Lập trường của bà Aung San Suu Kyi về Biển Đông

08/05/2016 08:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Aung San Suu Kyi có thể ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như đài phát thanh quốc tế Trung Quốc có thể là ảo tưởng.

Tờ Tin tức Bành Bái ngày 7/5 bình luận, việc tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và tân Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi chọn thăm Lào chứ không phải Trung Quốc đầu tiên là "phá vỡ thông lệ". Quan điểm lập trường của các nhà lãnh đạo mới ở Myanmar về Biển Đông còn rất phức tạp, khó đoán.

Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, ảnh: The Independent.
Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, ảnh: The Independent.

Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng nóng lên như hiện nay, lập trường của bà Aung San Suu Kyi về Biển Đông là rất đáng chú ý. The New York Times gần đây nhận định rằng, cả Lào và các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ không lựa chọn đứng về bên nào, và đây sẽ là vấn đề khó khăn đối với bà Aung San Suu Kyi.

Ngày 5/4, ông Vương Nghị trở thành Ngoại trưởng nước ngoài đầu tiên thăm Myanmar khi tân chính phủ nước sở tại nhậm chức. Mặc dù hai bên không bàn đến vấn đề Biển Đông trong hội đàm giữa ông Nghị với bà Aung San Suu Kyi, nhưng Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc vẫn bình luận:

"Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Myanmar sắp được 5 năm, Myanmar được cho là có khả năng sẽ ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông cũng không phải chuyện gì lạ".

Trước đó ông Nghị đã có chuyến công du 3 nước Đông Nam Á là Brunei, Campuchia để vận động cho cái gọi là "đồng thuận 4 điểm" về Biển Đông hòng chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Cũng trong khoảng thời gian này, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến công du Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tới đâu Biển Đông cũng trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự của Ngoại trưởng Nhật. 

Ông Fumio Kishida kêu gọi các nước ASEAN thống nhất lập trường và phản ứng trong vấn đề Biển Đông, nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đã cận kề. Tại Myanmar, Ngoại trưởng Nhật cam kết cùng cấp khoản viện trợ khá lớn cho Myanmar, đồng thời trao đổi với bà Aung San Suu Kyi về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên cá nhân người viết cho rằng, với việc bà Aung San Suu Kyi chọn Lào làm nước đầu tiên đi thăm thay vì Trung Quốc, dù ông Vương Nghị đã nhanh chóng sang thăm và ngỏ lời mời ngay khi bà vừa nhậm chức đã nói lên nhiều điều.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khá sành sỏi trong việc "nhìn mặt mà bắt hình dong", ông Vương Nghị chọn Brunei, Campuchia, Lào để vận động "đồng thuận 4 điểm" mà không có Myanmar, đủ thấy sức ảnh hưởng của Bắc Kinh với bà Aung San Suu Kyi chưa đủ lớn để làm được điều này.

Đó là chưa kể tới nội dung đồng thuận 4 điểm không có nghĩa là 3 quốc gia thành viên ASEAN sẽ chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực. Bởi lẽ cái Trung Quốc đang nói với họ là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, còn cái Tòa xét xử và ra phán quyết là việc áp dụng, giải thích UNCLOS ở Biển Đông, hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Bởi vậy nói khả năng bà Aung San Suu Kyi có thể ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như đài phát thanh quốc tế Trung Quốc có thể là ảo tưởng hão huyền.

Hồng Thủy