Bloomberg ngày 6/5 bình luận, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phá vỡ “khối đoàn kết” với Obama. Ông Abe trở thành một lãnh đạo hiếm hoi của G7 có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đánh dấu một bước đột phá trong nỗ lực của Kremlin nhằm chấm dứt hai năm Nga bị G7 cô lập vì vai trò trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trong tháng 4 Putin cho biết, ông hoan nghênh chuyến thăm của ông Abe tới Nga vì nó diễn ra trong bối cảnh có áp lực rất lớn từ các đối tác của Nhật Bản, đặc biệt là Hoa Kỳ.
"Đây là một chuyến thăm quan trọng cho thấy Nhật Bản đã quyết định không hoàn toàn phụ thuộc đồng minh. Điều này là một dấu hiệu cho thấy rằng chính sách cô lập Nga của ông Obama đã thất bại", Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên Kyodo ngày 7/5 đã tường thuật, sau khi gặp nhau tại Sochi, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe chỉ đưa ra một cách tiếp cận mới về giải quyết tranh chấp lãnh thổ hàng chục năm qua giữa hai quốc gia này.
"Chúng tôi đã đồng ý giải quyết các vấn đề hiệp ước hòa bình của chúng ta để tìm cách xây dựng một mối quan hệ định hướng tương lai. Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với một cách tiếp cận mới”, ông Abe trả lời báo chí như vậy.
Và tất cả chỉ có thế. Theo Bloomberg, những gì mà ông Putin muốn đưa ra bàn thảo như đề xuất mới trong hợp tác thương mại, tài chính và kinh tế đã bị dời lại “để mai tính”.
"Putin mời ông Abe tham gia Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông tại Vladivostok vào tháng 9/2016, nơi mà đại diện doanh nghiệp cùng chính phủ sẽ thảo luận về tiềm năng kinh tế và cơ hội đầu tư tại vùng Viễn Đông của Nga và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Shinzo Abe nói rằng ông cũng trông đợi vào một sự tiến bộ trong quan hệ với Nga khi gặp ông Putin vào tháng 7/2016 bên lề hội nghị thượng đỉnh Á- Âu ở Mông Cổ, cũng như trong tháng 9/2016 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc và vào tháng 10/2016 tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương”, theo Kyodo. Mọi thứ dường như hết sức chung chung và mơ hồ.
Theo cá nhân người viết, thực ra với tình hình hiện nay của nước Nga và vị thế hiện nay của Nhật Bản, có thể nhận ra ngay chuyến thăm của ông Abe đến Nga chỉ mang tính chất xã giao nhiều hơn là những đột phá như Kremlin mong muốn.
Bởi vậy nên có thể đoán biết kết quả ngay từ khi nó chưa diễn ra. Và điều này gây nên bởi cả những rào cản hữu hình lẫn rào cản vô hình mà chính quyền Putin đã tạo ra bao quanh nước Nga.
Sự lạc điệu của Nga về Biển Đông
Có thể thấy rằng việc chính phủ Putin bám theo Tập Cận Bình, thể hiện sự lạc điệu về vấn đề Biển Đông gây ra hậu quả rất lớn cho nước Nga trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Điều đó khiến cho Mỹ và đồng minh nhận ra Moscow không chỉ tạo điều kiện, giúp cho Bắc Kinh trong việc quyết tâm tạo ra một trật tự thế giới mới – thế giới lưỡng cực – để đối trọng với Mỹ.
Nguy hại hơn là nó có thể giúp Bắc Kinh tạo tiền lệ nguy hiểm trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và Nga có thể áp dụng cái tiền lệ ấy cho mình.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và những đồng minh của mình luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế là nhằm tạo ra án lệ trong việc giải quyết những vấn đề tương tự đang tồn tại nhưng những cái ung nhọt giữa các quốc gia, ở nhiều khu vực trên thế giới.
Nga sẽ phải hối tiếc vì ủng hộ Trung Quốc bành trướng Biển Đông |
Vậy nên, quan điểm của Nga sẽ làm khó cho Mỹ về vấn đề này. Có lẽ Putin nghĩ giúp Tập Cận Bình để hy vọng được “trả ơn xứng đáng”. Song Putin đã sai trong nước cờ này.
Bắc Kinh sẽ treo "củ cà rốt hy vọng" cho đến khi nào Moscow mệt mỏi đến độ tuyệt vọng thì mới quẳng một chút gì rất nhỏ cho Nga trong tình trạng khắc khoải qua ngày.
Trong quan hệ ngoại giao, từ trước tới nay Bắc Kinh luôn thể hiện quan điểm và hành động như vậy.
Phải thấy rằng, Nga từng thành công ở nhiều lĩnh vực từ quân sự đến khoa học kỹ thuật, nhưng ở mặt ngoại giao, nước Nga luôn thua kém đối thủ.
Với Trung Quốc thì Nga ngày nay hay thậm chí là cả Liên Xô trước đây cũng luôn thất bại trước người bạn Trung Hoa trong các vấn đề cần xử lý bằng công cụ ngoại giao. Ngoài nhà ngoại giao lừng danh Molotop, Liên Xô và Nga chưa sản sinh được nhà ngoại giao nào tương xứng với vị thế và vai trò của mình trên trường quốc tế.
