Tháng 12/2024, Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà - Phó Trưởng bộ môn Thực hành tiếng Nga, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giành giải Nhì Cuộc thi Olympic quốc tế dành cho giáo viên tiếng Nga năm 2024 - sự kiện quy tụ hơn 100 giáo viên từ 30 quốc gia tham gia.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà bày tỏ: “Giành được giải Nhì cuộc thi quốc tế là niềm tự hào lớn không chỉ với tôi, mà còn với cả những đồng nghiệp và sinh viên tại khoa. Giải thưởng này là một động lực mạnh mẽ, khích lệ tôi tiếp tục cống hiến nhiều hơn trong công tác đào tạo nhân lực tiếng Nga.
Tôi mong rằng, giải thưởng này sẽ truyền cảm hứng học tập cho các em sinh viên, đồng thời, giúp các em vững tin trên con đường học tập và lựa chọn nghề nghiệp của mình. Mong các em sẽ cháy hết mình với thanh xuân tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), dám thử sức với những cuộc thi lớn, dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình”.
Mở đầu cuộc trò chuyện, Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà cho biết, sau khi trở về từ Thành phố Kaliningrad, Liên bang Nga, cô vẫn đang tất bật hoàn thành những công việc còn dang dở trong khoảng thời gian tham gia cuộc thi.
Nhắc đến hành trình của mình, nữ giảng viên cho biết, cuộc thi là cơ hội quý báu để cô học hỏi và giao lưu với các đồng nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới.
“Khoảnh khắc đáng nhớ nhất có lẽ là khi tôi trò chuyện với các đồng nghiệp quốc tế về cách họ gắn kết văn hóa và ngôn ngữ trong giảng dạy. Những cuộc giao lưu ấy giúp tôi nhận ra rằng, bất kể ngôn ngữ nào, điểm chung của mỗi chúng ta là tình yêu giảng dạy và mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn” - cô chia sẻ.
Cô Nam Hà không khỏi bồi hồi khi nhắc lại những cơ duyên tiếp xúc với tiếng Nga: “Đối với tôi, tình yêu với tiếng Nga bắt đầu từ những năm tháng còn nhỏ xíu... Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Đấng sinh thành của tôi đều là những người gắn bó với ngôn ngữ, văn hoá, khoa học đất nước Nga. Bố tôi là giảng viên, phiên dịch viên tiếng Nga. Mẹ tôi cũng là giảng viên và sau này là nghiên cứu viên cao cấp. Có thể nói, tôi được nghe âm điệu tiếng Nga từ khi còn nằm nôi.
Hành trình học tiếng Nga của tôi cũng không hề dễ dàng. Do đặc thù công việc của bố mẹ, nên tôi có những năm tháng học tập gắn liền với rất nhiều lần chuyển trường. Bố mẹ tôi có khi ở miền Bắc, có lúc vào miền Nam giảng dạy, có thời gian sang Nga học tập, nghiên cứu, rồi lại trở về Việt Nam công tác tiếp. Vì vậy, tôi cũng theo chân bố mẹ, trải nghiệm môi trường học tập ở nhiều ngôi trường khác nhau. Mỗi bước chân tôi đi đều in hằn hình bóng nước Nga”.
Năm 2001, cô Lưu Thị Nam Hà chính thức trở thành tân sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội). Với kết quả học tập Xuất sắc ở năm thứ nhất đại học, nữ sinh viên khi ấy đã nhận được học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sang Nga học tập tại Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva, ngành Ngôn ngữ và Dịch thuật.
Có lẽ, 6 năm học tập tại Liên bang Nga là khoảng thời gian đặc biệt nhất đối với cô Nam Hà: “Ngày đó, tôi đi du học theo diện học bổng của Chính phủ. Khi ấy, số lượng học bổng cũng hạn chế, chỉ khoảng 200-300 suất mỗi năm cho cả nước. Hiện nay, con số đó đã tăng lên 1.000 suất.
Khi sang Nga, do đã tiếp xúc với văn hóa xứ sở “Bạch Dương” từ nhỏ, nên tôi dễ dàng đón nhận mọi điều mới mẻ. Cuộc sống sinh viên có những khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ từ thầy cô và bạn bè quốc tế, mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng hơn. Thầy cô người Nga rất quan tâm sinh viên, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia khác. Họ không chỉ giảng dạy tận tình, mà còn chăm lo đời sống của sinh viên ngoại quốc”.
