Các bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị có thể trở nên kháng trị và lây lan khắp thế giới.
Điều này đã bắt đầu xảy ra, báo cáo giám sát toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy tình trạng đề kháng kháng sinh đã xảy ra ở khắp mọi nơi và có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ quốc gia nào nếu không triển khai có hiệu quả chương trình hành động chống lại tình trạng đề kháng kháng sinh.
Dưới đây là 10 vấn đề và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới liên quan đến tình trạng đề kháng kháng sinh:
1) Đề kháng kháng sinh là gì?
Đề kháng kháng sinh là khả năng của một vi sinh vật (vi trùng, vi-rút và một số ký sinh trùng) ngăn chặn tác dụng của một thuốc chống lại nó (như kháng sinh, thuốc kháng vi-rút và thuốc chống sốt rét). Hậu quả là, các phương pháp điều trị chuẩn trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh vẫn tồn tại và có thể lan sang người khác.
2) Kháng thuốc là một vấn đề toàn cầu
Trong những năm qua, việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm tăng số lượng và chủng loại vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, nhiều bệnh truyền nhiễm có thể một ngày nào đó sẽ trở nên không kiểm soát được. Với sự phát triển của thương mại và du lịch toàn cầu, các vi sinh vật kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.
3) Tại sao vi khuẩn kháng thuốc
Kháng thuốc là một hiện tượng tiến hóa tự nhiên. Khi vi sinh vật được tiếp xúc với một kháng sinh, hầu hết các sinh vật sẽ chết, nhưng vẫn để lại vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Sau đó, tình trạng đề kháng của những vi khuẩn này sẽ truyền lại cho các thế hệ con, cháu của chúng.
4) Sử dụng kháng sinh không thích hợp làm trầm trọng thêm khả năng kháng thuốc
Việc sử dụng kháng sinh không thích hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển tình trạng kháng thuốc. Dùng kháng sinh quá liều, không đủ liều, dùng sai chỉ định đều góp phần làm nặng thêm tình trạng kháng thuốc. Để đảm bảo bệnh nhân được sử dụng kháng sinh đúng liều lượng kháng sinh thích hợp đòi hỏi phải có hành động từ người kê đơn, dược sĩ và người phân phối thuốc, ngành dược phẩm, cộng đồng và người bệnh, cũng như các nhà hoạch định chính sách.
5) Thiếu thuốc có chất lượng góp phần làm gia tăng tình trạng kháng thuốc
Một số nước có hệ thống kiểm chuẩn đảm bảo chất lượng thuốc còn yếu. Điều này có thể dẫn đến tồn tại các loại thuốc có chất lượng kém, làm người bệnh không nhận được nồng độ thuốc tối ưu khi sử dụng, do đó tạo điều kiện cho sự kháng thuốc phát triển. Ở một số nước, do nguồn cung cấp kháng sinh không đủ, người bệnh không được sử dụng thuốc theo đúng lộ trình điều trị hoặc phải tìm giải pháp thay thế có thể bao gồm các loại thuốc không đạt chuẩn.
Việt Nam đang nổ lực để triển khai chiến lược phòng chống kháng thuốc. Ảnh minh họa. |
6) Chăn nuôi là một nguồn đề kháng kháng sinh
Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc để thúc đẩy tăng trưởng hoặc ngăn ngừa bệnh tật có thể dẫn đến vi sinh vật kháng thuốc, và có thể lây lan sang người.
7) Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn kém càng làm nặng tình trạng kháng thuốc
Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn kém có thể làm tăng sự lây lan của các vi khuẩn kháng thuốc. Bệnh nhân nhập viện là một trong những hồ chứa chính của vi sinh vật kháng thuốc. Bệnh nhân mang mầm bệnh kháng thuốc có thể hoạt động như một nguồn lây nhiễm cho người khác.
8) Hệ thống giám sát đề kháng kháng sinh yếu góp phần vào sự lây lan kháng thuốc
Trong khi hệ thống giám sát sự xuất hiện của lao và HIV kháng thuốc đang được cải thiện, hiện tại có rất ít mạng lưới được thành lập và thường xuyên thu thập, báo cáo các dữ liệu liên quan về đề kháng kháng sinh. Một số quốc gia thiếu các cơ sở xét nghiệm có thể xác định chính xác các vi sinh vật kháng thuốc. Điều này làm suy yếu khả năng phát hiện sự xuất hiện của vi sinh vật kháng thuốc để có những hành động phù hợp.
9) Kháng sinh mới để chống lại tình trạng kháng thuốc đang cạn kiệt
Các thuốc kháng sinh và thuốc chống ký sinh trùng hiện có, và, ở mức độ thấp hơn, các loại thuốc kháng vi-rút đang mất dần hiệu lực do tình trạng kháng thuốc. Đồng thời, không đủ đầu tư nghiên cứu để phát triển thêm các loại kháng sinh mới.
Tương tự, không đủ nghiên cứu mới về chẩn đoán để phát hiện vi sinh vật kháng thuốc; và vắc-xin mới để phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng. Nếu xu hướng này tiếp tục, kho vũ khí của các công cụ chống lại vi sinh vật kháng thuốc sẽ sớm bị cạn kiệt.
10) Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi tất cả các bên liên quan chống lại tình trạng kháng thuốc
Các mối đe dọa từ kháng thuốc đang gia tăng, cần phải có hành động khẩn cấp, mọi người phải cùng tham gia. Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 68 (5/2015) đã thông qua một kế hoạch hành động toàn cầu phòng ngừa đề kháng kháng sinh.
Mục tiêu của kế hoạch hành động toàn cầu là để đảm bảo duy trì điều trị thành công và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm với các loại thuốc hiệu quả và an toàn, được đảm bảo chất lượng, được sử dụng một cách có trách nhiệm và mọi người dân có thể tiếp cận được khi cần.
Mỗi nước phát triển kế hoạch hành động quốc gia để giúp đạt được các mục tiêu kế hoạch hành động toàn cầu.
Cho đến nay, 79 nước đã có kế hoạch hành động và hơn 49 nước đang trong quá trình xây dựng kế hoạch.
Theo một thống kê năm 2017, giai đoạn 2009 - 2017, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam được bán tại cộng đồng đã tăng gấp 2 lần; trong đó 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ lên đến 91%. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh cao tại các bệnh viện, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở các bệnh viện tuyến Trung ương chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, bệnh viện tuyến huyện là 45%. Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Việt Nam đã triển khai chiến lược phòng chống kháng thuốc của WHO với khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”. Bộ Y tế cũng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc từ năm 2013. Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc năm 2017 đến 2020. Nhóm này có nhiệm vụ đánh giá, giám sát về tình trạng kháng thuốc và đưa ra giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp. |