Là con Rồng cháu Tiên, làm gì cũng phải thấy Tổ quốc là trên hết

02/07/2016 07:35
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Các cơ quan chức năng cần vào cuộc. Làm sao để người Việt thấy được Tổ quốc là trên hết, họ biết cân nhắc lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc.

Dư luận mấy hôm nay ồn ào về chuyện hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc "lộng hành" trên đất Việt.

Nổi cộm nhất là ở Đà Nẵng và Nha Trang.

Sau sự việc một hướng dẫn viên người Trung Quốc dẫn đoàn khách Trung Quốc tham quan du lịch ở Chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thuyết minh, giới thiệu xuyên tạc lịch sử Việt Nam, khiến dư luận bất bình.

Hướng dẫn viên người Trung Quốc đó nói với đoàn khách Trung Quốc rằng: “14 thế kỷ trước Việt Nam thuộc một bộ phận phía bắc Trung Quốc. Sau này Việt Nam độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc”.

Nếu một người Việt khi nghe qua đoạn thuyết minh này của hướng dẫn viên người Trung Quốc thì ai cũng nổi giận.

Nhưng những du khách đến từ Trung Quốc họ đâu có biết đó là thông tin bịa đặt, xuyên tạc.

Một hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động "chui" khi đưa khách đoàn Trung Quốc qua Việt Nam du lịch. Ảnh: H.T
Một hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động "chui" khi đưa khách đoàn Trung Quốc qua Việt Nam du lịch. Ảnh: H.T

Là người theo dõi kỹ những động thái này từ lâu, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học – nghệ thuật TP Đà Nẵng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ông Tiếng cho rằng, khách Trung Quốc có mặt ngày càng nhiều ở thị trường du lịch Việt Nam là điều đáng mừng vì chúng ta muốn làm bạn với tất cả các nước.

Khi đã phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, càng nhiều khách du lịch đến Việt Nam nói chung và đến Đà Nẵng nói riêng là điều rất tốt.

"Với một tinh thần khoan dung về văn hóa, người Việt luôn luôn cởi mở, chân tình, hiếu khách. Vấn đề một số khách Trung Quốc có những hành vi phản cảm trong thời gian vừa qua được dư luận rất quan tâm.

Người Việt có phản ứng nhưng đây không phải là sự kỳ thị đối với người Trung Quốc.

Người Việt không bao giờ kỳ thị với bất cứ ai nhất là những người đang mang đến cho nền kinh tế nước mình một thu nhập rất đáng kể.

Nhưng người Việt sẽ rất phẫn nộ đối với những hành vi vi phạm pháp luật của du khách bất kỳ một nước nào chứ không riêng gì du khách Trung Quốc.

Nếu du khách nước nào không tôn trọng văn hóa người Việt thì bất kỳ người Việt nào yêu nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, lấy lợi ích dân tộc làm tối thượng, lấy niềm tự hào dân tộc làm điều vinh dự thì chắc chắn đều có phản ứng. Những người vô cảm mới không phản ứng trước những chuyện đó", ông Tiếng nói.

Người được xem là "Bí thư Hoàng Sa" phân tích, khi phản ứng thì mình phản ứng bằng một "đẳng cấp" văn hóa người Việt, chứ không nên phản ứng theo kiểu người Trung Quốc.

Vì rõ ràng đẳng cấp văn hóa là khác nhau. Đặc biệt đối với thành phố như Đà Nẵng đang hướng tới một thành phố văn minh, hiện đại thì không thể không phản ứng đối với những hành vi xúc phạm đến danh dự người Việt, luật pháp người Việt.

Đặc biệt những hành vi đe dọa đến chủ quyền an ninh quốc gia của Việt Nam. Nhưng phản ứng của chúng ta vừa quyết liệt vừa có một đẳng cấp văn hóa.

Ông Bùi Văn Tiếng: "Làm sao để người Việt thấy được Tổ quốc là trên hết, họ biết cân nhắc lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc". Ảnh: Hoàng Tuấn
Ông Bùi Văn Tiếng: "Làm sao để người Việt thấy được Tổ quốc là trên hết, họ biết cân nhắc lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc". Ảnh: Hoàng Tuấn

"Đối với một số sự việc người Trung Quốc vừa qua như phản ánh của báo chí đã làm cho phản ứng người Việt bùng cháy như đốt tiền Việt ở trong quán bar, hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử của nước Việt, tiêu đồng Nhân dân tệ…những việc này là trái pháp luật. Một người Việt Nam tự trọng bao giờ cũng phản ứng trước những việc này.​

Việc hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam và Đà Nẵng vừa qua mà báo chí đưa tin tôi nghĩ chắc ít so với thực tế. Vì không phải lúc nào mình cũng có người am hiểu tiếng Trung để nghe được.

Nên việc đầu tiên phải căn cứ vào các đoạn video, băng ghi âm…để xác định nội dung.

Khi có chứng cứ thuyết phục thì phải xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam.

Nhưng quan trọng nhất là phải ngăn chặn cho bằng được tệ nạn hướng dẫn viên du lịch “chui” bất kỳ quốc tịch nào, chứ không chỉ Trung Quốc", ông Tiếng nhìn nhận.

Nói rồi, ông Tiếng cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta phải vận động, rồi có giải pháp để chế tài, hạn chế đến mức thấp nhất những người Việt đang tiếp tay cho những hành động sai trái của một số du khách cũng như một số hướng dẫn viên du lịch bất hợp pháp của Trung Quốc.

Ngoài ra, lực lượng Công an cũng phải được trang bị tiếng Trung để có thể hoạt động nghiệp vụ trong những khu vực có khách Trung Quốc. Nếu chỉ  một hướng dẫn viên người Việt bình thường nhiều khi lại không có nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, bắt quả tang.

"Hiện nay đã phát hiện được 3 nơi là Nha Trang, Hội An và Đà Nẵng có hiện tượng như vậy. Rõ ràng đã có hệ thống từ các hướng dẫn viên, từ các du khách Trung Quốc chứ không phải bột phát ở một nơi nào đó.

Để dẹp tình trạng này, tôi cho rằng phải dùng cung đường quản lý xuất nhập cảnh. Nếu thường xuyên cập nhật, theo dõi sát sao thì sẽ thấy các trường hợp “có vào mà chưa có ra”.

Những người ở dài ngày, ở lâu mà chưa xuất cảnh, tần số xuất hiện, ra vào liên tục ở một điểm du lịch…chắc chắn không phải là du khách đi du lịch đơn thuần được.

Phải quản lý nhà hàng, khách sạn một cách tích cực hơn, thường xuyên kiểm tra để phát hiện những vấn đề vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh", ông Tiếng nói.

Để nhận biết những hướng dẫn viên du lịch "chui" người Trung Quốc, theo ông Tiếng không có gì khó.

Tại các tụ điểm du lịch, nếu một người dân bình thường không biết tiếng Trung, nhưng khi nghe một người nào đó trong đoàn khách Trung Quốc nói rất nhiều giữa đám đông, chỉ trỏ…thì sẽ biết đó là hướng dẫn viên du lịch “chui”.

Tuy nhiên, để phát hiện những thuyết minh sai trái của hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc thì cần phải có một trình độ ngoại ngữ mới nghe được.

"Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần đồng bộ với nhau để xử lý được điều này.

Làm sao để người Việt thấy được Tổ quốc là trên hết, họ biết cân nhắc lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc", ông Tiếng nói.

HOÀNG TUẤN