Trung Quốc tái triển khai tên lửa phi pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa

11/06/2018 16:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Rất có thể việc tái triển khai bất hợp pháp tên lửa HQ-9 ra Phú Lâm, Hoàng Sa có liên quan đến việc Mỹ khánh thành trụ sở AIT ở Đài Loan ngày mai.

CNN ngày 11/6 đưa tin, một số hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc đã xuất hiện trở lại trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Ngày 3/6, công ty tình báo quân sự ISI của Israel công bố các hình ảnh chụp đảo Phú Lâm từ vệ tinh cho thấy các bệ phóng tên lửa HQ-9 xuất hiện ở bờ Bắc của đảo Phú Lâm trước đó, đã biến mất.

Nhưng hôm nay ISS cung cấp ảnh chụp mới nhất đảo Phú Lâm từ vệ tinh cho CNN, cho thấy HQ-9 đã được tái triển khai.

Ảnh chụp từ vệ tinh bờ Bắc đảo Phú Lâm các ngày 20/5, 3/6, 8/6 do ISI cung cấp cho CNN.
Ảnh chụp từ vệ tinh bờ Bắc đảo Phú Lâm các ngày 20/5, 3/6, 8/6 do ISI cung cấp cho CNN.

Timothy Heath, một nhà phân tích quốc phòng của Rand Corporation cho biết, việc hệ thống HQ-9 biến mất trước đó có thể là do tác động ăn mòn của muối và độ ẩm cao trên đảo, buộc Trung Quốc phải mang hệ thống tên lửa này vào (kho) để bảo dưỡng. [1]

Theo South China Morning Post, động thái này của Bắc Kinh rất có thể liên quan đến việc Lầu Năm Góc đang xem xét điều chiến hạm tới eo biển Đài Loan và đẩy mạnh tuần tra ở Biển Đông.

Đồng thời, Mỹ cũng đang vận động, tập hợp đồng minh Anh, Pháp tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực, bao gồm các cuộc tuần tra hải quân chống lại yêu sách (bành trướng) của Trung Quốc. [2]

Cá nhân người viết cho rằng, việc Trung Quốc kéo tên lửa ra chĩa lên bầu trời Biển Đông thời điểm này có thể liên quan tới một sự kiện sẽ diễn ra vào ngày mai.

Ngày 12/6 Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) sẽ khánh thành trụ sở mới. Trước đó có thông tin Mỹ cử Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tới Đài Loan tham dự sự kiện này.

Trung Quốc kịch liệt phản đối động thái này, thông qua kênh ngoại giao thuyết phục chính phủ Mỹ không cử thành viên nội các nào tới Đài Loan ngày 12/6. 

Tất nhiên Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ cam kết công khai nào, cho đến thời điểm này.

Còn những tuyên bố thẳng thừng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng đồng minh Anh, Pháp về vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la có lẽ đã nằm trong toan tính của Trung Quốc.

Bởi thế nên họ mới cử phái đoàn cấp thấp tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực năm nay, nhằm tránh một cuộc khẩu chiến trực tiếp với Hoa Kỳ.

Hiện chưa rõ việc tái triển khai HQ-9 bất hợp pháp ra đảo Phú Lâm có nhằm phân tán sự chú ý của dư luận khu vực vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào ngày mai hay không.

Tuy nhiên việc ISI phát hiện thấy Trung Quốc kéo tên lửa trở lại bờ Bắc đảo Phú Lâm từ 8/6 mà để đến hôm nay 11/6 mới cung cấp cho truyền thông Hoa Kỳ, có thể có tính toán nào đó.

Bởi lẽ ngày 12/6 diễn ra 2 sự kiện quan trọng ở khu vực, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và khai trương trụ sở mới của cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Loan. Cả hai sự kiện này đều nằm trong tầm theo dõi đặc biệt của Trung Quốc.

Nguồn:

[1]https://edition.cnn.com/2018/06/11/asia/south-china-sea-woody-island-missiles-intl/index.html

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2150226/china-puts-missiles-back-contested-south-china-sea

Hồng Thủy