Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 24.603 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở; 3.926 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện là vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.
Nhiều người có thói quen ăn uống trên vỉa hè. |
Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định 178 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018.
Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Xây dựng hệ thống thông tin an toàn thực phẩm |
Nghị định cũng quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…
Dù đã có Nghị định 115 siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm, nhưng trên thực tế công tác kiểm tra xử lý đối với các địa phương còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt ở Hà Nội và các thành phố lớn, do rất nhiều người dân có thói quen ăn uống ở các hàng quán vỉa hè.
Trong khi đó, đa phần những người bán hàng ăn uống trên vỉa hè lại thiếu kiến thức thông tin về an toàn thực phẩm và không nắm rõ các quy định của pháp luật, do đó cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền sở tại là Ủy ban Nhân dân các phường, xã trong kiểm tra, tuyên truyền vận động những người kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện đúng quy định, ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Sử dụng găng tay để lấy thức ăn, đảm bảo vệ sinh. |
Hà Nội là một trong những địa phương triển khai thí điểm quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Năm 2010, toàn thành phố triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn.
Năm 2013, mô hình thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tuyến phố Trung Liệt (quận Đống Đa), tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình) được triển khai.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện. “Ngoài việc đáp ứng 10 tiêu chí an toàn thực phẩm về điều kiện cơ sở vật chất, các cơ sở kinh doanh còn phải niêm yết công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm”, có bảng ghi công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm để người tiêu dùng biết.
Hà Nội đang có khoảng 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đến nay, tại các quận, huyện, thị trấn đã có 99% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí an toàn thực phẩm.
Theo Sở Y tế Hà Nội, qua kết quả kiểm tra, giám sát gần 900 lượt tại 386 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống của 8 tuyến phố thí điểm an toàn thực phẩm có kiểm soát trong 8 tháng năm 2018 cho thấy, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm đạt từ hơn 53% đến 93%. Lực lượng chức năng của các quận, huyện đã nhắc nhở tại chỗ với 58 cơ sở, phê bình 18 cơ sở trên loa truyền thanh, phạt tiền gần 15 triệu đồng các cơ sở vi phạm.
Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nhất là tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý an toàn thực phẩm, thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc thực phẩm “bẩn”.
Chính quyền thành phố Hà Nội đã yêu cầu dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm quy định về an toàn thực phẩm, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Theo Nghị định 115, từ ngày 20/10 tới, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ. Người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000 - 500.000 đồng). Phạt 1 - 3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay… Phạt 5 - 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. |