Nước Nga đã nhiều lần phải trả giá cho sự nông cạn về ngoại giao của mình. Và quan hệ với Nhật Bản thể hiện rõ thất bại bởi sự thiếu chiều sâu ấy của Kremlin. Nga và Nhật đang có tranh chấp lãnh thổ và nó là rào cản khiến cho Tokyo và Moscow vẫn chưa thể ký một hiệp ước hòa bình từ sau khi Thế chiến II kết thúc cho đến nay.
Khi Nga thể hiện quan điểm về Biển Đông thì Nhật Bản sẽ đoán biết mình phải làm gì trong việc cư xử với Nga cho phải đạo.
“Các quan chức Nhật Bản cho biết, cách tiếp cận mới không có nghĩa là một sự thay đổi trong lập trường của Nhật Bản để tìm cách giải quyết về quyền sở hữu của các đảo tranh chấp - Etorofu, Kunashiri và Shikotan, cũng như nhóm đảo Habomai của tỉnh Hokkaido của Nhật Bản.
Shinzo Abe nói rằng ông đã không cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào về con đường phía trước với Nga”, theo Kyodo.
Như vậy là quá đủ cho thất bại của Nga qua chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản tới xứ sở của bạch dương sau bao mong ngóng của Putin.
Chính phủ Nga thiếu thực tế
Nên nhắc lại rằng, một kế hoạch được thu xếp cho việc Tổng thống Nga đến thăm Nhật Bản vào năm 2014 đã bị hoãn lại sau “sự kiện Crimea”.
Vì vậy theo Giáo sư James Brown, Đại học Temple ở Tokyo: "Abe đang có một rủi ro rất lớn vì các thành viên G-7 khác đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng. Trong đó Obama đã trực tiếp điện thoại cho Abe rằng, việc thăm Nga trong thời điểm hiện nay của người đứng đầu chính phủ Nhật là chưa thích hợp”.
Putin tăng cường quan hệ chặt chẽ với Tập Cận Bình, nhưng nước Nga chưa chắc được lợi, thậm chí sẽ có hại vì mối quan hệ chặt chẽ ấy. Ảnh: AP. |
Washington cho rằng điều cực kỳ quan trọng là các đối tác cần phải tiếp tục đoàn kết trong việc tiếp cận với nước Nga.
"Mối quan hệ của chúng ta với Nga không thể bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra, nếu Nga vẫn tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine", Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Noel Clay cho biết.
Tuy nhiên, để giúp kinh tế Nga thoát cuộc suy thoái dài nhất trong hai thập kỷ gây ra bởi sự sụp đổ của giá dầu và biện pháp trừng phạt quốc tế trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Rossiiskaya Gazeta ngày 5/5 bình luận: "Có vẻ như Nhật Bản đang cố gắng hành động như một trung gian trong quá trình đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ".
Vậy mà trong chương trình nghị sự của Kremlin khi đón tiếp Thủ tướng Shinzo Abe không có các biện pháp cụ thể mà họ sẽ làm với “con bài” Ukraine. Trong khi đó Obama đã có điều kiện tiên quyết cho Putin để xem xét xoá cấm vận là giải quyết vấn để Ukraine.
Bởi lẽ ấy khi tiếp cận với đồng minh thân cận của Obama thì Putin không thể không nhắc đến các biện pháp của mình. Vậy nhưng Putin lại cho biết, Nga đang chờ đợi cho Ukraine thực hiện cải cách trong nước họ phù hợp với các thỏa thuận Minsk.
Trong khi Abe thẳng thắn nhắc lại lời Obama rằng, Nhật Bản mong muốn tất cả các bên liên quan của thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết vào tháng 2/2015, trong đó có Nga, phải thực hiện đầy đủ các nội dung của thỏa thuận.
Abe cho rằng Nga phải gắn chặt quyền lợi của mình vào ảnh hưởng trong các cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, từ đó góp phần cải thiện tình hình tại đây, theo Kyodo.
Người viết cho rằng Chính phủ Nga đã thiếu thực tế trong việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản nhằm tháo gỡ khó khăn. Điều đó cho thấy qua việc Nga không muốn giải quyết vấn đề Ukraine hoặc xem nhẹ vấn đề Ukraine.
Có thể Moscow cho rằng Mỹ và phương Tây lãng quên con bài này.
Vì vậy, khi Obama lặp lại điều kiện tiên quyết thì Tổng thống Putin không kịp trở tay, bởi thế mới không có được bất kỳ giải pháp cụ thể về vấn đề này khi đón Thủ tướng Abe.
Tuy nhiên, dù bất cứ lý do nào thì việc Moscow không nêu quan điểm cụ thể về vấn đề Ukraine trong hội đàm Putin – Abe đều khiến Tokyo không hài lòng, nếu không muốn nói là thất vọng.
