Iran sẽ dựa vào Nga-Trung, Bắc Kinh muốn Tehran giảm giá dầu

24/11/2014 15:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc đã yêu cầu Tehran giảm giá khá lớn với mặt hàng dầu mỏ, thậm chí còn đòi Tehran chấp nhận trả chậm.
3 nhà lãnh đạo Putin, Tập Cận Bình và Rouhani.
3 nhà lãnh đạo Putin, Tập Cận Bình và Rouhani.

Tờ The Moscow Times ngày 24/11 đưa tin, Iran và 6 cường quốc thế giới có vẻ như đều bỏ lỡ hạn chót ngày hôm nay để giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran đã kéo dài suốt 12 năm qua. Các quan chức Iran nói rằng, họ sẽ dựa vào Nga và Trung Quốc nếu như các cuộc đàm phán tại Vienna không giúp chấm dứt các lệnh cấm vận của phương Tây.

Trong khi thời hạn đàm phán vốn đã được gia hạn từ tháng 7 có thể tiếp tục được gia hạn thêm lần nữa, giới chức Tehran cho biết họ đang chuẩn bị cho phương án B. Nếu các cuộc đàm phán thất bại hoàn toàn, Iran sẽ hướng về phía Đông và phía Bắc để tìm kiếm hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế.

"Tất nhiên chúng tôi có một kế hoạch B. Tôi không thể tiết lộ thêm chi tiết, nhưng chúng tôi luôn có quan hệ tốt với Nga và Trung Quốc. Đương nhiên nếu các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các bạn bè của mình và cung cấp cho họ nhiều cơ hội đối lựa chọn thị trường đầy tiềm năng", quan chức Iran giấu tên nói với The Moscow Times.

"Chúng tôi chia sẻ quan điểm chung với Nga và Trung Quốc về nhiều vấn đề, bao gồm cả Syria và Iraq", quan chức này cho biết. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua dầu thô của Iran và là một trong số ít quốc gia tiếp tục hấp thụ một khối lượng lớn hàng xuất khẩu của Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và EU thắt chặt hơn trong 3 năm qua. Nga bán vũ khí cho Iran, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và có thể cung cấp công nghệ cho Tehran.

Cả Bắc Kinh và Moscow có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể giúp ngăn chặn các lệnh trừng phạt mở rộng nhằm vào Iran. Tuy nhiên sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga đã có giới hạn nghiêm trọng. Trung Quốc đã yêu cầu Tehran giảm giá khá lớn với mặt hàng dầu mỏ, thậm chí còn đòi Tehran chấp nhận trả chậm. Nga không mua dầu của Iran, trong khi Moscow cũng đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây vì khủng hoảng Ukraine.

Ali Vaez, một nhà phân tích cấp cao của Iran cho rằng, một số nhà lãnh đạo Tehran tin là trong trường hợp đàm phán thất bại họ có thể dựa vào Nga và Trung Quốc, nhưng sự thành công của chiến lược này chưa có gì đảm bảo chắc chắn. Bắc Kinh và Moscow đã nhiều lần đứng về phía phương Tây trong việc cô lập Iran. 

Một quan chức cho biết nội bộ lãnh đạo Iran có những quan điểm bất đồng trong vấn đề này. Tổng thống Hassan Rouhani ủng hộ thỏa thuận với phương Tây vì ông có thể thực hiện cam kết cải thiện nền kinh tế. Nhưng nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei và lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nghiêng về phương án chơi với Nga và Trung Quốc hơn là Mỹ và phương Tây.

Hồng Thủy