Chân dung Bành Đức Hoài, 1 trong 10 nguyên soái đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc. |
Tờ Đa Chiều ngày 14/12 dẫn nguồn Tín Báo của Hồng Kông cho biết, bộ phim truyền hình 40 tập "Nguyên soái Bành Đức Hoài" được Tập Cận Bình và Lưu Nguyên trực tiếp duyệt sẽ bắt đầu khởi quay. Bộ phim này sẽ đề cập đến hội nghị Lư Sơn năm 1959 phê phán Bành Đức Hoài là "kẻ cầm đầu tập đoàn phản đảng".Những bi thảm mà ông phải trải qua trong Cách mạng Văn hóa và cái chết của ông Hoài năm 1974, những nội dung "nhạy cảm" lâu nay không mấy khi được nhắc tới đều sẽ được thể hiện trong phim.
Tín Báo cho biết, "Nguyên soái Bành Đức Hoài" là dự án phim của điện ảnh quân đội Trung Quốc, sẽ được họp báo công bố vào ngày 20/12 tới đây và ngay sau đó khởi quay lập tức. Nguồn tin riêng của Tín Báo nói rằng Tập Cận Bình đích thân phê duyệt nội dung phim với chỉ thị phải "tôn trọng lịch sử". Đây là tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh đầu tiên của Bắc Kinh mô tả lại cuộc đời của Bành Đức Hoài trên phim, bao gồm cả những chi tiết "nhạy cảm", nhất là hội nghị Lư Sơn.
Nguồn tin cho biết đã được xem kịch bản bộ phim này và nội dung đại bộ phận tôn trọng sự thật lịch sử. Nó không chỉ bao gồm cuộc sống của Bành Đức Hoài những năm đầu tham gia cách mạng, bảo vệ Tỉnh Cương Sơn, tham gia cuộc trường chinh của hồng quân Trung Quốc, công lao lừng lẫy trong chiến tranh chống Nhật và "kháng Mỹ viện Triều", mà còn bao gồm các cuộc đấu tố công kích ông tại hội nghị Lư Sơn và 15 năm cuối đời bi thảm mà 1 trong 10 Nguyên soái đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc phải gánh chịu.
Bộ phim này do Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc làm chủ đầu tư và trình lên Tập Cận Bình từ năm ngoái, ông Bình đã bút phê đồng ý khởi quay. Được biết nội dung xuyên suốt của bộ phim nhằm tái hiện lại "công lao vĩ đại của bậc tiền bối cách mạng" Bành Đức Hoài, tác phong thanh liêm giản dị của ông. Những biến cố Bành Đức Hoài gặp phải trong Cách mạng Văn hóa sẽ được "làm mềm" và xử lý khéo léo.
Bành Đức Hoài bị Hồng vệ binh áp giải trong Cách mạng Văn hóa. |
"Nguyên soái Bành Đức Hoài" sẽ được sản xuất bởi Tổng cục Hậu cần, đài Truyền hình trung ương Trung Quốc và bảo tàng Bành Đức Hoài, trong đó Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần sẽ làm Tổng cố vấn. Tống Nghiệp Minh từ Xưởng phim truyền hình Bát Nhất làm đạo diễn và diễn viên Đổng Dũng sẽ vào vai Bành Đức Hoài. Kịch bản phim do Mã Kế Hồng và Cao Quân, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Trung tâm Nghệ thuật điện ảnh Tổng cục Hậu cần viết.
Phê duyệt nội dung phim "Nguyên soái Bành Đức Hoài" ngoài Tập Cận Bình ra còn 3 viên Thượng tướng khác, gồm 2 Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng, Phạm Trường Long và Lưu Nguyên. Dự kiến tập đầu tiên sẽ được công chiếu vào ngày 18/9 năm tới.
Tháng 3/2011 khi còn là Phó Chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã thăm lại nơi ở cũ của Bành Đức Hoài tại tỉnh Hồ Nam, 3 lần cúi đầu kính lễ trước tượng Nguyên soái này. Khi đó, Tập Cận Bình nói với đoàn tùy tùng: "Bành lão tổng là người tôi vô cùng kính trọng." Ông Bình ca ngợi vị Nguyên soái này "vô tư, kiên trì chân lý, luôn nghĩ đến dân". Được biết cho đến nay Tập Cận Bình là lãnh đạo cấp cao đương nhiệm duy nhất của Trung Quốc kính ngưỡng và tưởng niệm Bành Đức Hoài.
Tháng 6 năm 1959, trong Hội nghị Lư Sơn, Bành Đức Hoài viết thư riêng cho Mao Trạch Đông, chân thành đề cập đến thất bại, tình cảnh tiêu điều của nền kinh tế khi thực hiện Chính sách Đại nhảy vọt. Bức thư này đã biến ông trở thành tội đồ trong Cách mạng văn hóa Trung Quốc sau này. Mao Trạch Đông, tại Hội nghị Lư Sơn, đã quyết định công khai bức thư của Bành Đức Hoài và quy kết ông là tiêu cực. Với quyền lực của Mao Trạch Đông, toàn bộ Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng về phía Mao Trạch Đông hoặc lặng im. Gần như tất cả đả kích Bành Đức Hoài mà Lâm Bưu là người đứng đầu.
Ông bị phê phán nặng nề năm 1959 bởi những nhận xét về chính sách Đại nhảy vọt mà Mao Trạch Đông cho là không chấp nhận được. Chủ tịch Mao đồng ý rằng có một số sai sót nhưng nhìn chung là có tiến bộ tích cực. Bành Đức Hoài được gợi ý viết bản tự phê bình. Mao Trạch Đông, không còn nghi ngờ gì nữa, đối xử với ông như với kẻ thù. Nguyên soái bị đình chỉ mọi chức vụ, bị theo dõi và quản chế tại nhà riêng tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Người thay thế ông ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là Lâm Bưu. Thực tế, Bành Đức Hoài bị lưu đày, bị xa lánh trong suốt 16 năm còn lại của cuộc đời.
Còn những nguyên nhân sâu sắc khác dẫn đến sự thất sủng năm 1959. Dưới sự điều hành của Bành Nguyên soái, quân đội phát triển theo chiều hướng chính quy, chuyên nghiệp và giảm tính chính trị. Những thay đổi này bị đảo ngược khi Lâm Bưu nắm quyền. Mặt khác Bành Đức Hoài có những dấu hiệu không đồng ý với việc sút giảm quan hệ thân thiện với Liên Xô. Tuy vậy, năm 1959, uy tín của Mao Trạch Đông dù vẫn bao trùm nhưng đã xuống thấp chưa từng thấy, việc phế truất Bành Đức Hoài không thể thực hiện được nếu những người khác không nghi ngờ ông.
Theo Wikipedia