Ván cờ mới của Putin(GDVN) - Thay đổi nhân sự của Tổng thống Putin lần này, đặc biệt là bổ nhiệm trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin là một ván cờ hay, dù có phần mạo hiểm. |
Bởi lẽ Thủ tướng Abe đã rất mạo hiểm khi thực hiện chuyến thăm Nga, nhằm giúp Putin phá băng trong quan hệ với G7, mà con bài Ukraine là nguyên nhân của sự đóng băng ấy. Song Moscow đã không hành động tương xứng với thịnh tình ấy của Tokyo.
“Quan hệ Nga - Nhật đã khiến các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc nghi ngại sâu sắc, song điều đó không ảnh hưởng tới chuyến thăm của ông Abe.
Tuy nhiên, ông Abe cũng đã không ngây thơ để tin rằng sẽ có một giải pháp nhanh chóng với Nga, từ đó khiến cho ông sẵn sàng thúc đẩy đầu tư và các khoản vay của Nhật Bản cho Nga để giảm bớt vai trò của Trung Quốc”, ông Alexander Baunov, quản lý cấp cao tại Trung tâm Carnegie ở Moscow đã bình luận.
Điều đó cho thấy tác hại của việc Chính phủ Nga thiếu thực tế cả về quan điểm và hành động trong chiến lược quan hệ đối ngoại của mình, trong đó có quan hệ với Nhật Bản.
Moscow thiếu khà năng tương kế tựu kế
“Nhà lãnh đạo Nhật Bản hy vọng rằng, quan hệ mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế, mang lại hiệu quả cao thì sẽ có tác động tích cực đối với các cuộc đàm phán về lãnh thổ giữa hai quốc gia.
Ông Abe đã trình bày với ông Putin một kế hoạch tám điểm để xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn trong các lĩnh vực như sản xuất dầu và khí đốt, phát triển vùng Viễn Đông Nga và xây dựng các trung tâm y tế”, Kyodo tường thuật.
Người viết cho rằng đây là một cơ hội không thể tốt hơn được nữa giúp cho Nga và Nhật có thể có những xúc tiến cụ thể hơn, thậm chí là những thoả thuận, những cam kết trong quan hệ hợp tác giữa hai nước qua chuyến thăm của ông Abe lần này.
Tuy nhiên bộ phận tham mưu của Tổng thống Putin đã để tuột mất cơ hội đáng giá này khi kết quả có được chỉ là cách tiếp cận mới về giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Chính phủ Nga vốn đã thể hiện sự thiếu linh hoạt, nghèo giải pháp trong việc giải quyết khó khăn của đất nước. Như người viết đã từng phân tích, khi Kremlin bắt tay với Riyah trong việc tìm cách tăng giá dầu thông qua cắt giảm sản lượng khai thác, đó là chính phủ Nga không xây dựng được cơ chế và giải pháp giúp cho Saudu Arabia nhìn thấy lợi ích được bù đắp khi thiệt hại về giảm xuất khẩu dầu thô.
Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga |
Nay chính phủ Nga lại không linh hoạt tương kế tựu kế khai thác ngay lợi ích từ những gì Tokyo đã mong muốn qua chuyến thăm của Thủ tướng Abe. Khi Nhật Bản có quan điểm hợp tác kinh tế phát triển sẽ tác động tích cực tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ, thì Nga phải ngay lập tức đưa vấn đề hợp tác kinh tế lên bàn đàm phán.
Bộ phận tham mưu của Putin phải thúc đẩy nhanh chóng vấn đề này, thậm chí có thể chấp nhận giảm phần lợi ích của Nga để có thể chuyển tranh chấp lãnh thổ thành việc “để mai tính”.
Có thể thấy rằng việc Kremlin không thu được kết quả thực tế từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có nguyên nhân khách quan từ những sai lầm không dễ sửa chữa trong quá khứ.
Nhưng đồng thời cũng có nguyên nhân là chính phủ Nga không biết chắt chiu những cơ hội, vốn đã rất it ỏi, để khai thác lợi ích cho nước Nga, mà lý do là bởi bộ phận tham của Putin mưu kém tài.
Điều đó cho thấy yêu cầu đặt ra rất cấp bách với Tổng thống Putin là phải nhanh chóng thực hiện ván cờ mới của mình, phải nhanh chóng cho những quân cờ di động để tạo ra những nước cờ lợi hại cho minh.
Từ đó chính phủ Nga có thể khai thác tốt nhất những gì được xem là lợi thế còn lại của nước Nga nhằm mang lại lợi ích cho người dân Nga, giúp họ nhanh chóng thoát ra khỏi khó khăn, thiếu thốn thời cấm vận hiện nay.
Như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến nước Nga lần này chỉ để lại ấn tượng mạnh nhất là sự dũng cảm của ông Shinzo Abe khi vượt qua sức ép của Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc xiết cấm vận đối với nước Nga.
Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Abe lại tiếp tục là một lời cảnh báo nữa cho ông Putin rằng hãy hành động vì người dân Nga, không tiếp tục để mất cơ hội của nước Nga thêm lần nào nữa, vì tình hình hiện tại của nước Nga không thể cho phép có thêm những sai sót chiến lược.