Phó GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc HN nêu điều kiện để trường được bổ sung cấp học

26/04/2024 06:33
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo ông Phạm Quốc Tuyến trường liên cấp là loại hình đào tạo liên thông, mới xuất hiện do vậy trong các quy hoạch được duyệt trước đây chưa được xác định.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, thu nhập và chất lượng cuộc sống nâng cao, nhiều gia đình có xu hướng cho con theo học ở các trường tư thục liên cấp để có các chương trình giáo dục toàn diện cũng như thuận tiện cho việc chuyển cấp. Dù mức học phí cao hơn nhưng đổi lại, học sinh được học trong môi trường tiên tiến, chú trọng học ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, khuyến khích học sinh thể hiện năng lực cá nhân… là lý do khiến phụ huynh không tiếc đầu tư cho con.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số hệ thống giáo dục tư thục ở Hà Nội phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện thủ tục xin cấp phép, mở rộng quy mô đào tạo từ một cấp học sang liên cấp khá phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

hs-dtd-1.jpg
Nhiều hệ thống giáo dục gặp khó khăn khi chuyển từ trường một cấp học sang trường liên cấp vì phải thay đổi quy hoạch vùng. (Ảnh: website Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm)

Mô hình trường liên cấp chưa được xác định trong các quy hoạch đã duyệt

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục cần căn cứ theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.

Cụ thể: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011: Xác định định hướng phát triển mạng lưới giáo dục phổ thông.

Quy hoạch phân khu xác định hệ thống các trường học phổ thông gồm các cấp học:

Trường tiểu học, trung học cơ sở (cấp 1,2): được bố trí tại cấp đơn vị ở đảm bảo quy mô và bán kính phục vụ trong đơn vị ở.

Trường trung học phổ thông (cấp 3): bố trí tại vị trí có đủ quỹ đất và với quy mô đảm bảo đủ phục vụ cho học sinh trong khu ở.

Nhà trẻ - mầm non: xác định tại các Quy hoạch chi tiết cho các nhóm nhà ở.

“Như vậy, các quy hoạch đã xác định vị trí các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường liên cấp là một loại hình đào tạo liên thông, mới xuất hiện do vậy trong các quy hoạch được duyệt trước đây (Quy hoạch phân khu được duyệt từ 2012-2015) chưa được xác định, dẫn đến việc các trường đang có đề xuất bổ sung thêm cấp học sẽ phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch có liên quan. Quy hoạch được duyệt là cơ sở để triển khai dự án đầu tư xây dựng”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Quoc Tuyen.jpg
Ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: kinhtedothi.vn )

Quy trình, thủ tục điều chỉnh quy hoạch

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch là bộ môn khoa học mang tính dự báo, do đó cũng có trường hợp thực tế phát triển có thay đổi (tăng hoặc giảm), nội dung thay đổi sẽ được đánh giá để làm cơ sở xem xét việc có hay không được điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật.

“Điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt được phép và được thực hiện đối với các trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị (Điều 47), Luật Xây dựng (Điều 35).

Quy trình điều chỉnh thực hiện theo trình tự tại các Điều 51 (Luật Quy hoạch đô thị) và Điều 39 (Luật Xây dựng)", ông Phạm Quốc Tuyến thông tin.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định với các trường hiện nay có thể bố trí bổ sung cấp học nếu đủ các điều kiện:

Đáp ứng yêu cầu về diện tích đất, đảm bảo chỉ tiêu m2 đất/học sinh sau Điều chỉnh quy hoạch không dưới quy định tại quy hoạch được duyệt, phù hợp quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn thiết kế.

Không giảm quy mô đào tạo của cấp học đang có (đã được xác định theo quy hoạch được duyệt cũng như quy định chuyên ngành giáo dục đào tạo).

Các trường học có nhu cầu bổ sung liên cấp cần kiểm tra rà soát theo các quy định nêu trên và đủ điều kiện cần làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, ông Phạm Quốc Tuyến cũng cho biết thêm, phải xem xét theo điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục mới có thể cân nhắc có điều chỉnh quy hoạch được hay không.

Thủ tục hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch theo Quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng quy định về Hồ sơ nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và Quy hoạch nông thôn.

Thời gian thực hiện được quy định tại Điều 2, Thời gian lập quy hoạch đô thị tại Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

Thông tin về hồ sơ các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, các trường liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn thực hiện: Các sở ngành (Sở Giáo dục và Đào tạo, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường...) và chính quyền địa phương.

Điều 51, Luật Quy hoạch đô thị quy định về trình tự tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị như sau:

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm sau đây:

a) Lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị;

b) Tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị theo quy định tại Mục 2 Chương II của Luật này.

2. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Luật này thẩm định về các căn cứ, điều kiện và nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

3. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị.

Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị phải có các nội dung điều chỉnh và bản vẽ kèm theo.

4. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch những nội dung điều chỉnh. Nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị phải được công bố công khai theo quy định tại Điều 53 của Luật này.

Điều 39, Luật Xây dựng quy định trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nêu, cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm sau đây:

a) Lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng;

b) Tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Luật này.

2. Cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này thẩm định về các căn cứ, điều kiện và nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

3. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng xem xét quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng.

Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng phải có các nội dung điều chỉnh và bản vẽ kèm theo.

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch những nội dung điều chỉnh. Nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng phải được công bố công khai theo quy định tại các Điều 40, 41, 42 của Luật này.

Điều 2, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng quy định:

1. Thời gian lập quy hoạch chung đô thị:

a) Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chung không quá 03 tháng, thời gian lập đồ án không quá 15 tháng;

b) Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới, thời gian lập nhiệm vụ không quá 02 tháng và thời gian lập đồ án không quá 12 tháng;

c) Đối với thị trấn, thời gian lập nhiệm vụ không quá 01 tháng và thời gian lập đồ án không quá 09 tháng.

2. Thời gian lập quy hoạch phân khu: đối với lập nhiệm vụ không quá 01 tháng và thời gian lập đồ án không quá 09 tháng.

3. Thời gian lập quy hoạch chi tiết: đối với lập nhiệm vụ không quá 01 tháng và thời gian lập đồ án không quá 06 tháng.

4. Thời gian lập đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật không quá 9 tháng.

5. Thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch được tính kể từ ngày ký kết hợp đồng tư vấn giữa cơ quan tổ chức lập quy hoạch hoặc chủ đầu tư với tổ chức tư vấn lập quy hoạch. Thời gian lập đồ án quy hoạch được tính kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Trường hợp việc lập nhiệm vụ quy hoạch và lập đồ án quy hoạch do hai pháp nhân khác nhau thực hiện thì thời gian lập đồ án được tính từ ngày ký kết hợp đồng tư vấn.

Nhật Lệ