Ngày 24/8/2018 tại Hưng Yên, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 700 điểm cầu (63 điểm cầu tỉnh, thành và 637 điểm cầu quận huyện).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc triển khai hệ thống đồng bộ y tế cơ sở tiến tới lập hồ sơ sức khỏe cho người dân tiến tới bệnh án điện tử và kết nối quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ thuốc là hai việc quan trọng mà ngành y tế đang hướng tới.
Việc quản lý bán thuốc ở Việt Nam chưa có sự kiểm soát chặt chẽ; tỷ lệ kháng kháng sinh Việt Nam đang ở tốp cao của thế giới; giá cả các loại thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ chưa được thống nhất về giá cả.
Hiện nay, chúng ta không có công cụ nào để giúp người dân nhận biết được công dụng, cách sử dụng và thời hạn sử dụng thuốc. Điều này chúng ta cần khắc phục sớm.
Phó Thủ tướng cho rằng việc đưa phần mềm quản lý vào sử dụng sẽ loại bỏ tất cả các hành vi buôn bán không lành mạnh. Phần mềm đưa vào hoạt động sẽ giúp công khai, minh bạch hoạt động mua bán thuốc, vì sức khỏe nhân dân.
Để Chỉ thị 23/CT-TTg của Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc ban hành ngày 23/8/2018 đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan. Bộ Y tế cũng cần hướng dẫn chi tiết cụ thể, tăng cường tuyên truyền thuyết phục đến các đơn vị và địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là việc làm mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân và cho Ngành Y tế. Cùng đó là sự đồng lòng quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. ảnh: vgp. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu bảo đảm cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và cố gắng, nỗ lực của toàn ngành y tế, đến nay nhiều chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 đã sớm hoàn thành, trong đó mạng lưới kinh doanh dược cũng đã phát triển mạnh mẽ; góp phần đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận thuốcvới chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc hiện nay ở nước ta còn nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu, tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng xuất hiện không ít trên thị trường.
Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Trước tình hình này, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược là thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Đến nay, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. ảnh: moh.gov.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.
Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Qua triển khai thí điểm tại 4 tỉnh đầu tiên tham gia vào quá trình ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở bán thuốc gồm Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, lãnh đạo Sở Y tế các địa phương đều phản ánh việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các nhà thuốc hoàn toàn khả thi và có hiệu quả cao trong việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc từ chính những người sử dụng.
Sau thí điểm triển khai tại 4 tỉnh trên, đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.
Hiện toàn quốc có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó nhà thuốc có 71,15% các cơ sở có kết nối Internet, nhưng chỉ có gần 48% sử dụng phần mềm để quản lý kinh doanh thuốc của cơ sở với 23 phần mềm đang được sử dụng. Đến nay, Bộ Y tế cũng đã chuẩn hóa được 52.000 trong khoảng 60.000 danh mục thuốc y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc kết nối các nhà thuốc trong toàn quốc là bước ngoặt trong hệ thống phân phối thuốc trên cả nước. Việc kết nối các nhà thuốc và quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân mà Bộ Y tế đang triển khai sẽ tạo nguồn dữ liệu lớn về việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý của mỗi người bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Đồng Nai về việc các địa phương trên về việc triển khai thành công ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở thuốc bán lẻ.
Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các lãnh đạo của tỉnh Hưng Yên đã bấm nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc trên cả nước.