"Mỹ nên chọn Indonesia làm trọng tâm "xoay trục" sang châu Á"

24/09/2016 11:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Người mà vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có thể "chọn mặt gửi vàng" chính là ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia.

Nhà nghiên cứu an ninh quốc gia Mỹ Stanley A. Weiss ngày 23/9 bình luận trên The Huffington Post, đã đến lúc Mỹ "xoay trục" sang Indonesia trong bối cảnh Trung - Nga vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông, còn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cấm hải quân nước này tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Cho dù Donald Trump hay Hillary Clinton trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ vào năm tới, làm thế nào để tái khẳng định sức mạnh Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điều quan trọng.

Người mà vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có thể "chọn mặt gửi vàng" chính là ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia.

Stanley A. Weiss lập luận, không có quốc gia Đông Nam Á nào tốt hơn Indonesia trong việc cung cấp cho Mỹ những gì cần thiết ở Biển Đông để cân bằng với liên minh Trung - Nga, không chỉ bởi vị trí chiến lược, mà còn bởi nền kinh tế tăng trưởng mạnh của đất nước vạn đảo.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một lần thị sát chiến hạm ngoài khơi Natuna. Ảnh: gisreportsonline.com.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một lần thị sát chiến hạm ngoài khơi Natuna. Ảnh: gisreportsonline.com.

Đồng thời Indonesia cũng là một quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, lựa chọn quốc gia này sẽ giúp Mỹ chứng minh cho thế giới thấy, nền dân chủ phương Tây và thế giới Hồi giáo hoàn toàn có thể chung sống hòa bình và hợp tác, phát triển.

Indonesia cùng với 4 quốc gia thành viên ASEAN khác đã bị yêu sách đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông xâm hại. Đáng ngại nhất là hiện nay Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực.

Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7 đã bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò. Tuy nhiên, Trung Quốc phản ứng "đỏ mặt tía tai", thề rằng sẽ không dừng hoạt động xây dựng, bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc cũng tiếp tục phát triển lực lượng hải cảnh và tàu cá đổ xuống Biển Đông, mà Indonesia cũng là một nạn nhân. Trong 5 năm qua, số vụ đụng độ giữa hải quân Indonesia với tàu cá Trung Quốc (có những trường hợp có tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống) thường xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna của Indonesia.

Bắc Kinh thường sử dụng tàu cá và tàu hải cảnh như một lực lượng nhà nước để sách nhiễu, ngăn chặn tàu thuyền các quốc gia khác tham gia tuyến hàng hải thương mại và đánh bắt trên ngư trường của chính họ.

Từ năm 2014, ông Joko Widodo cùng Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti đã cho đánh chìm 220 tàu cá nước ngoài xâm phạm và đánh bắt trái phép, một thông điệp không thể nhầm lẫn nhằm vào Bắc Kinh.

Tháng Sáu vừa qua để củng cố thêm sức mạnh, ông Joko Widodo đã có chuyến thị sát, làm việc trên chiến hạm ngoài khơi đảo Natuna.

Do đó theo Stanley A. Weiss, hiện tại là thời điểm thích hợp cho Mỹ tăng cường quan hệ với Jakarta. Washington có thể làm điều này qua 4 cách.

Đầu tiên, Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ nên đến thăm Indonesia càng sớm càng tốt, đồng thời thể hiện rõ lập trường, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ 4 năm tới là Indonesia.

Thứ hai, Mỹ nên hỗ trợ sự quyết đoán mới nổi của Indonesia trong vấn đề Biển Đông, bao gồm giúp đỡ nước này nâng cao khả năng tuần tra trên biển, cả về phương tiện tàu thuyền lẫn huấn luyện đào tạo.

Ba là, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Indonesia, bởi lẽ lâu nay vẫn tồn tại một nỗi sợ hãi rằng Indonesia ngày càng phụ thuộc trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, có thể buộc Jakarta phải thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ nên đầu tư vào giáo dục và phát triển, hỗ trợ và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, cung cấp cho Jakarta sự thay thế vai trò của Trung Quốc trong chiến lược cải thiện chất lượng nền kinh tế.

Cuối cùng, bất kể ai chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, việc đầu tiên Tổng thống mới nên làm là mời ông Joko Widodo thăm chính thức Hoa Kỳ và bố trí mời ông đến phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Lãnh đạo Indonesia đầu tiên và duy nhất phát biểu trước Quốc hội Mỹ diễn ra năm 1956, khi Donald Trump mới 9 tuổi, Hillary Clinton lên 8 còn Joko Widodo lên 5. Để 60 năm Jakarta mới có đại diện phát biểu tại Quốc hội Mỹ là quá dài.

Đã đến lúc để tạo dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nền dân chủ lâu đời nhất thế giới với nền dân chủ Hồi giáo chiếm đa số lớn nhất thế giới bắt đầu diễn ra tại Phòng Bầu Dục.

Người viết cho rằng, nhận định của nhà nghiên cứu Stanley A. Weiss là phương án đáng để các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ, đội ngũ tham mưu cho 2 ứng viên Tổng thống Mỹ nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Tất nhiên trong cuộc cạnh tranh vị thế chiến lược giữa các siêu cường, đặc biệt là khi Trung - Nga liên thủ và Mỹ thì đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đối nội lẫn đối ngoại, xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn nên là một lựa chọn ưu tiên, bởi lợi ích chiến lược hiện tiền của Mỹ.

Mối quan hệ với Indonesia cũng sẽ là thước đo khả năng thích ứng của các nhà hoạch định chiến lược đối ngoại Hoa Kỳ trong tình hình mới, đặc biệt là đối thoại và chung sống với thế giới Hồi giáo, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan núp bóng Hoa Kỳ đang ngày càng lan rộng, đe dọa lợi ích của Mỹ trên toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

http://www.huffingtonpost.com/stanley-weiss/its-time-for-the-us-to-pi_b_12158402.html

Hồng Thủy