Học giả Mỹ hiến kế: 6 cách ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông

24/11/2014 09:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Phát triển lực lượng "tàu vỏ trắng" cần được tập trung và sẽ là cách đầu tư rẻ nhất, nhanh nhất để phát triển năng lực và sự hiện diện của các bên liên quan.
Học giả Mỹ Robert Haddick.
Học giả Mỹ Robert Haddick.

Tờ National Interest ngày 24/11 đăng bài phân tích của học giả Robert Haddick, một nhà nghiên cứu độc lập ở Hoa Kỳ bình luận, chỉ cần một khoản đầu tư không quá lớn về thời gian và nguồn lực, Washington có thể giúp đỡ bạn bè của mình phát triển năng lực hàng hải với mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn xung đột, bành trướng và giữ gìn ổn định ở Biển Đông, Hoa Đông.

Từ năm 2008, các nước láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông đã nhận thấy một sự hiện diện ngày càng hung hăng của Bắc Kinh thông qua lực lượng Hải cảnh (Hải giám, Ngư chính) và các tàu hải quân trên 2 vùng biển này. Cùng thời gian đó, các quan chức Trung Quốc cũng đưa ra những tuyên bố "thẳng thắn" (khiêu khích) hơn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã dẫn đến những gia tăng căng thẳng.

Những sự cố vừa qua liên quan đến bãi cạn Scarborough của Philippines, việc Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, xâm phạm bãi Cỏ Mây trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hay xung quanh nhóm đảo Senkaku đã cho thấy rõ chiến lược cắt lát xúc xích của Bắc Kinh đã tích lũy được những thay đổi đáng kể, tạo ra những thách thức đáng lo ngại với các nước láng giềng.

Các quốc gia láng giềng (mà Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ) gặp khó khăn vì thiếu khả năng đối phó với chiến lược và sự hiện diện (bất hợp pháp) này của Trung Quốc. Nếu không có hành động phản đối thì cuối cùng sẽ tạo ra "sự kiện trên thực địa" hỗ trợ yêu sách (vô lý và phi pháp) của Trung Quốc. Hoa Kỳ vẫn có một sự quan tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ở Biển Đông và Hoa Đông hiện vẫn khó có thể vạch ra giới hạn đỏ hay mạo hiểm đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, có những hành động thiết thực mà các quốc gia láng giềng (bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ) có thể thực hiện để chống lại thủ đoạn cắt lát xúc xích của Bắc Kinh. Những hành động này tập trung vào việc xây dựng năng lực hàng hải, đặc biệt và nhằm vào lực lượng phi quân sự, tăng cường sức mạnh chính trị, pháp lý và đạo đức chống lại các hành động bành trướng, vi phạm của Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ trở thành một chủ thể có ảnh hưởng lớn ở Biển Đông nếu hỗ trợ các sáng kiến này trong khu vực.

Thứ nhất, cần mở rộng sự hiện diện của các tàu cá "phi Trung Quốc" ở Biển Đông và Hoa Đông. Chính sách của các nước cần khuyến khích và hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước mình như là một ưu tiên hàng đầu cho an ninh quốc gia. Mục đích của sáng kiến này là nhằm đối phó hiệu quả với lực lượng chức năng "bán quân sự" của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.

Lực lượng tàu cá đã được Trung Quốc sử dụng cho mục đích khẳng định yêu sách "chủ quyền" vô lý và phi pháp của họ ở Hoa Đông, Biển Đông. Các bên liên quan cũng nên khuyến khích và có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt trong vùng biển yêu sách của mình là một cách đối phó với thủ đoạn này của Bắc Kinh.
Lực lượng tàu cá đã được Trung Quốc sử dụng cho mục đích khẳng định yêu sách "chủ quyền" vô lý và phi pháp của họ ở Hoa Đông, Biển Đông. Các bên liên quan cũng nên khuyến khích và có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt trong vùng biển yêu sách của mình là một cách đối phó với thủ đoạn này của Bắc Kinh.

Sự hiện diện của lực lượng tàu cá sau này cũng sẽ có giá trị chứng minh cho việc thực thi và bảo vệ yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trước hoạt động xâm nhập của tàu Trung Quốc. Tất cả các bên liên quan, có thể bao gồm cả Trung Quốc nên hợp tác để đảm bảo rằng nguồn tài nguyên thủy sản ở các "vùng biển tranh chấp" không bị khai thác quá mức.

Nhưng quan trọng hơn là các nước láng giềng nhỏ hơn Trung Quốc cần có sự phối hợp để đối phó hiệu quả với sự hiện diện (xâm nhập bất hợp pháp) của tàu Trung Quốc. Điều này có lợi trong việc duy trì an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở Hoa Đông và Biển Đông. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có thể nhìn thấy lợi ích chiến lược của họ để cung cấp hỗ trợ tài chính cho sáng kiến này.

