Sau khi được đưa ra tại Kỳ họp thứ 8 năm 2014, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, nhà khoa học.
Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng một báo cáo đầu tư mới.
Đến phiên họp thứ 35 ngày 26/2 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đủ điều kiện để trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư tổng thể và giai đoạn 1 của dự án.
Phối cảnh CHK Quốc tế Long Thành |
Một trong những thay đổi đáng kể thời điểm này là việc giảm tổng mức đầu tư dự án sau khi đã rà soát và tính toán chi tiết hơn, trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới và trong khu vực.
Theo đó, vốn đầu tư dự án giảm còn 15,8 tỷ USD. Giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD. Trước đó, vốn đầu tư dự án được tính toán là 18,7 tỷ USD và giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD.
Về nguồn vốn, ngân sách nhà nước chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng; Vốn ODA 26,5% vốn, chủ yếu cho khu bay; Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 62,4% cho các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao như: nhà ga, các công trình thương mại. Đồng thời, trước mắt, chỉ đầu tư trước một đường cất hạ cánh trong giai đoạn 1.
Tuy nhiên trước khi trình Ban chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến, dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành tiếp tục được điều chỉnh lần nữa. Đây được xem là Báo cáo tiền khả thi sau khi được rà soát điều chỉnh hoàn thiện.
Trả lời trên VTV, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Giao thông vận tải Trần Minh Phương cho biết: Trong đợt trình Ban chấp hành Trung ương Đảng lần này, dự án Cảng Hàng không Long Thành được Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát lại dự án. So với báo cáo ban đầu. dự án đã có sự thay đổi căn bản:
Thứ nhất thay đổi quy mô dự án: Trước đây quy mô dự án được đưa trực tiếp là 5.000 ha, nhưng trong đợt trình này quy mô dự án giảm còn 2.700 ha. Các phần diện tích khác như đất quân sự, diện tích dịch vụ khác sẽ được triển khai bằng các dự án độc lập.
Vấn đề thứ hai, suất đầu tư đã được tính toán lại. Trước đây, suất đầu tư được tính toán dựa trên các dự án của Nhật Bản. Tuy nhiên lần này đã rà soát lại với suất đầu tư của các dự án tương tự như dự án Nhà ga T2 - Cảng Hàng không Nội Bài, các dự án sân bay khác ở các nước trong khu vực như Philipines, Malaysia.
Vấn đề thứ ba là giảm hạng mục đầu tư. Nếu như giai đoạn 1 trước đây dự tính xây dựng hai đường hạ cất cánh, trong đó phân ra giai đoạn 1a và 1b nhưng sau rà soát, điều chỉnh trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ cất cánh.
Lý do trong quá trình khai thác khi hoàn thành giai đoạn 1 vẫn tiếp tục phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Vấn đề mới thứ tư sẽ không đưa vào một số hạng mục trước đây được đưa ra nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa.
Theo ông Trần Minh Phương, sự cần thiết sân bay Long Thành trước hết nhằm hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do quá tải. Nhu cầu vận tải hàng không tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm đền 46% tổng vận tải hàng không của cả nước.
"Theo dự báo đến năm 2017, nhu cầu vận tải Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ đạt 25 triệu hành khách, tức là bằng với quy mô hiện nay của cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu vận tải tăng lên 40 triệu hành khách vì vậy cần phải có cảng hàng không mới đáp ứng và hỗ trợ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Trong khi đó nếu cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất cần phải mất đến 9,1 tỉ USD" - ông Phương cho biết.