Năm 2008, Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà tốt nghiệp loại ưu với 2 ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Anh. Khi trở về nước, cô phải đứng giữa 2 sự lựa chọn: “Tốt nghiệp loại ưu với 2 ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Anh, lúc đó, tôi đã phải rất băn khoăn trước khi đưa ra quyết định, khi về nước mình sẽ gắn bó với ngôn ngữ nào chính? Tiếng Anh đang “lên ngôi”, còn Tiếng Nga cách đây 15-20 năm không phải là lựa chọn số 1 của nhiều bạn trẻ. Nhưng tôi vẫn quyết định theo đuổi tiếng Nga
Bởi, tôi tin, với một quốc gia có truyền thống và tình hữu nghị bền chặt với nước ta, với mối quan hệ chiến lược trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay, đất nước vẫn sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu và thông thạo tiếng Nga. Vì vậy, tôi muốn truyền lửa tiếng Nga tới thế hệ trẻ”.
“Năm 2025, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, cũng là lúc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tròn 70 năm tuổi. Mong rằng, giải thưởng của tôi là một niềm vui đối với nhà trường và khoa, nơi tôi đang công tác.
Thanh xuân của tôi đã gắn bó với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hơn 10 năm, nhưng ít ai biết, tôi cũng đã từng là một biên tập viên truyền hình” - Thạc sĩ Nam Hà bồi hồi nhớ lại.
Năm 2012, sau một thời gian công tác tại Trường Đại học Hà Nội, cô Lưu Thị Nam Hà quyết định “rẽ hướng”. Nữ giảng viên chia sẻ: “Tôi từng có dịp làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, cụ thể là tại Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4), nơi tôi tham gia sản xuất bản tin tiếng Nga.
Tuy nhiên, có lẽ với tôi, bụi phấn và ánh mắt của học trò chưa bao giờ phai được trong tâm trí. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, tôi nhận ra, công việc truyền hình không chỉ áp lực về thời gian, mà tôi còn ít có dịp được lan toả nhiệt huyết, tình yêu với tiếng Nga tới các bạn trẻ.
Dù nghề giáo cũng chẳng hề nhàn hạ, nhưng tôi lại có nhiều cơ hội thoả mãn đam mê và truyền tải kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá cho thế hệ trẻ nhiều hơn, với một lịch trình linh hoạt hơn. Các thầy cô sau giờ lên lớp, có thể tiếp tục soạn bài, chấm bài tại nhà, điều này thuận lợi hơn cho việc cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Tôi cũng nhớ rất nhiều về khoảng thời gian bên cạnh sinh viên - nơi tôi là chính mình. Do vậy, tôi quyết tâm tiếp tục gắn bó với nghề giáo.
Cuối năm 2013, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cần tuyển thêm giảng viên. Tôi thấy đây là cơ hội phù hợp để mình trở lại, nên đã ngay lập tức nắm bắt, để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy”.
Dẫu chỉ gắn bó với nghề biên tập viên truyền hình trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng theo Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà, kinh nghiệm của quãng thời gian đó vẫn luôn là một hành trang quý giá, giúp bản thân cô hiểu hơn về các khía cạnh khác nhau của ngôn ngữ và văn hóa, từ đó, chia sẻ với sinh viên một cách sinh động và thực tế hơn.
Nói về điều này, cô Hà hào hứng chia sẻ: “Mọi trải nghiệm trong cuộc sống đều được phản ánh qua ngôn ngữ. Với tư cách là một giảng viên ngoại ngữ, tôi luôn cần chất liệu giảng dạy gần gũi với đời sống, với hơi thở thực tế.
Làm việc trong môi trường Phát thanh - Truyền hình bằng tiếng Nga, đồng nghĩa với việc bản thân phải cập nhật liên tục các tin tức về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Thói quen này đã giúp tôi xây dựng bài giảng cho sinh viên một cách phong phú hơn.
Tôi sử dụng những tài liệu mới nhất, từ các sự kiện, hoạt động đáng chú ý trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam hay Nga với các nước khác, đưa vào bài giảng. Điều này không chỉ giúp sinh viên am hiểu thực tế, mà còn tạo được nhiều hứng thú hơn, làm phong phú nguồn học liệu của các học phần chuyên ngành. Sự kết nối với thực tiễn là một trong những điểm quan trọng mà tôi luôn cố gắng duy trì”.
Đó là lời tâm sự chân thành của Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà, bởi lẽ, khi hàng ngày tiếp xúc với sinh viên, năng lượng của tuổi trẻ khiến nữ giảng viên như được gợi nhắc về thanh xuân, sống lại bầu không khí ấy một lần nữa.
“Mỗi lớp học là một tập thể đặc biệt và trong tập thể ấy, mỗi sinh viên lại mang những cá tính rất riêng” - cô Hà tâm sự.
15 năm đứng trên bục giảng, cô Nam Hà không chỉ gắn bó với sinh viên Việt Nam học tiếng Nga, mà còn đón nhận cả những sinh viên người Nga đến học tại Việt Nam. Đối với cô, mỗi người học là một câu chuyện, một nguồn cảm hứng khác biệt.
