Báo Nga: Hillary Clinton đang hành động như thể tân Tổng thống Mỹ

22/08/2014 08:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhiều người Mỹ đang tin rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang hành xử như thể đã trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.

Tờ Lenta của Nga ngày 21/8 đăng tải bài bình luận cho biết, dù còn hai năm nữa mới đến kỳ tranh cử Tổng thống, đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa chính thức công bố ứng cử viên của mình, nhưng nhiều người Mỹ đang tin rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang hành xử như thể đã trở thành người đứng đầu Nhà Trắng mặc dù bản thân bà cũng nhiều lần tuyên bố vẫn chưa quyết định tham gia tranh cử.

Bà Clinton được tin là đang hành xử như một tân Tổng thống Mỹ.
Bà Clinton được tin là đang hành xử như một tân Tổng thống Mỹ. 

Lenta dẫn lời tờ New York Post cho biết, bà Clinton gần đây chỉ chịu nghỉ ngơi ở loại phòng Tổng thống trong những khách sạn tốt nhất thế giới, đi du lịch bằng chuyên cơ riêng trị giá 39 triệu USD, được nhóm của bà chuẩn bị một cách cẩn thận hơn cả chính quyền Obama mỗi dịp xuất hiện trước công chúng. 

Rời Bộ Ngoại giao năm 2013 với lý do dành thời gian cho đam mê cá nhân và gia đình, nhưng ngay sau đó, bà Clinton bắt đầu viết hồi ký và theo gương chồng làm nghề tay trái là diễn thuyết. Mức giá trung bình để mời bà diễn thuyết tại các trường đại học ưu tú ngay sau đó cũng tăng từ 200 ngàn lên 250 ngàn USD. Một bài nói chuyện như thế này đem lại cho bà Clinton mức thu nhập cao hơn cả lương của Ngoại trưởng trong một năm (lương Ngoại trưởng Mỹ là 15.500 USD/tháng), tờ báo cho biết.

Hồi tháng 6 năm nay, cựu Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ rằng vợ chồng bà tích cực kiếm tiền từ nghề tay trái để trang trải khoản nợ vài triệu đô la khi ông Bill Clinton rời Nhà Trắng năm 2001. Tuy nhiên, điều này đã không thu hút được sự đồng cảm từ công chúng Mỹ, những người cho rằng khó khăn tài chính của gia đình bà Clinton chẳng thể so sánh được với các vấn đề của hàng triệu người Mỹ bình thường.

Trong tháng 6, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã xuất bản cuốn hồi ký mang tựa đề "Lựa chọn khó khăn" kể về sai lầm của bà là đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tranh ở Iraq vào năm 2002. Nhưng điều quan tâm nhất là bà đã tập trung chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama cả trong sách lẫn những lần xuất hiện trên truyền thông sau đó. 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ đang cố gắng tỏ ra khác biệt với ông Obama.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ đang cố gắng tỏ ra khác biệt với ông Obama. 

Mặc dù sau đó bà Clinton đã có động thái hòa giải, đưa ra lời xin lỗi và được chính quyền Obama chấp thuận. Nhưng các chuyên gia tin rằng, bà Clinton sau đó vẫn cố tình tấn công các sai lầm của ông Obama trong chính sách đối ngoại trong thời điểm mức tín nhiệm của ông giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 41 năm. 

Các nhà phân tích cho rằng có lẽ bà Clinton đang cố thể hiện rằng bà không phải luôn luôn đồng ý với mọi quyết định của ông Obama trong thời gian làm việc ở Nhà Trắng. 

Mối quan hệ của bà Hillary Clinton và Barack Obama luôn luôn khó khăn và được truyền thông Mỹ gọi là frenemies (bạn bè tuyên thệ nhậm chức). Sau khi thất bại trước ông Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, gia đình Clinton đã quay sang ủng hộ đảng Dân chủ của ông Obama như một sự thỏa hiệp chính trị để bà được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo này vẫn tiếp tục tồn tại. Bà Hillary luôn thực hiện lập trường cứng rắn hơn sự ôn hòa của ông Obama, nhất là sau khi về hưu. Các chuyên gia dự đoán, trong vòng hai năm tới, bà Clinton sẽ tăng cường các cuộc tấn công chỉ trích nhằm vào ông Obama.

Tên tuổi trong những năm làm Ngoại trưởng của bà Clinton chỉ gắn với sự thất bại và hai vụ bê bối lớn.
Tên tuổi trong những năm làm Ngoại trưởng của bà Clinton chỉ gắn với sự thất bại và hai vụ bê bối lớn. 

Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng bà Hillary chỉ trích ông Obama vì bản thân bà chẳng để lại được dấu ấn mạnh mẽ nào trong thời kỳ làm Ngoại trưởng như: không ký được hiệp ước hòa bình với Afghanistan, thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và cuộc khủng hoảng Syria, thất bại trong việc thiết lập lại quan hệ với Nga. 

Ngược lại, tên tuổi của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại gắn với hai vụ bế bối lớn là rò rỉ dữ liệu mật của WikiLeaks và vụ tấn công chết người tại đại sứ quán ở Benghazi ngày 11/9/2012, trong đó bà bị buộc tội rằng đã không thông qua và nâng cao mức bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ trong bối cảnh Libya bất ổn. 

Những người ủng hộ bà Clinton, đến lượt mình tin rằng các chuyến công du nước ngoài của bà đã thể hiện chính xác hình ảnh của Mỹ trên chính trường quốc tế, làm công tác ngoại giao Mỹ hiệu quả hơn và hiện đại hơn. 

Bà Hillary Clinton đang nắm trong tay tất cả cơ hội để trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ năm 2016. Tuy nhiên, theo nhà báo uy tín Edward Luce, hai ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa là Phó Tổng thống Joe Biden hoặc Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley cũng có thể đánh bại thách thức từ bà.

Mặc dù một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 51% người Mỹ muốn bà Clinton tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016, nhưng một cuộc thăm dò khác lại cho thấy người Mỹ cảm thấy mệt mỏi khi nhìn thấy họ Clinton hoặc Bush trong cuộc bầu cử./.

Nguyễn Hường