Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề “Gia Lai - Tiềm năng- Hợp tác - Phát triển” ngày 18/12 tại TP. Pleiku.
Phát biểu trước 400 nhà đầu tư, Thủ tướng nêu những tiềm năng, lợi thế cũng như cơ hội đầu tư vào Gia Lai, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt bất cập, tồn tại của tỉnh.
Cho rằng bộ máy tốt và chính quyền phục vụ sự phát triển là một yếu tốt quyết định thành công, Thủ tướng đặt vấn đề: Chính phủ, chính quyền địa phương ở Tây Nguyên cũng như Gia Lai làm gì cho phát triển?
Gợi ý trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh cần quy hoạch và phát triển nguồn nước ở Tây Nguyên, trong đó, lưu ý giữ rừng, phát triển rừng như thế nào, làm hồ chứa ra sao?
Nếu không có chiến lược này, không làm tốt việc này thì Tây Nguyên dễ trở thành một sa mạc. Chính phủ sẽ phát triển tốt hơn hệ thống hạ tầng ở Tây Nguyên nói chung và ở Gia Lai nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính quyền phải cùng lo với doanh nghiệp, cùng làm với doanh nghiệp, cùng chia sẻ thất bại và thành công với doanh nghiệp, nhất là chính quyền cấp cơ sở. |
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi hơn để “làm cho chi phí đầu tư ở đây thấp”. Làm tốt chiến lược kết nối Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Giữ gìn an ninh chính trị ổn định, bền vững.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế sâu rộng, giữ tốc độ phát triển cao, giữ vững giá trị đồng tiền Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cơ chế để một số sản phẩm đặc trưng ở Tây Nguyên có đầu ra ổn định.
Tiến tới nghiên cứu về một quỹ bảo hiểm nông nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Chính phủ cho phép tổ chức một số lễ hội, khu du lịch quốc gia ở đây.
Trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó có Tây Nguyên, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vùng đất đặc biệt quan trọng này.
Về phía địa phương, Thủ tướng cho rằng Gia Lai cần có một quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng thế mạnh, lợi thế đặc thù và liên kết vùng. Đặc biệt, tỉnh cần có chiến lược du lịch tầm cỡ quốc gia, nhận thức rõ phân khúc thị trường khách du lịch.
Phải coi nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, thương hiệu mạnh, công nghệ cao là một thế mạnh. Tỉnh phải chú ý đẩy mạnh công nghiệp chế biến.
“Các cấp chính quyền phải phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, có tư duy đổi mới, sáng tạo. Chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện, xã phải chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và lưu ý tránh tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”.
Chính quyền phải “3 cùng” với doanh nghiệp. Đó là cùng lo với doanh nghiệp, cùng làm với doanh nghiệp, cùng chia sẻ thất bại và thành công với doanh nghiệp, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Chính quyền phải biết động viên, tôn vinh doanh nghiệp làm tốt, dám nghĩ, dám làm.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền phải có cam kết minh bạch với nhà đầu tư, phải tập trung phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp. Đồng thời phải có ý chí trong phát triển.
“Làm việc tại tỉnh Ninh Thuận, tôi có nói vị trí của Ninh Thuận khó gấp đôi thì chính quyền phải cố gắng gấp 3. Ở đây, các đồng chí không khó khăn gấp đôi như Ninh Thuận nhưng các đồng chí cũng phải cố gắng gấp 3”, Thủ tướng nói.
Gia Lai cần coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, đi liền với đó là đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Gia Lai cần giữ gìn văn hóa dân tộc.
Bên cạnh phát triển kinh tế, cần quan tâm bảo vệ môi trường sống, bình yên, an ninh an toàn cho người dân, nhà đầu tư, thu hút người tài, người giàu đến Pleiku sinh sống, làm việc.
Mong muốn các nhà đầu tư nghiên cứu để làm ăn lâu dài ở Gia Lai, Thủ tướng chia sẻ: “Các bạn rủ nhau cùng làm, buôn có bạn, bán có phường. Người ta hay nói một câu là: Anh muốn đi nhanh thì đi một mình còn anh muốn đi dài hơi hơn thì anh phải đi đông”.