Cô Hà chia sẻ, bản thân là một giảng viên có yêu cầu rất cao trong việc đánh giá sinh viên: “Thú thật, tôi cũng không phủ nhận điều này. Quan điểm của tôi là “thương cho roi cho vọt”. Tôi luôn kỳ vọng, các em dành trọn vẹn năng lượng tuổi trẻ để học tập, trau dồi kỹ năng và nắm bắt mọi cơ hội để giao lưu, học hỏi. Có lẽ vì vậy, đã lên lớp trong giờ của cô Nam Hà là phải xác định học “căng” mới được”.
Sự nghiêm khắc ấy không hề ngăn cản sự gắn bó giữa cô và học trò. Nhiều năm sau khi tốt nghiệp, không ít sinh viên vẫn tìm đến cô để chia sẻ những niềm vui hay nhờ cô tư vấn trong công việc và cuộc sống. Những tin nhắn như “Cô ơi, em vừa trúng tuyển vào công ty này...” hoặc “Cô ơi, em đang phân vân với tình huống này…” luôn mang lại cho cô niềm hạnh phúc.
“Đó là lúc tôi cảm nhận rõ nhất giá trị công việc của mình - trở thành một “điểm tựa” cho các em trên hành trình hiện thực hoá ước mơ” - nữ giảng viên chia sẻ thêm.
Theo cô Nam Hà, tiếng Nga không chỉ là một công cụ giao tiếp, mà còn là cánh cửa mở ra cả một thế giới văn hóa phong phú: “Học tiếng Nga có nhiều thuận lợi. Đây là ngôn ngữ của một nền văn hóa giàu bản sắc và cũng là cầu nối tới cơ hội học tập, làm việc tại các quốc gia thuộc khối Nga và Đông Âu.
Mỗi năm, Chính phủ Nga dành tới 1.000 học bổng cho sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập hoàn toàn miễn phí tại các trường đại học Nga. Đối với những người mới học, thử thách lớn nhất vẫn là sự phức tạp của ngữ pháp.
Dẫu vậy, tôi tin rằng, với sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi của người Việt Nam, tiếng Nga sẽ trở thành “chìa khóa” mở ra những cánh cửa mới. Từng ký tự, từng câu từ đều chứa đựng câu chuyện riêng. Với sự nỗ lực, người học chắc chắn sẽ làm chủ được ngôn ngữ giàu đẹp này”.
Nhắc đến hành trình gắn bó với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cô Nam Hà cho rằng, may mắn lớn nhất của mình là được làm việc trong một môi trường đầy sáng tạo và đồng nghiệp thấu hiểu.
“Những người đồng hành, từ các đồng nghiệp trong trường nói chung và trong khoa nói riêng, đến các sinh viên, luôn là nguồn cảm hứng lớn nhất đối với tôi. Chính sự tương tác trong cộng đồng các thầy cô giáo và giữa thầy với trò đã tạo nên một môi trường học tập, làm việc giàu năng lượng” - nữ giảng viên tâm sự.
Không chỉ vậy, cô Nam Hà còn tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác với Đại sứ quán Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, không chỉ giúp quảng bá văn hóa Nga, mà còn tạo điều kiện để sinh viên của cô hiểu thêm về ngôn ngữ đang học.
“Với tôi, giảng viên không chỉ dạy chữ, kiến thức ngôn ngữ, mà quan trọng hơn nữa là còn truyền cảm hứng học tập, giúp sinh viên khám phá điểm mạnh của bản thân, để tự tin toả sáng ở những lĩnh vực thế mạnh. Khi tôi tham gia các cuộc thi hay hoạt động giao lưu, sinh viên càng tự tin hơn, vì thấy cô giáo của mình cũng sẵn sàng thử thách bản thân. Điều này khiến mối quan hệ giữa cô trò càng trở nên khăng khít hơn” - cô Hà chia sẻ.
Thạc sĩ Lưu Thị Nam Hà tin rằng, việc học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ, mà còn mở ra cả những kỹ năng và tư duy mới: “Tôi luôn khuyến khích sinh viên học thêm một ngoại ngữ nữa. Điều này không chỉ mở rộng cơ hội việc làm, mà còn giúp các em tiếp cận thế giới một cách toàn diện hơn. Khi bạn thành thạo một ngôn ngữ, bạn sẽ thấy rằng mỗi câu chữ đều chứa đựng một nền văn hóa sâu sắc”.
Với cô, câu nói “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời” không chỉ là triết lý, mà còn là “kim chỉ nam” cho hành trình sự nghiệp. Cô chia sẻ: “Tiếng Nga đã tạo nên tôi của ngày hôm nay, giúp tôi hiểu thêm về tâm hồn người Nga - nồng hậu, sâu sắc và nhân văn. Ở Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chúng tôi tin vào triết lý “Cùng nhau kiến tạo cơ hội”. Tôi mong rằng, các bạn trẻ sẽ không ngừng nắm bắt những cơ hội học tập, trải nghiệm, để từ đó mở rộng tư duy và kết nối với thế giới”.