Vụ bê bối Khaisilk: Ông chủ phải là người chịu trách nhiệm cao nhất

30/10/2017 18:40
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Dương Trung Quốc: "Thương hiệu càng lớn thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng. Ông chủ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất".

Sáng 30/10, bên hành lang kỳ họp, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết ông “sốc” khi nghe tin Khaisilk bán hàng Trung Quốc gắn mác sản xuất tại Việt Nam.

“Trước hết là đổ vỡ về uy tín khi họ đã có những việc làm hết sức thấp hèn, đó là đánh tráo, không những chỉ vấn đề tiền bạc mà đánh tráo cả giá trị,” ông Quốc nói.

Khi vụ việc nổ ra, ông Hoàng Khải - Chủ thương hiệu Khaisilk đã lên báo phân bua rằng, lâu nay mảng kinh doanh khăn lụa không còn được chú trọng và việc nhập khăn Trung Quốc là do nhân viên làm.

Đề cập tới giải thích này, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Nói như vậy không khác gì câu chuyện cái gì cũng đổ cho người đánh máy. Đây là việc không chấp nhận được, dù cho là đổ cho cấp dưới cũng không được, không tương xứng với danh hiệu, thương hiệu. 

Thương hiệu càng lớn thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng. Ông chủ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất".

Ông Dương Trung Quốc đánh giá, vụ bê bối Khaisilk cho thấy công tác quản lý thị trường quá lỏng lẻo. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Dương Trung Quốc đánh giá, vụ bê bối Khaisilk cho thấy công tác quản lý thị trường quá lỏng lẻo. ảnh: Ngọc Quang.

Qua vụ việc này, ông Dương Trung Quốc đánh giá, vụ bê bối Khaisilk cho thấy công tác quản lý thị trường quá lỏng lẻo và công tác giám sát của các cơ quan như Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng “treo đầu dê bán thị chó” nhiều năm như vậy mà không bị phát hiện.

Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý chặt để ngăn chặn những trường hợp khác, vì hám lợi làm liều thì người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào hàng Việt.

Liên quan tới vụ việc Khaisilk đánh tráo khăn lụa, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, qua việc này cần phải xem lại vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Vụ bê bối Khaisilk: Ông chủ phải là người chịu trách nhiệm cao nhất  ảnh 2

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ Khaisilk làm tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc

Bà Khánh đánh giá, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đan tồn tại ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016.

“Nếu Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động.

Nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội”, bà Khánh nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm trong vụ KhaiSilk bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam. 

“Đây là vụ việc cảnh báo các ngành chức năng không được chủ quan, cần kiểm tra, thanh tra mọi lĩnh vực.

Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra thường xuyên thì người ta cũng không đến mức vi phạm như vậy, vụ việc này không những thiệt hại cho khách hàng mà còn thiệt hại cho thương hiệu Việt, vì vậy cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh để răn đe các trường hợp tương tự”, bà Khánh nói.

Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh chủ trì họp các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo bà Khánh, các doanh nghiệp cần phải biết rằng trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

"Muốn đứng vững trên thị trường, doanh nghiệp phải cống hiến và chấp nhận những bước đi dù khó khăn nhưng nhận ra giá trị thì rất vô giá", bà Khánh cảnh báo.

Trước sự việc trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, kiểm tra vụ việc. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã tới làm việc tại cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội).

Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Khaisilk có những dấu hiệu cho thấy vi phạm cả pháp luật cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, xác minh, làm rõ vụ việc của Khaisilk, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý phù hợp.

Hiện tại, Fanpage chính thức của hệ thống Khaisilk là Khaisilk Boutique được dẫn vào từ trang web Khaisilkcorp.com đã ngừng hoạt động. 

Các cửa hàng Khaisilk trên toàn quốc cũng tạm ngưng phục vụ khách khiến nhiều khách hàng của Khaisilk đến đổi trả sản phẩm theo lời cam kết của ông Hoàng Khải phải thất vọng ra về.

Chưa rõ bao giờ các cửa hàng của Khaisilk sẽ hoạt động trở lại để trả tiền cho những người tiêu dùng đã bị lừa.

Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Công thương cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khải Đức và chi nhánh của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khải Đức tại 113 Hàng Gai.

Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin, dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc trên.

Diệu Linh