Tư bản đặt ra luật để trừng trị công nhân và nhân dân lao động

19/05/2017 08:10
THU HƯƠNG
(GDVN) - Mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân, phải phục vụ cho lợi ích của đa số nhân dân lao động.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017, tác giả Trần Thị Thu Hương (Đại học Luật Hà Nội) gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích về quá trình hình thành tư tưởng nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Ngay từ những bước đi đầu tiên của chính quyền mới - chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gắn bó với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không chỉ là người sáng lập mà trong suốt một phần tư thế kỷ, với vai trò là Chủ tịch, nguyên thủ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tiếp xúc với nền văn minh phương Tây trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã nhận thấy rằng việc quản lý xã hội bằng pháp luật là hình thức quản lý dân chủ, tiến bộ nhất.

Nhà nước dân chủ là nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Từ đó hệ thống quan điểm về nhà nước pháp quyền được hình thành trong tư tưởng của Bác.

“Đó là nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Mục tiêu của nhà nước pháp quyền trên thực tế là yêu cầu các cơ quan nhà nước, kể cả các cấp cao nhất đều phải đặt mình dưới Hiến pháp.”[1].

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc cùng với các nhà yêu nước khác như luật sư Phan Văn Trường hoạt động ở Pháp… viết bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”.

Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi đến hội nghị Véc-xai – Oa-sinh-tơn bao gồm 8 điểm, nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho người dân An Nam.

Trong đó, đáng chí ý là điểm thứ 7: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” và điểm thứ 8: “Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bàu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ” [2].

Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã diễn đạt "yêu sách" này dưới hình thức văn vần và nâng cao hơn về tính tư tưởng:

"Bảy xin Hiến pháp ban hành,

Trăm đều phải có thần linh pháp quyền" [3]

Như vậy, có thể thấy Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến một phương diện hết cơ bản về đời sống pháp luật của một đất nước đó là sự dân chủ hóa hoạt động lập pháp.

Người thừa nhận, xã hội cần có pháp luật và pháp luật

Tư bản đặt ra luật để trừng trị công nhân và nhân dân lao động ảnh 1

Nhân cách Hồ Chí Minh - Ánh sáng con đường cứu nước

phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. 

Qua những tác phẩm và những lời dạy của Người về tổ chức và hoạt động của nhà nước, chúng ta thấy rõ một quan điểm hoàn chỉnh trong tư tưởng của Người về pháp luật.

Người viết: “Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình.

Luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân… Phong kiến đặt ra luật để trừng trị nông dân.

Tư bản đặt ra luật để trừng trị công nhân và nhân dân lao động.

Luật pháp của chúng ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động”[4].

Điều đó có nghĩa là trong tư tưởng của Người, mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân, phải phục vụ cho lợi ích của đa số nhân dân lao động.

Pháp luật không phục vụ cho thiểu số những người có quyền và cũng không phải là công cụ để giai cấp cầm quyền sử dụng nó nhằm mục đích đè nén, áp bức người lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghĩa vụ công dân tham gia bầu cử Quốc hội khóa II - Ảnh: Tư Liệu đăng trên Báo điện tử Chinhphu.vn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghĩa vụ công dân tham gia bầu cử Quốc hội khóa II - Ảnh: Tư Liệu đăng trên Báo điện tử Chinhphu.vn.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu "phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" để nhân dân có quyền bầu ra một nhà nước của dân.

Trên tinh thần đó, ngày 6/1/1946, tổng tuyển cử được tiến hành và Quốc hội đầu tiên ra đời - một cơ quan đại diện cho dân, có quyền ban hành luật và giám sát việc chấp hành luật.

Đây là sự kiện quan trọng thể hiện việc hiện thực hoá một bước ý tưởng pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo đuổi.

Sau khi được thiết lập, Quốc hội tích cực bắt tay soạn thảo Hiến pháp - đạo luật có giá trị cao nhất trong Nhà nước pháp quyền.

Ngày 9/11/1946, Hiến pháp dân chủ đầu tiên được thông qua, đặt nền tảng cho việc quản lý nhà nước bằng luật.

Đây là một bản Hiến pháp mang đậm dấu ấn tư tưởng pháp quyền, thể hiện ở cơ cấu tổ chức nhà nước có sự phân công và phối hợp hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; ở việc bảo đảm quyền con người; ở sự đề cao vai trò của Hiến pháp và luật trong đời sống xã hội...

Tuy vậy, Hiến pháp năm 1946 ra đời được hơn 1 tháng thì đất nước phải bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc (19-12-1946). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn buộc phải sử dụng các sắc lệnh để điều hành cuộc kháng chiến.

Khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc (1954), mặc dù đất nước tiếp tục có chiến tranh, song Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm chỉ đạo xây dựng luật và điều hành quản lý xã hội theo luật.

Song cũng phải khách quan thấy rằng, do sự chi phối của quy luật chiến tranh, nên Nhà nước chưa thể quản lý nhà nước bằng luật như trong thời bình.

Sau mấy năm hoà bình, khôi phục và phát triển về mọi mặt, miền Bắc đã có những thay đổi to lớn, đủ những tiền đề để chuyển sang một giai đoạn cách mạng mới. Trong điều kiện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Hiến pháp năm 1946- Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó.

Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy" [5].

Ngày 23/1/1957, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1946.

Đề nghị của Người đã được Quốc hội chấp thuận và một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Trưởng ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Ngày 27/2/1957, trong phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những tư tưởng chỉ đạo như sau:

Bản Hiến pháp chúng ta thảo ra sẽ là một bản Hiến pháp phát huy tinh thần của Hiến pháp 1946, đồng thời phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại.

Phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta.

Nó sẽ là một bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên Chủ nghĩa xã hội.

Nó phải là một bản Hiến pháp bảo đảm được các quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh và do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng” [6].

Qua nội dung của bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được hiện thực hóa trong thực tiễn. Hiến pháp 1959 đã quy định rất rõ:

“Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo hiến pháp và pháp luật”[7].

Với tính tối thượng của hiến pháp, không một cá nhân, tổ chức nào được đặt mình trên Hiến pháp, không một văn bản luật nào được trái với Hiến pháp. Đó là sự đảm bảo cao nhất của một nhà nước pháp quyền.

Lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của dân, do dân, vì dân. Lý luận và thực tiễn. Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2010, tr.98

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.436

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.438

[4] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.185

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr.585

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính  trị quốc gia, Hà Nội, 1996, T.8, tr.322

[7]. Hiến pháp Việt Nam năm 1959, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.33

THU HƯƠNG