Chưa có bằng bổ túc vẫn tốt nghiệp ĐH, TS: Trường nào cũng nói làm đúng quy định

11/11/2024 06:34
Mai Quyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sai phạm của ông Vương Tấn Việt trước hết là trách nhiệm thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học; công tác hậu kiểm cũng cần phải chú trọng hơn.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959) không có tên trong danh sách dự thi, bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xem xét quá trình đào tạo, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt.

Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

Chương trình đào tạo đại học, sau đại học liệu có dễ?

Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) đã cấp cho ông Việt bằng Cử nhân ngành tiếng Anh hình thức vừa làm vừa học (năm 2001); Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng Cử nhân ngành Luật hình thức vừa làm vừa học (năm 2019) và bằng Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp - Hành chính (năm 2022). Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 cơ sở này cần tiến hành thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt và rà soát quy trình tổ chức đào tạo.

Dư luận đặt ra băn khoăn, liệu chương trình đào tạo đại học, sau đại học có dễ đến mức để một người chưa tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 vẫn có thể học và tốt nghiệp đại học, thậm chí nhận bằng tiến sĩ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng phòng Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội (phụ trách phát ngôn liên quan đến sự việc của ông Việt) thông tin, quy trình thực hiện thẩm tra đầu vào đối với các bậc học đã được nhà trường làm đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Mộc Hương.
Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Mộc Hương.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, nhà trường đã tiến hành các bước để thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.

Thầy Dũng cho biết, năm 1994, ông Vương Tấn Việt nộp hồ sơ vào Trường Đại học Ngoại ngữ. Sau 30 năm, đã có những thay đổi nhất định về quy định tuyển sinh, tổ chức đào tạo. Minh chứng là những năm gần đây, các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên được cập nhật, bổ sung để đảm bảo tính chính xác ở tất cả các khâu, công đoạn. Hiện, nhà trường thực hiện các quy định về kiểm tra hồ sơ thí sinh đăng ký tuyển sinh (yêu cầu các loại giấy tờ quy định bắt buộc và giấy tờ ưu tiên trong hồ sơ đăng ký tuyển sinh của thí sinh). Thanh tra hội đồng tuyển sinh sẽ bốc thăm ngẫu nhiên từ 20-30 hồ sơ trúng tuyển nhập học mỗi ngành để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ theo thông báo tuyển sinh của nhà trường.

Liên quan đến bảo đảm chất lượng công tác tuyển sinh đầu vào, thầy Dũng cho biết, nhà trường yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển là bản sao có công chứng, chứng thực của cơ quan, chính quyền có thẩm quyền và mang hồ sơ gốc để đối chiếu với bản sao công chứng.

“Trong công tác tuyển sinh đại học, nhà trường luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trường hợp thí sinh sử dụng văn bằng giả sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu xử lý của cơ quan chức năng”, thầy Dũng chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cũng cho biết, nhà trường luôn lắng nghe những ý kiến mang tính xây dựng, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về công tác tuyển sinh nhằm bảo đảm tính chính xác, đầy đủ và tăng cường công tác hậu kiểm, thanh kiểm tra để giúp công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, chất lượng.

Cần tăng cường công tác tiền kiểm để phát hiện sớm sai phạm

Trước sự việc trên, một số ý kiến đặt ra nghi vấn về chất lượng chương trình đại học khi có thí sinh chưa tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 mà vẫn có thể hoàn thành chương trình đại học một cách suôn sẻ. Tiếp cận ở góc độ kiểm định chất lượng giáo dục, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia đảm nhận vai trò Trưởng đoàn của nhiều Đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học cho rằng, từ một trường hợp cá biệt, xã hội không nên khái quát hóa thành toàn thể.

Theo vị này, trong một cơ sở giáo dục đào tạo, hay trong một lớp học, sinh viên cùng học chung thầy, cô giảng dạy, kiến thức chuyển tải như nhau nhưng có sinh viên học tốt, có sinh viên học không tốt, đó là do nhận thức của mỗi người. Vì thế, vấn đề chương trình đào tạo đại học dễ hay khó không nên được nhìn nhận và đánh giá từ một cá nhân người học mà phải nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể.

