Thủ tướng: "Chính phủ trân trọng ý kiến của các chuyên gia"

14/12/2016 06:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để hỗ trợ, tư vấn chính sách cho Chính phủ.

Chiều 13/12, Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức Việt Nam đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.

Hội nghị đã thảo luận về ba chủ  đề là: Định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển.

Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia. ảnh: vgp.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia. ảnh: vgp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của người dân, của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, “lắng nghe hơi thở cuộc sống hiện nay, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó để phát triển bền vững”.

“Tôi ấn tượng về các bài phát biểu hôm nay, trước hết là phát biểu về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế của GS. Hausmann. Đặc biệt là phát biểu về chính sách công nghiệp hoá của GS.Trần Văn Thọ. Rồi những điểm nghẽn trong hệ thống kinh tế của PGS.Trần Ngọc Anh”, Thủ tướng nói.

“Tôi rất muốn nghe thêm ý kiến của GS.Ngô Bảo Châu và tôi biết Viện Toán có nhiều hoạt động hết sức thiết thực.

Chúng tôi muốn nghe việc ứng dụng toán trong phân tích kinh tế. Tôi cũng rất muốn nghe thêm ý kiến của PGS.Andreas Hauskrecht, chuyên gia về tài chính quốc tế, về dự đoán tình hình tài chính, kinh tế tiền tệ thế giới và gợi ý cho Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Chính phủ trân trọng và sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các ý kiến của chuyên gia và cuộc thảo luận của chúng ta sẽ kéo dài hơn chứ không chỉ có hơn 2 tiếng đồng hồ”.

Thủ tướng trao đổi, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia hiến kế phát triển nền kinh tế đất nước. ảnh: vgp.
Thủ tướng trao đổi, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia hiến kế phát triển nền kinh tế đất nước. ảnh: vgp.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước ý kiến của chuyên gia cho rằng, trong khó khăn, Việt Nam vẫn có dư địa lớn để tăng trưởng.

Điều đó củng cố thêm niềm tin rằng nếu quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện tốt thì sẽ đem lại kết quả tốt.

Từ ý kiến này, Chính phủ sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn.

Trên tinh thần lắng nghe và hành động, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật. Hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực.

Bộ Công Thương có thể trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS Hausmann, GS Trần Văn Thọ, PGS Trần Ngọc Anh và các chuyên gia khác về công nghiệp, thương mại để đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt nam và các chính sách về công nghiệp hóa. Báo cáo Chính phủ về những tiến bộ hàng năm của Việt Nam.  

Thủ tướng tán thành cách đặt vấn đề của giáo sư Trần Ngọc Anh về việc để xóa bỏ điểm nghẽn và đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo.

“Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.  

“Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Và đây chỉ là cuộc họp mở đầu.

Tôi mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thường xuyên hơn để từ các ý kiến của quý vị, chúng tôi sẽ tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ khuyết những vấn đề về thể chế, chính sách hiện nay, góp phần phát triển đất nước Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Thách thức của trào lưu công nghiệp hóa

Tại hội nghị, Giáo sư Ricardo Hausmann, Giáo sư tại Đại học Harvard, có bài trình bày ấn tượng về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia.

Mô hình này không chỉ  đánh giá theo ngành, hàng mà còn giúp đánh giá lợi thế theo vùng miền, địa phương, từ đó đóng góp “kiến thức” đầu vào cho quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành, hàng, quy hoạch vùng, miền hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

PGS.Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam, như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… PGS. Trần Ngọc Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.

Dẫn lời của chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý học Peter Drucker “Cái gì không đánh giá được thì sẽ không cải thiện được”, ông khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của mình với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.

Đề cập đến các hạn chế trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, GS Trần Văn Thọ từ Đại học Waseda, Nhật Bản đã chỉ ra ba thách thức của trào lưu công nghiệp hóa hiện nay đối với các nước đang công nghiệp hóa như Việt Nam, bao gồm cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và dư thừa năng lực sản xuất;

Nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng “thoát công nghệ hóa còn non”; nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa.

Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ, đang là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.

Ngọc Quang