Chuyên gia Nga: Ai ảo tưởng Trung Quốc luôn giúp đỡ vô tư nên nhìn lại

27/11/2014 13:46
Nguyễn Hường
(GDVN) - Giới chuyên gia Nga tin rằng Trung Quốc đang khuếch đại rủi ro trong hợp tác kinh tế với nước này để gây áp lực trong các cuộc đàm phán thương mại song phương.

Truyền thông Nga dẫn lời các chuyên gia hôm 24/11 cho biết, truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã đăng tải thông tin khuếch đại về những rủi ro kinh tế của Nga.

Theo Nhân dân Nhật báo, dự trữ ngoại hối của Nga hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua (439 tỷ USD) và rõ ràng các cổ phiếu này không đủ để Moscow trang trải các khoản nợ nước ngoài (Nga đang nợ nước ngoài 732 tỷ USD).

Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ nợ nước ngoài và dự trữ ngoại hối của Nga.
Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ nợ nước ngoài và dự trữ ngoại hối của Nga.

"Điều đáng lo ngại nhất là lạm phát trong nước do sự mất giá của đồng rúp. Ngân hàng Trung ương Nga đã đặt mục tiêu lạm pháp ở mức 4,5% trong năm nay, nhưng hiện con số này đã tăng lên 8,4%", Nhân dân Nhật báo cho biết.

Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nga đã bốn lần tăng lãi suất lên mức cao lịch sử 9,5%/năm. Tuy nhiên, lạm phát vẫn tụt dốc không phanh. Hơn nữa, sự gia tăng chi phí và giảm doanh thu trong các công ty tài chính dẫn tới việc giảm đầu tư tài chính công, sụt giảm đầu tư tư nhân".

Theo trang ng.ru của Nga, những bình luận trên của Nhân dân Nhật báo không đơn thuần chỉ là một bài tiểu luận kinh tế về một chủ đề trừu tượng mà còn là một chỉ dẫn trực tiếp về sự tăng các rủi ro trong hợp tác kinh tế với Nga và một bản hướng dẫn cho các cuộc đàm phán kinh tế với Moscow.

Trong thực tế, nếu một quốc gia có nguy cơ hoặc bị nghi ngờ về khả năng thanh toán, đối tác của họ sẽ rà soát lại các hợp đồng trong tương lai và có thể hủy bỏ một số trong đó.

Trong khi đó, các chuyên gia Nga đã nhận ra tầm quan trọng trong đánh giá của Trung Quốc về tình trạng nền kinh tế nước này, nhưng không hoàn toàn đồng ý với các lập luận của Nhân dân Nhật báo. Theo họ, so sánh mức nợ với kích thước dự trữ là không chính xác.

Giám đốc của Viện Toàn cầu hóa Mikhail Delyagin cho rằng những lời chỉ trích Nga này của Nhân dân Nhật báo còn nhằm một mục đích khác nữa là tìm cớ để kiếm lợi ích riêng cho Bắc Kinh.

Nikita Maslennikov, một chuyên gia tại Viện Phát triển đương đại của Nga cho rằng bài viết trên của Nhân dân Nhật báo là tín hiệu cho thấy rằng, "những ai ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn giúp đỡ chúng ta thì đã đến lúc nhìn lại".

Theo ông, các doanh nghiệp Trung Quốc rất thực dụng, họ không muốn tham gia vào các dự án mà đối tác Nga thiếu biện minh tài chính hoặc kế hoạch kinh doanh rõ ràng./.

Nguyễn Hường