Vị chuyên gia kiểm định cũng cho rằng, mỗi cơ sở giáo dục đại học đều có bộ phận phụ trách thanh tra và bộ phận kiểm định chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục khác với thanh tra giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục thường tập trung vào việc tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn, tiêu chí; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ra sao; từ đó tiến hành tư vấn cho nhà trường nên tiếp tục cải tiến chất lượng như thế nào.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khác quy trình của hoạt động thanh tra nên không thực hiện việc phát hiện người học sử dụng văn bằng thật hay giả. Việc phát hiện ra sai phạm của ông Vương Tấn Việt, trước hết thuộc về trách nhiệm thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học; công tác hậu kiểm cũng cần phải chú trọng hơn.

Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục đại học cho rằng, thời điểm ông Việt nhập học vào Trường Đại học Hà Nội cách đây đã 30 năm, chính các cơ sở giáo dục đại học cũng không đủ khả năng để kiểm tra, đánh giá bằng của thí sinh nhập học vào trường là bằng thật hay giả nếu không đủ nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật.

Các trường đại học khi nhận hồ sơ nhập học của sinh viên sẽ kiểm tra bằng trung học phổ thông, tuyển sinh sau đại học thì sẽ kiểm tra bằng tốt nghiệp đại học. Nhìn bằng mắt thường, cán bộ kiểm tra thấy bản phô tô công chứng văn bằng tốt nghiệp đúng như bản gốc, thấy ổn và cho qua. Việc này cũng chỉ được tiến hành trên một vài hồ sơ chứ để công tác tiền kiểm với tất cả hồ sơ sinh viên nhập học vào trường nhằm xem thí sinh nào sử dụng bằng giả là một khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học.

Do đó, muốn làm được công tác tiền kiểm một cách chặt chẽ, cơ sở giáo dục đại học cần được trang bị đầy đủ vật chất kỹ thuật để bảo đảm kiểm tra văn bằng tốt nghiệp của tất cả thí sinh mới nhập học vào trường. Thắt chặt công tác tiền kiểm cũng sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học phát hiện sớm những sai phạm của thí sinh về sử dụng văn bằng.

Để kiểm tra, kiểm soát tốt hơn việc làm gian dối của người học trong sử dụng văn bằng, cần thiết phải có hệ thống ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác thực số văn bằng một cách nhanh chóng, chính xác.

Tuy nhiên, việc này cũng không thể triển khai ngay trong một sớm một chiều, mà còn phải phụ thuộc vào nhân lực có khả năng làm công nghệ. Do đó, ý thức của người học trong việc chấp hành quy định của pháp luật vẫn là yêu cầu cần quán triệt thực hiện ngay từ đầu. Trong sự việc liên quan đến ông Vương Tấn Việt, những cá nhân sai phạm cần được xử lý nghiêm”, vị chuyên gia giáo dục đại học chia sẻ.

Theo thông cáo báo chí về quá trình đào tạo tiến sĩ học viên Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) của Trường Đại học Luật Hà Nội, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh, ông tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội. Năm 2019, ông tốt nghiệp đại học ngành Luật Trường Đại học Luật Hà Nội (hệ văn bằng thứ 2 – vừa làm vừa học).

Về quá trình học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2017, học viên Vương Tấn Việt trúng tuyển Văn bằng 2 Khoá 1 trình độ đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 1/2019, ông được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng Cử nhân ngành Luật văn bằng thứ 2 – Vừa làm vừa học theo Quyết định số 140/QĐ-ĐHLHN ngày 15/01/2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội, xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi.

Ngày 26/11/2019, ông trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN ngày 26/11/2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp - Hành chính.

Ngày 09/12/2021, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp – Hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Như vậy, thời gian từ lúc ông Vương Tấn Việt được công nhận nghiên cứu sinh (tháng 12/2019) đến lúc được bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 3/2022 tương đương 2 năm 3 tháng (27 tháng).

Mai Quyết