Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải loạt bài viết phản ánh về tình trạng dạy thêm của giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội):
Quy định cấm, nhiều GV Tiểu học Ngọc Khánh vẫn dạy thêm cho học sinh chính khóa;
GV TH Ngọc Khánh dạy thêm đi muộn cả tiếng, thu nhập có người đến 30 triệu/tháng;
Thuê nhà dân 200 nghìn/ca, nhiều GV trường công tha hồ dạy học sinh chính khóa
Sau khi các bài viết được đăng tải, nhiều phụ huynh của trường đã gửi lời cảm ơn đến Tạp chí vì đã nói hộ nỗi bức xúc của họ. Đồng thời, phụ huynh cảm ơn vì nhờ phản ánh của Tạp chí, sau nhiều năm phải "tự nguyện" đi học thêm, giờ đây, giáo viên biết "sợ" nên con em họ hiện tại không phải đi học thêm.
Cùng với đó, nhiều độc giả băn khoăn về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương khi để tình trạng dạy thêm bậc tiểu học xảy ra tràn lan. Đặc biệt, hàng trăm học sinh học ở nhà riêng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi cháy nổ xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho hay, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh dạy thêm cho học sinh chính khóa đã vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 17/2012.
Việc vi phạm của giáo viên và trách nhiệm của nhà trường khi để xảy ra tình trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cần làm rõ.
"Phòng Giáo dục và Đào tạo cần xử lý nghiêm vi phạm và công khai thông tin với báo chí", ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội cũng nhận định, bên cạnh trách nhiệm quản lý của Phòng Giáo dục, còn trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, việc dạy thêm tại những căn hộ nhà dân tiềm ẩn nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ. Chính vì thế, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cần cho có chỉ đạo kiểm tra, rà soát để cảnh báo giáo viên, hộ dân nào còn cho tổ chức dạy thêm vi phạm các quy định.
"Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước cũng gây rất nhiều bức xúc. Học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, như học sinh Tiểu học Ngọc Khánh nhà trường đã bồi dưỡng kiến thức văn hóa có thu tiền rồi, tại sao nhiều em vẫn phải đi học thêm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để quản lý tình trạng này một cách hiệu quả, tránh cho học sinh chịu áp lực khi phải học quá nhiều", Đại biểu Quốc hội kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, không chỉ riêng câu chuyện xảy ra ở một số trường như Tạp chí đã nêu mà chính quyền địa phương ở các tỉnh/thành phố lớn trên cả nước cũng cần nghiêm túc xem xét và có chỉ đạo nghiêm để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn làn, thuê nhà dân làm nơi tổ chức dạy thêm, tránh để sự cố xảy ra mới xử lý.
Theo chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Lê Đông Phương, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được đưa vào giảng dạy trong các cấp học bậc phổ thông. Để nâng cao chất lượng, thời lượng giảng dạy và học tập được tổ chức 2 buổi/ngày, trong đó có những tiết để học sinh học và ôn luyện.
"Nếu đã có nội dung dạy và ôn luyện tại nhà trường, không nên tồn tại việc dạy thêm", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.
Theo chuyên gia, việc học sinh được học ở trường 2 buổi/ngày, nhưng vẫn phải đi học thêm vậy nguyên nhân của việc giáo viên dạy thêm là gì? Phải chăng, giáo viên truyền đạt kiến thức trên lớp cho học sinh chưa đủ? Hay nội dung chương trình chưa đầy đủ?
"Tôi từng đi đến các tỉnh vùng cao, học sinh ở trên đó không có học thêm. Nếu học sinh yếu kém, thầy cô hỗ trợ bồi dưỡng miễn phí cho các em ở trường và không lấy tiền", Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.
Đối với cơ sở cho thuê phòng để giáo viên dạy thêm, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, các cơ sở này phải đảm bảo về điều kiện vệ sinh, lối thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn...
Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết, các chủ nhà phải được cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy.
"Các cơ sở này đã xin phép chính quyền địa phương, đơn vị quản lý phòng cháy chữa cháy đã thẩm định về phương án phòng cháy chữa cháy hay chưa? Đó là những vấn đề cần làm rõ. Bên cạnh đó, việc tụ tập đông học sinh còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, bệnh truyền nhiễm nếu có học sinh bị ốm. Có quá nhiều thứ để quan tâm đến cơ sở cho thuê dạy thêm", Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.