Thứ hai, chính sách và ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực thi luật pháp trên biển tăng cường hiện diện và thực thi luật pháp hàng hải trên vùng biển yêu sách của mình. Các nước láng giềng của Trung Quốc có thể cải tiến công suất nhiều hơn và nhanh hơn thông qua đầu tư cho lực lượng tàu tuần tra phi quân sự so với phân bổ ngân sách mua sắm các tàu chiến hải quân.

Trong trung hạn, sức mạnh hải quân của Trung Quốc vượt trội tương đối so với các nước láng giềng sẽ không tránh khỏi xu thế mở rộng, nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc gần như không thể cạnh tranh chống lại sức mạnh "tàu vỏ xám" của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong cạnh tranh lực lượng "tàu vỏ trắng" sẽ thuận lợi hơn với các quốc gia này. Cộng đồng quốc tế nhiều khả năng xem xét, đồng cảm và hỗ trợ lực lượng tàu thực thi luật pháp dân sự của các nước láng giềng Trung Quốc. Hoạt động của truyền thông và công chúng rất ủng hộ các bên liên quan khi xảy ra các cuộc chạm trán lực lượng "tàu vỏ trắng" với Trung Quốc mà không phải tàu chiến. Vì vậy đầu tư cho lực lượng "tàu vỏ trắng" nên được ưu tiên và nó sẽ nhận được những khoản hỗ trợ thuận lợi hơn.

Thứ ba, các cơ quan hàng hải của Hoa Kỳ, kể cả dân sự và quân sự cùng các đối tác của mình nên tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi cán bộ và triển khai các hoạt động đào tạo đa phương. Việc trao đổi các thông tin, kinh nghiệm hoạt động, chuyên môn kỹ thuật có chi phí tương đối thấp nhưng sẽ giúp tất cả các bên tăng cường năng lực hàng hải của mình.

Lực lượng "Tàu vỏ trắng" Trung Quốc, gồm Hải giám, Ngư chính trước đây, bây giờ là Hải cảnh tham gia hộ tống giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
Lực lượng "Tàu vỏ trắng" Trung Quốc, gồm Hải giám, Ngư chính trước đây, bây giờ là Hải cảnh tham gia hộ tống giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.

Các quốc gia trong mạng lưới quan hệ đối tác này sẽ mở rộng chương trình trao đổi thường xuyên cán bộ, nhân viên cũng như những cuộc họp, hoạt động huấn luyện để đạt được những lợi ích thực sự trong việc chia sẻ thông tin.

Thứ tư, Hoa Kỳ và các nước đối tác nên thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo hàng hải cơ bản trong thời gian thực một cách chính thức. Điều này cho phép các quốc gia bạn bè của Mỹ thiết lập một mạng lưới hàng hải chung, tạo điều kiện phản ứng đa phương trước bất kỳ sự cố nào và cho phép phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong quá trình phản ứng.

Các quan chức tình báo hàng hải từ các nước thành viên mạng lưới này nên gặp nhau để thiết lập hệ thống chia sẻ, quy trình đào tạo và biên chế để duy trì nó.

Thứ năm, các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch của Hoa Kỳ và các nước khác trong mạng lưới hàng hải khu vực cần chuẩn bị cho thủ tục và nhân sự ứng phó với một cuộc khủng hoảng đa phương. Mục đích của sáng kiến này là dành cho các thành viên của mạng lưới đối tác khả năng chuẩn bị trước cho các sự cố hàng hải và các cuộc khủng hoảng.

Chuẩn bị trước các phương án đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng, dù là thiên tai hay các sự cố địa chính trị sẽ cho phép quản lý khủng hoảng một cách trơn tru và hiệu quả hơn. Nó cũng ngăn cản các đối thủ tiềm tàng lợi dụng các cuộc khủng hoảng này để tạo ra đòn bẩy cho mình.

Thứ sáu, cần mời các nước khác trong khu vực có chung mối quan tâm tham gia vào các sáng kiến được liệt kê ở đây. Điều này có tác dụng làm gia tăng tính hợp pháp về pháp lý cũng như đạo đức của những nỗ lực bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Hoa Đông.

Những hành động xây dựng năng lực hàng hải chung trong khu vực sẽ phải đi đôi với cam kết về tài chính, nhân lực vốn hầu như luôn thiếu hụt. Phát triển lực lượng "tàu vỏ trắng" cần được tập trung và sẽ là cách đầu tư rẻ nhất, nhanh nhất để phát triển năng lực và sự hiện diện của các bên liên quan trên các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.

Hồng Thủy