Thủ tướng: “Chúng tôi muốn đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư"

20/08/2017 07:23
Diệu Linh
(GDVN) - Các doanh nghiệp Thái Lan có thể đầu tư hợp tác cùng sản xuất các sản phẩm nông, thủy sản tại Việt Nam cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Chiều 19/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha.

Từ ngày 17 – 19/8, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và chứng kiến ký kết nhiều văn kiện hợp tác; gặp Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Prem Tinsulanonda, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp quốc gia PornPetch Wichitcholchai;

Tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan – Việt Nam Prachuap Chaiyasan; làm việc với chính quyền tỉnh Nakhon Phanom; thăm và đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Trung tâm Văn hóa hữu nghị Nakhon Phanom – Hà Nội; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan…

Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Pryuth Chan-o-cha, hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong hơn 40 năm qua, đặc biệt kể từ khi Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Hai bên nhất trí nhiều định hướng đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới như sớm ​​tổ chức các cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Song phương lần thứ 3, Họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 3, Ủy ban hợp tác thương mại lần thứ 3 và đặc biệt là Cuộc họp Nội các chung lần thứ 4.

Hai bên khẳng định sẽ hợp tác mở cửa thị trường tiêu thụ hàng hóa của nhau và nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trước năm 2020; hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư thương mại của khu vực; nhất trí tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy hợp tác về gạo.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan; tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức lợi dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU).

Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức bao gồm cả đường bộ, đường biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng như tuyến xe buýt nối Thái Lan – Lào – Việt Nam, tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan – Campuchia – Việt Nam; mở thêm 5 chặng bay mới kết nối trực tiếp các tỉnh Việt Nam và Thái Lan để phát triển du lịch.

Hai Thủ tướng nhất trí cao trong việc đề ra các biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác như lao động, thương mại nông nghiệp, du lịch, khoa học kỹ thuật, văn hoá và giao lưu nhân dân.

Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan. ảnh: VGP.
Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan. ảnh: VGP.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đề nghị phía Thái Lan tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho Cộng đồng người Việt tại Thái Lan hội nhập, phát triển và đề nghị phía Thái Lan sớm cấp giấy thông hành cho các Việt kiều cao tuổi.

Phía Thái Lan cho biết sẽ tăng cường nhận lao động Việt Nam vào các ngành mới về dịch vụ, chế tạo (có thu nhập cao hơn).

Bên cạnh hợp tác song phương, hai Thủ tướng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thách thức đối với hòa bình và an ninh của khu vực.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã cùng Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan và chứng kiến lễ ký và trao đổi các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước; dự khai mạc Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại Lad Prao; tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Thái Lan như Amata, Central Group, Ngân hàng Kasikornbank, CP Group, Thai Beverage, Siam Cement…; gặp gỡ và giải đáp nhiều nội dung các doanh nhân Việt kiều và doanh nghiệp vùng Đông bắc Thái Lan quan tâm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:

Chính phủ Việt Nam với tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động, sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn kinh doanh, trên tinh thần hai bên cùng thắng.

Trước hơn 500 doanh nghiệp dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan tại Băng-cốc, Thủ tướng đã chia sẻ những cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa, thoái vốn đối với doanh nghiệp nhà nước lớn trong nhiều lĩnh vực.

Thời gian qua, Thái Lan đang nổi lên là đối tác mua bán sáp nhập lớn nhất của Việt Nam.

“Tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi để các nhà đầu tư Thái Lan trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển gắn với hỗ trợ chuyển giao công nghệ; nâng cao giá trị thương hiệu; tham gia các chuỗi sản xuất, hợp tác phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa của nhau; kết nối thương hiệu Việt với thị trường toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ.

Việt Nam sẽ tiến hành cải cách toàn diện - căn bản lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, chế biến chuyên sâu theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu có khả năng cạnh tranh quốc tế.

“Thái Lan là nước đi trước nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm. Các doanh nghiệp Thái Lan có thể đầu tư hợp tác cùng sản xuất các sản phẩm nông, thủy sản tại Việt Nam cho thị trường nội địa và xuất khẩu”, Thủ tướng bày tỏ và mong muốn các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi siêu thị của mình.

Đề cập đến cơ hội trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng cho biết, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 50 tỷ USD.

“Chúng tôi muốn đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP)”, Thủ tướng nói và mong muốn các quỹ đầu tư, các tập đoàn Thái Lan nghiên cứu, đầu tư vào các dự án theo hình thức này.

Lãnh đạo các Tập đoàn cảm ơn sự hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam thời gian qua; đánh giá Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng và bày tỏ mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã gặp gỡ, thăm hỏi, động viên bà con cộng đồng Việt kiều tại Bangkok cũng như tại tỉnh Nakhon Phanom, trong đó có nhiều doanh nhân người Việt.

Thủ tướng khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt tại Thái Lan nói riêng là bộ phận không thể tách rời của cả dân tộc, luôn mang trong mình lòng yêu quê hương đất nước, là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, là nguồn lực quan trọng đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Chính phủ luôn hỗ trợ và mong bà con Việt kiều thành đạt ở nước sở tại, tiếp tục phát huy truyền thống dân tộc, cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết, giữ gìn văn hóa cốt cách cao đẹp của người dân đất Việt, đồng thời luôn hướng về quê hương Tổ quốc bằng những hành động thiết thực như làm đầu mối xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Thái Lan hay thúc đẩy du lịch Thái Lan sang Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, trong các cuộc hội đàm, gặp gỡ lãnh đạo Thái Lan, Thủ tướng đã đề nghị Chính phủ Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan được định cư lâu dài và phát triển, có địa vị pháp lý.

“Bà con có thể yên tâm làm ăn, sinh sống”, Thủ tướng mong muốn sẽ có ngày càng nhiều bà con Việt kiều thành đạt tại Thái Lan.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan tiếp tục làm tốt công tác cộng đồng và hỗ trợ, giúp đỡ bà con đoàn kết, xây dựng cộng đồng vững mạnh, luôn hướng về quê hương đất nước.

Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, hướng tới kỷ nguyên mới trong thập niên thứ 5 của quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Diệu Linh