một doanh nghiệp bị dính vào những thông tin sai lệch trên mạng xã hội không có cách nào giải quyết.
Năm 2015, trước thông tin khăn ướt Mamamy có chứa Paraben và Methylisothiazolinone có khả năng gây ung thư, ngay lập tức đơn vị sở hữu thương hiệu khăn ướt này tuyên bố tặng 1 tỷ đồng cho ai phát hiện chất Paraben và Methylisothiazolinone trong khăn ướt Mamamy.
“Nói như vậy để thấy, trước những khủng hoảng truyền thông, những cam kết, khẳng định mạnh mẽ của doanh nghiệp rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải có chiến dịch kèm theo để đẩy thông tin tích cực đi lên, có như vậy mới “chống đỡ” được thông tin phát tán trên mạng xã hội”, ông Nguyễn Ngọc Long nói.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Long, thông tin sản phẩm URC có chứa hàm lượng chì lan tòa trên mạng xã hội tạo nên hiệu ứng do liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt là trong bối cảnh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn liên tục bị phát hiện, khiến người dân rất nhạy cảm và cảnh giác.
Cần luật hóa để bảo vệ doanh nghiệp
Mối quan tâm người dân đến sức khỏe và thực phẩm là chính đáng nhưng trước những thông tin không chính thống, phá hoại doanh nghiệp được đưa lên mạng xã hội, đặt ra vấn đê trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự chủ động của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, chuyên gia thương hiệu Nguyễn Ngọc Long cho rằng Quốc hội từng xem xét có nên luật hóa vấn đề trên mạng xã hội hay không nhưng cuối cùng chưa làm đồng bộ dẫn đến những thông tin đồn thổi trên mạng xã hội sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại.
Khi doanh nghiệp tổn thương sẽ ảnh hưởng trở lại với xã hội.
Chuyên gia truyền thông xã hội Blogger Nguyễn Ngọc Long. |
Ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, đặt vấn đề trách nhiệm quản lý cơ quan nhà nước ở đây rất khó vì cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm việc theo hiến pháp và pháp luật, họ làm những việc pháp luật đòi hỏi. Do vậy, muốn xử lý hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, lợi dụng mạng xã hội để bêu xấu, hãm hại doanh nghiệp, cần phải đưa tất cả vào luật mới giải quyết được triệt để.
Mặt khác, doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào ý thức mọi người và cơ quan quản lý mà phải chủ động những biện pháp "phòng thủ".
“Doanh nghiệp phải có những diễn tập tình huống xảy ra bởi bất cứ doanh nghiệp nào cũng dễ bị tấn công trên mạng xã hội. Trong lúc này, doanh nghiệp cần đưa ra các phương án “phòng thủ” để không bị động khi xảy ra khủng hoảng truyền thông”, ông Long nêu giải pháp.
Theo ông Long, giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp trong vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông là các doanh nghiệp lớn nên ngồi lại, lập ra hiệp hội, trung tâm ứng phó với những thông tin trên mạng xã hội. Khi có thông tin sai lệch chưa kiểm chứng được đưa ra, đứng vai trò trung gian những đơn vị này sẽ có tiếng nói.
“Khi thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, người tiêu dùng rất muốn có nguồn thông tin tham chiếu trong khi cơ quan chức năng chưa lên tiếng, doanh nghiệp lên tiếng không khách quan, sự can thiệp của bên thứ 3 là rất cần thiết, đó là các trung tâm ứng phó này”, ông Long cho biết thêm.
Cũng liên quan đến Công ty URC trước "nghi án" Công ty TNHH URC Việt Nam mang 1 tỷ đồng làm quà biếu cho 2 cá nhân của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC) để thay đổi kết quả xét nghiệm hàm lượng chì trong 2 loại nước trên (nhằm có kết quả kiểm nghiệm trong giới hạn cho phép), ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, thanh tra Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an để làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, bước đầu 2 cán bộ có liên quan đến vụ việc đã viết báo cáo tường trình, họ khẳng định hoàn toàn không nhận hối lộ và mong muốn làm rõ vấn đề này. |