Ấn Độ: Nữ sinh 17 tuổi tự tử vì cha mẹ không chịu xây nhà vệ sinh

05/07/2015 07:14
Nguyễn Hường
(GDVN) - Sự cố đã gióng lên một hồi chuông mạnh mẽ kêu gọi người dân Ấn Độ cần phải thức tỉnh và xem việc xây dựng nhà vệ sinh riêng là ưu tiên hàng đầu.

Tờ Lenta của Nga ngày 4/7 dẫn thông tin từ hãng tin NDTV cho biết, một nữ sinh 17 tuổi đã tìm tới cái chết bằng cách tự tử sau nhiều lần thuyết phục cha mẹ xây nhà vệ sinh riêng không thành công.

Thi thể của nữ sinh 17 tuổi.
Thi thể của nữ sinh 17 tuổi.

Nữ sinh lớp 12 sống tại quận Dumka của tỉnh Jharkhand vốn là người nhút nhát. Bởi vậy, cô rất xấu hổ khi đi vệ sinh ở nơi công cộng. Tuy nhiên, dù nhiều lần đề nghị xây nhà vệ sinh riêng, cha mẹ cô đều từ chối. 

"Con gái tôi nói rằng chúng tôi phải ưu tiên xây một nhà vệ sinh", mẹ cô gái cho biết.

Vipul Shukla, Giám đốc Cảnh sát Dumka cho biết, lý do cha mẹ cô bé từ chối xây nhà vệ sinh riêng vì họ muốn để dành tiền sắm hồi môn cho cô con gái sắp đến tuổi cập kê. 

Của hồi môn vốn là một gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình ở Ấn Độ, đặc biệt là các gia đình nghèo.

Cái chết của cô gái 17 tuổi đã gây chấn động dư luận Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhà hoạt động đang nỗ lực làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh.

Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ, Digvijaya Singh viết trên Twitter cá nhân sáng ngày 4/7 rằng sự cố đã gióng lên một hồi chuông mạnh mẽ kêu gọi người dân Ấn Độ cần phải thức tỉnh và xem việc xây dựng nhà vệ sinh riêng là ưu tiên hàng đầu.

Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 72% người dân sống ở các vùng nông tại Ấn Độ hiện vẫn đi vệ sinh ngoài trời. Thói quen này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn là mầm mống gây ra các bệnh dịch ở người. 

Cũng theo WHO, trong gần 600.000 người Ấn Độ thiệt mạng mỗi năm vì bệnh tả, 88% là do thiếu các phương tiện vệ sinh cơ bản như nước sạch và nhà vệ sinh đúng quy cách.

Tờ India Times năm 2014 đưa tin cho biết, chính phủ Ấn Độ dự tính xây thêm 5,2 triệu nhà vệ sinh trong năm này với tần suất cứ hai giây một nhà vệ sinh mới sẽ mọc lên. Về lâu dài, Ấn Độ sẽ dành khoảng 343,8 tỉ rupee (7,2 tỉ USD) ngân sách để đầu tư xây nhà vệ sinh mới có 800 triệu người từ năm 2014-2019./.

Nguyễn Hường