Liên quan đến “nghi vấn” thất thoát phí và nhằm minh bạch hóa các hoạt động thu phí tại đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, ngày 29/6 vừa qua, Tổng cục đã cử cán bộ xuống trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ để kiểm tra tình hình khắc phục một số thiếu sót tại đây.
Tổng cục Đường bộ đã chỉ ra hàng loạt lỗi về dữ liệu khiến việc kiểm tra, giám sát doanh thu từ thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ gặp khó khăn. Ảnh minh họa. |
Báo cáo của Tổng cục cho biết kết quả kiểm tra hệ thống thiết bị thu phí cho thấy, các trạm thu phí đã được kết nối về trung tâm điều hành. Tuy nhiên đơn vị vẫn chưa áp dụng thẻ từ (theo báo cáo của đơn vị thu phí thì mới in được 32.000/40.000 thẻ), do vậy vẫn dùng vé thường kết hợp với thẻ. Do đó, phần mềm quản lý thu phí chưa hỗ trợ được việc trích xuất báo cáo số thu phí theo từng loại vé, từng ca, từng ngày, từng tháng.
Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ?(GDVN) - Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, dư luận nói doanh thu 3 tỷ hay 5 tỷ đồng/ngày nhưng chưa có cơ sở tính toán nào đưa ra để khẳng định. |
Đối với hệ thống phần mềm thu phí lưu giữ được hình ảnh chụp phương tiện từ 26/4-29/6 (đến thời điểm kiểm tra), hình ảnh video chỉ lưu giữ được 4-5 ngày. Đặc biệt, hệ thống hoạt động chậm, thường bị treo máy khi muốn xem lại dữ liệu hình ảnh.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh, “Với hiện trạng hệ thống thiết bị, phần mềm quản lý thu phí như trên, việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ gặp nhiều khó khăn”.
Báo cáo của đơn vị cho thấy, doanh thu tháng 1/2016 đạt 41 tỷ đồng, tháng 2, 3 vào khoảng 36 tỷ đồng trong khi tháng 4, 5 doanh thu từ việc thu phí tăng vọt lên hơn 50 tỷ đồng.
Doanh thu tăng mạnh trùng thời điểm sau khi Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), 1 trong 3 cổ đông trong liên danh nhà đầu tư của tuyến đường cao tốc này, cho rằng doanh thu thu phí mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế và đề nghị thanh tra hoạt động thu phí.
Trước tình hình này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang có Đoàn kiểm tra, xác định doanh thu thu phí tại trạm Pháp Vân-Cầu Giẽ trong vòng 10 ngày đầu tháng 7.
Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác giám sát thu phí được công khai và minh bạch đối với các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ vừa có kiến nghị Bộ GTVT cho đơn vị này xây dựng hệ thống giám sát thu phí tập trung để chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí theo đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí”.
Cụ thể, đề án này sẽ tập trung vào việc xây dựng các giải pháp tăng cường giám sát thu phí; hệ thống giám sát lưu trữ dữ liệu thu phí và cung cấp báo cáo, thống kê về giá vé, lượng xe qua trạm, doanh thu thu phí do nhà đầu tư báo cáo hằng tháng, quý, năm để cơ quan quản lý Nhà nước đối chiếu…
Đặc biệt, thông tin thu phí nói riêng và thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức BOT nói chung sẽ được truyền trực tiếp từ trạm thu phí đến các trang thông tin điện tử của các ngành để nhân dân được biết và cùng tham gia giám sát.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ được giao xác nhận doanh thu thu phí của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, việc xác nhận này chưa có cơ sở để đối chiếu mà chỉ dựa trên số báo cáo của nhà đầu tư. Khi đề án được thực hiện, thông tin khai thác từ hệ thống giám sát thu phí sẽ là cơ sở pháp lý để Tổng cục kiểm tra, xác nhận số liệu với nhà đầu tư.
Nếu được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và thông qua, đề án dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 10-12/2016 tới đây.
Vào đầu tháng 5/2016, Cienco 1 đã liên tục có văn bản đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ do nghi nghờ thất thoát phí khi Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cung cấp những số liệu doanh thu các trạm thu phí theo tháng rất sơ sài, thiếu các số liệu về chủng loại xe qua các trạm thu phí mỗi ngày, trong khi đây là công cụ quan trọng phản ánh tình hình thu phí.