10 mẹo nhỏ giúp mắt khỏe cho người thường xuyên dùng máy tính

12/08/2013 12:34
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Một vài “mẹo” nhỏ sau đây sẽ giúp bạn tránh khỏi những ảnh hưởng không tốt đến mắt khi sử dụng máy tính thường xuyên được tham khảo từ website benh.vn và website Phụ nữ online.
1. Giảm lượng bức xạ từ màn hình

Ánh sáng chói và ánh sáng phản xạ từ màn hình máy tính chiếu trực tiếp vào mắt sẽ khiến mắt chúng ta khó chịu và căng thẳng. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa mắt thường khuyên rằng, để giảm lượng bức xạ từ màn hình, vị trí màn hình máy tính nên được đặt cách mắt 50 đến 60 cm hoặc bạn cũng có thể điều chỉnh độ sáng màn hình cho vừa phải, hoặc đặt thêm kính lọc cho màn hình. Sử dụng màn hình tinh thể lỏng (LCD) mới cũng tốt hơn cho mắt của bạn

2. Tránh làm việc trong phòng tối

Làm việc trong phòng tối sẽ làm cho mắt bạn mệt mỏi vì mắt phải điều tiết theo độ sáng của màn hình và bóng tối xung quanh. Theo các chuyên gia, nếu làm việc với máy tính hay đọc sách điện tử, bạn nên ngồi trong phòng sáng, tốt nhất là nơi có ánh sáng tự nhiên.


3. Đừng ngồi mãi một chỗ

Giữ đầu và cổ ở một vị trí quá lâu, nhất là khi bạn làm việc với máy tính hay sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, thường dẫn đến đau nhức ở cổ hoặc đầu. Hãy điều chỉnh màn hình ngang với tầm mắt và ngồi thẳng lưng, không nên ngồi mãi một chỗ. Thỉnh thoảng bạn nên đứng lên, đi lại trong khi làm việc, hoặc ngồi tập với một quả banh lớn để giúp các cơ bắp hoạt động.

4. Đo khám mắt

Nếu mắt bạn đọc không rõ chữ trên màn hình, có thể gây căng thẳng cho mắt hoặc đau đầu. Trước hết, cần đảm bảo đặt màn hình cách mắt 50-60cm, để mắt bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Nếu các vấn đề về mắt vẫn còn, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về mắt.

Những người thường xuyên tiếp xúc với máy tính và công nghệ thông tin, dễ bị nguy cơ tật khúc xạ và cần phải đo khám khúc xạ để chọn loại kính mắt phù hợp.

5. Dùng nước mắt nhân tạo

Những người 40 tuổi trở lên rất hay gặp triệu chứng khô mắt khi làm việc thường xuyên với máy tính. Theo các chuyên gia, thói quen nhìn chằm chằm vào màn hình hoặc trong khi đọc sách, tạp chí, ít khi chớp mắt sẽ khiến mắt dễ bị khô. Bạn nên dùng nước mắt nhân tạo để tránh tình trạng khô mắt, và để mắt nghỉ ngơi, tránh nhìn màn hình mỗi 20 phút.

6. Áp dụng quy tắc 20-20-20

Sau khi sử dụng máy tính trong nhiều giờ, mắt bạn thường mệt mỏi vì các cơ phải hoạt động liên tục để nhận biết và quan sát nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Theo các chuyên gia tư vấn, bạn nên áp dụng quy tắc 20-20-20: đó là cứ sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó trong 20 giây ở cách xa 20 feet (khoảng 6m). Sự nghỉ ngơi này sẽ giúp mắt và hệ thần kinh được thư giãn.

7. Không nhìn màn hình trước khi đi ngủ

Con người chúng ta đã được “lập trình” để hoạt động vào ban ngày và ngủ nghỉ vào ban đêm. Theo các bác sĩ, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trước khi đi ngủ sẽ kích thích tinh thần và gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Tốt nhất nên tắt máy tính, tivi và điện thoại ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để bạn cảm thấy dễ ngủ và ngủ.


8. Chớp mắt

Chớp mắt là để nước mắt tiết ra, giữ cho mắt ướt. Điều này rất quan trọng nếu bạn đeo kính áp chòng.

9. Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt

Các chất dinh dưỡng tốt nhất cho mắt chính là vitamin A, B, kẽm, beta carotene, crom, selen… Chúng không chỉ có tác dụng làm máu lưu thông dễ dàng, ngăn ngừa sự mệt mỏi, khô rát mà còn giúp đôi mắt khỏe hơn, sáng hơn và giúp ổn định thị lực nữa. Vì vậy, bạn nên ăn nhiều các thực phẩm như cà rốt, bí đỏ, trứng gà, sữa, thịt bò, thịt gà, rau dền, rau ngót, nấm, thủy hải sản…

Bên cạnh đó, chúng mình cũng cần hạn chế sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá, và nhất là hạn chế ăn nhiều đồ ngọt. Ngoài ra, việc ăn nhiều chất ngọt sẽ khiến các vitamin B bị hủy hoại và gây ảnh hưởng không tốt đến đôi mắt của bạn đó!

10. Chăm sóc tốt cho đôi mắt

Theo lời khuyên của bác sĩ, nếu bạn chỉ bị cận dưới 0,75 độ thì không cần đeo kính thường xuyên, còn từ 1 - 2 độ thì chỉ nên đeo kính khi nhìn các vật ở xa nhằm hạn chế sự điều tiết của mắt. Bên cạnh đó, việc đeo kính cũng cần được sự tư vấn của bác sĩ và phải được đo khám chi tiết, cẩn thận.

Vì sự điều tiết của mắt cận thường chậm chạp và yếu hơn nên bạn cần tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt hoặc làm việc trong bóng tối. Nếu phải thức khuya, làm việc thường xuyên với cường độ lớn, đôi mắt của bạn sẽ phải chịu áp lực rất nặng nề. Do đó, bạn cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Sau thời gian hoạt động liên tục từ 45 – 60 phút, cần để cho đôi mắt được thư giãn với những bài tập vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả như nhắm mắt thư giãn, nhìn qua cửa sổ, nhìn tập trung vào một vật bất động dưới ánh sáng, nhìn vào bầu trời trong xanh khoảng 5 phút…


Liễu Phạm (Tổng hợp)