Báo Nga: Thủ tướng Đức thuyết phục Nhật Bản gia nhập AIIB

17/04/2015 09:37
Nguyễn Hường
(GDVN) - Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Nhật Bản tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu.

Tờ Sputnik ngày 17/4 dẫn thông tin rò rỉ được tờ Jiji Press của Nhật Bản đăng tải cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/4 đã có cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nhật Bản thúc giục chính phủ Tokyo gia nhập nhóm các nước thành lập AIIB.

Theo nội dung cuộc điện đàm mới được tiết lộ gần đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia mà AIIB rất muốn kết nạp, mặc dù thời hạn đăng ký gia nhập đã hết hôm 31/3.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh Sputnik.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng  Đức Angela Merkel. Ảnh Sputnik.

AIIB dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay. Hiện đã có 57 quốc gia thành viên, trong đó có một số đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ và các nước ASEAN.

Chính quyền Obama đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, đã cố gắng gây sức ép với các đồng minh và đối tác thương mại để ngăn cản họ gia nhập AIIB từ khi Bắc Kinh công bố ý định thành lập nó trong năm 2013. 

Tuy nhiên, trước sức hấp dẫn khó cưỡng của nó, nhiều đồng minh của Mỹ đã lũ lượt theo nhau đệ đơn tham gia. Những đồng minh châu Âu của Mỹ, gồm Anh và Đức nằm trong số những nước đầu tiên sốt sắng gia nhập AIIB - một động thái được giới phân tích xem là "sự sỉ nhục" đối với Nhà Trắng.

Nhật Bản, một đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện vẫn từ chối tham gia AIIB. Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Tokyo nói với Reuters rằng vấn đề này vẫn đang được xem xét. 

"Nó không phải là vấn đề ngắn hạn. Lập trường của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi cần phải xem xét thận trọng cách (Trung Quốc) quản lý AIIB an toàn như thế nào. Chúng tôi vẫn không loại trừ khả năng sẽ tham gia hoặc không tham gia", nguồn tin nói. 

Tokyo và Washington có chung quan ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một trật tự kinh tế của riêng mình để làm suy yếu các tổ chức tài chính quốc tế khác do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). 

Cả Mỹ và Nhật Bản cũng đã công khai bày tỏ quan ngại về cấu trúc của AIIB và cảnh báo rằng nó có thể làm xói mòn các tiêu chuẩn cho vay quốc tế về tính minh bạch.

Một cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe nói với Reuters rằng quan điểm của chính phủ Tokyo vẫn còn nhiều mâu thuẫn về việc có tham gia AIIB hay không. Một số bày tỏ lo ngại về tác động của nó với liên minh Mỹ-Nhật Bản, một số khác thì lo lắng về những bất lợi của việc gia nhập muộn.

Theo Sputnik, nếu Nhật Bản quyết định tham gia AIIB, động thái này có thể được xem là "chiếc đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài chôn vùi liên minh của Mỹ"./.

Nguyễn Hường