Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Ông Vũ Mão trăn trở về việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao

18/12/2012 06:37
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Theo tôi, việc này phải có quy trình, phải có thời gian thì mới làm rõ được và nhân dân nên được biết điều đó. Điều này là vô cùng có lợi cho công tác tuyên truyền. Và tất cả những việc này sẽ hạn chế việc kéo bè kết cánh khi lấy phiếu tín nhiệm", ông Vũ Mão nói. 
Công bằng...

Trong trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, trước ý kiến e ngại có thể xảy ra việc bỏ phiếu theo phong trào, thiếu sâu sát, ông Vũ Mão nói: “Theo tôi, việc đó dễ xảy ra lắm bởi vì như tôi đã nói, đúng ra là phải để cho đương sự - những người trong số 49 người tới đây sẽ được lấy phiếu tín nhiệm trình bày việc thực hiện công tác trong thời gian vừa qua. Báo cáo đó sẽ gồm: đã làm được gì và chưa làm được gì, việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội trong các lần trả lời chất vấn trước Quốc hội...

Muốn bỏ phiếu chính xác thì các đại biểu Quốc hội cần hiểu biết rất rõ về 49 vị được xem xét. Nhưng, do sợ mất thời gian mà cách làm bị rút gọn thì e rằng các vị đại biểu không nắm được hết thông tin về người mà mình bỏ phiếu. Mà đã không nắm hết được thông tin thì e rằng sẽ dễ cảm tính". 

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: vtc.vn)
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: vtc.vn)

Ông Mão đề nghị: "Cần đổi mới cách tiếp xúc của cử tri để cho đại biểu Quốc hội nắm được nhiều hơn nữa các vấn đề bức xúc của người dân, từ đó đem về phản ánh, chất vấn và phân tích ở nghị trường. Có vậy mới thấu tình đạt lý, một vị nào đó bị tỷ lệ phiếu thấp cũng không đến nỗi cảm thấy oan ức.

Cần dành thời gian thoả đáng cho đương sự - những người được lấy phiếu tín nhiệm có cơ hội giãi bày những khó khăn trong quá trình làm việc cũng như làm rõ những vấn đề mà dư luận nêu lên. Vấn đề đúng thì tiếp thu, vấn đề không đúng thì được minh oan. Đó là sự công bằng. Việc này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, có người cho rằng, trình bày ra và tranh luận với nhau là làm mất uy tín. Nhưng thông qua hoạt động chất vấn công khai gần 20 năm vừa qua đã chứng minh rằng không phải vậy. Đó là dịp để củng cố niềm tin vào vào chế độ, thể hiện tính dân chủ, khách quan và minh bạch”. 

Ông Mão liên hệ: “Tôi muốn được nhắc lại, việc này cũng như việc phát thanh, truyền hình trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn trong những năm vừa qua: Khi mới bắt đầu, không ít người đã tỏ ra hoài nghi, thậm chí là khó chịu. Nói thật ra, trước hết là một số thành viên của Chính phủ, các vị đó có tâm trạng rằng: Đã làm việc vất vả lắm rồi mà lại còn đem nhau ra mà tra hỏi! 

Là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đồng thời là Trưởng đoàn Thư ký tôi hết lòng gắn bó và chân thành tìm đến các đồng chí của mình để động viên họ không nên khó chịu, không nên buồn phiền, mà nên coi đây là một sinh hoạt dân chủ trong đất nước của chúng ta. Hơn nữa phải rất phấn khởi vì coi đây là cơ hội để được trình bày và làm cho cử tri hiểu đầy đủ hơn về công việc của ngành mình phụ trách. Khi được giải toả về tâm lý, nhiều đồng chí đã vui vẻ trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, giải quyết được nhiều việc. Đại biểu Quốc hội và cử tri hài lòng". 

"Tôi nghĩ, mục đích của chúng ta là giúp cho những người có trách nhiệm mà cụ thể là 49 vị được lấy phiếu tín nhiệm nhận thức đúng về mình, hiểu đúng về mình, thấy được mặt tốt và mặt chưa tốt, thấy được sự trân trọng của các vị đại biểu Quốc hội mà cũng là đại diện của cử tri cả nước để mình cố gắng, khiêm tốn hơn nữa.

Và đương nhiên có chuyện ai không làm tròn trách nhiệm thì thôi đi, không làm nữa. Đó là chuyện thường tình, đối với các nước trên thế giới, họ coi việc này nhẹ nhàng lắm. Qua cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, các buổi tranh luận giữa hai ứng cử viên cho chức Tổng thống đã cho thấy điều đó. 

Có ý kiến cho rằng, có thể xảy ra việc kết bè kéo cánh khi lấy phiếu tín nhiệm. Tôi cho rằng có thể có điều đó, vì thế trong chỉ đạo cần cẩn trọng", ông Vũ Mão nêu.

"Nên truyền hình trực tiếp để dân theo dõi"

Để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, theo ông Mão, chúng ta cần quan tâm đến mấy việc: Thứ nhất là công tác cán bộ trước hết thuộc về thẩm quyền của Đảng, việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm thì cần phải chủ động phối hợp Đảng một cách chặt chẽ, hài hòa chứ không thì lợi bất cập hại.

Đảng lãnh đạo, thì trong công tác cán bộ, Đảng tạo điều kiện cho Quốc hội phát huy vai trò của mình. Qua đó, Quốc hội giúp Đảng nhìn nhận cán bộ một cách khách quan, sáng suốt.

"Theo tôi, đây là cơ hội rất tốt, nếu chúng ta nhìn nhận đúng vấn đề và có sự phối hợp tốt", ông Vũ Mão khẳng định.

Thứ hai là quy trình, thủ tục phải hợp lý, chặt chẽ có trước, có sau theo đúng quy định mà làm.

Thứ ba là công tác thông tin tuyên truyền rất quan trọng nên chỗ này phải tính tới. Bởi qua việc lấy phiếu tín nhiệm, không phải là cán bộ có được số phiếu cao thì người ấy là tuyệt đối tốt. Thực ra, con người ta có được 7 phần ưu, 3 phần nhược là tốt lắm rồi. Vậy thì việc công khai thông tin sẽ giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có cơ hội  nhận ra những nhược điểm của mình để khắc phục, sửa chữa kịp thời.

"Theo tôi, việc này phải có quy trình, phải có thời gian thì mới làm rõ được và nhân dân nên được biết điều đó. Điều này là vô cùng có lợi cho công tác tuyên truyền. Và tất cả những việc này sẽ hạn chế việc kéo bè kết cánh khi lấy phiếu tín nhiệm".

Điều rất cần thiết là, từng đại biểu Quốc hội cần được biết về người do mình bầu hoặc phê chuẩn và được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Chỉ có thế, đại biểu Quốc hội mới đủ căn cứ báo cáo với cử tri một cách tường tận việc lấy phiếu tín nhiệm đã diễn ra như thế nào và đạt hiệu quả đến đâu. Theo tôi, tốt nhất là, quá trình lấy phiếu tín nhiệm được truyền hình trực tiếp cho dân theo dõi. Qua việc này, các đại biểu Quốc hội cũng phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình. Đó cũng là mong muốn của nhân dân”, ông Vũ Mão chia sẻ. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang