Cắn móng tay
Bạn cắn móng tay khi đang sợ hãi vì xem một bộ phim kinh dị, điều này không gây ra nhiều vấn đề.
Nhưng khi nó trở thành một thói quen thông thường trong cuộc sống của bạn, nó có thể khiến móng tay nham nhở, da ngón tay quanh đó bong tróc.
Nghiêm trọng hơn, mầm bệnh và vô số vi khuẩn từ miệng sẽ được truyền cho da,và ngược lại.
Vi khuẩn dưới móng tay cũng có điều kiện len vào khoang miệng, gây nhiễm trùng nướu và họng.
Vì vậy, hãy loại bỏ thói quen xấu này càng sớm càng tốt để đảm bảo vệ sinh cũng như sức khỏe.
Xoắn, xoay tròn lọn tóc
Xoắn và xoay một lọn tóc quanh ngón tay có thể dẫn đến tổn hại cho chân tóc theo thời gian - một bác sĩ da liễu có trụ sở tại thành phố New York cho biết.
Điều này có thể là nguyên nhân gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời cũng như các triệu chứng nhiễm trùng ở vùng da đầu khác.
Ngoài ra, thường xuyên kéo tóc có thể gây ám ảnh – một dấu hiệu của tình trạng kiểm soát xung động thần kinh được gọi là Trichotillomania, đòi hỏi phải được điều trị bằng tâm lý và thuốc men.
Bẻ khớp cổ
Nhiều người có thói quen bẻ các khớp ngón tay, ngón chân, khớp cổ hoặc vặn lưng khi rảnh hoặc mỏi mệt.
Hậu quả của việc bẻ khớp tay và khớp chân này là có thể làm bong khớp, khiến khớp to lên, gây xấu xí về thẩm mỹ.
Riêng những tác động vào cột sống cổ, cột sống lưng thì nguy hiểm hơn rất nhiều. Liên tục bẻ khớp có thể làm cho các dây chằng dễ bị tổn thương. Bạn có thể bị trật khớp cổ, thậm chí gãy xương sườn nếu vặn lưng quá mạnh.
Ngoài ra, tạo ra các chuyển động quá mức và thường xuyên có thể dẫn đến viêm khớp theo thời gian. Trong trường hợp hiếm, bẻ khớp cổ có thể gây ra một cơn đột quỵ.
Liên tục chạm vào khuôn mặt
Thường xuyên chạm vào khuôn mặt chính mình hay nặn mụn trứng cá có thể gây tổn thương cho tầng biểu bì trên cùng của da, tăng nguy cơ gây mụn.
Bên cạnh đó, việc nặn mụn có thể khiến vùng da mặt chảy máu, tạo những vết xước, để lại tổn thương vĩnh viễn bằng những vết sẹo trên khuôn mặt.
Vì vậy, đừng bóc mụn hoặc gãi mạnh vùng ngứa trên mặt. Hãy giải quyết chúng bằng cách nhẹ nhàng thoa các loại kem đặc trị và kem dưỡng ẩm cho da mặt.
Nghiến răng
Siết chặt và mài răng (nghiến răng) khi đang căng thẳng có thể tàn phá sức khỏe răng miệng của bạn nhanh chóng.
Hành động này có thể làm răng bị nứt vỡ, gây yếu chân răng, khiến cho khuôn mặt bị mất cân xứng và ảnh hưởng tới thẩm mĩ.
Nó cũng có thể dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm(TMJ) - tình trạng khớp giữa hàm trên và hàm dưới không còn hoạt động đúng và đồng đều.
Các nha sĩ cho biết: hầu hết mọi người nghiến răng khi bị stress, tuy nhiên các trường hợp đều cho kết quả của bệnh lý như răng lệch, mất răng hay xô lệch hàm.
Một số phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm chỉnh răng để cải thiện tình trạng, thậm chí là tiêm Botox vào các cơ miệng.
Ngậm kẹo cứng
Mút, ngậm kẹp cứng thường xuyên khiến răng liên tục tiếp xúc với đường – đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh sâu răng.
Vi khuẩn có trong miệng sinh sôi nảy nở nhờ đường có từ kẹo, tạo ra môi trường hoàn hảo để phát triển sâu răng.
Việc nhai lại kẹo cứng cũng có thể tăng nguy cơ gây tổn hại răng hoặc phục hình răng.
Tốt nhất, hãy ăn kẹo cứng trong mức độ kiểm soát với các loại kẹo lành mạnh, ít đường và axit để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Cắn và liếm môi
Khi cảm thấy lo lắng, nhiều người có thói quen liếm hay cắn môi. Hành động này khiến các enzyme hỗ trợ tiêu hóa len lỏi vào da môi và dẫn tới viêm niêm mạc môi, gây nứt môi.
Không chỉ vậy, cắn môi khi bị căng thẳng có thể gây ra sự phát triển của các khối u, có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ.
Nhay gò má bên trong khoang miệng
Giống như thói quen cắn móng tay, nhay gò má trong khoang miệng là biểu hiện của sự lo lắng, bất an.
Nhay gò má quá nhiều sẽ khiến vị trí đó sưng lên, bề mặt bên trong gồ ghề, cảm giác như có nhiều mụn thịt.
Hành động này lâu dần sẽ gây viêm nhiễm khoang miệng mãn tính, chảy máu, và để lại sẹo khó lành.
Cắn đuôi bút chì, bút mực
Khi băn khoăn điều gì đó, rất nhiều người thường cắn đuôi bút đang cầm sẵn trên tay. Tuy nhiên, vi khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi và đuôi bút cũng không phải là ngoại lệ.
Cắn đuôi bút vô tình dọn đường cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, bao gồm một số loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh nguy hiểm.
Mặt khác, cắn bút có thể gây tổn thương vùng nướu lợi hay các mô mềm trong khoang miệng.
Nhai kẹo cao su
Hành động nhai kẹo cao su và thổi phồng nó lên như thổi quả bóng, không chỉ gây khó chịu với những người xung quanh mà còn đẩy bạn vào nguy cơ mắc hội chứng rối loạn thái dương hàm (TMJ) do việc làm dụng các cơ hàm thường xuyên.
Ngoài ra, kẹo cao su còn gây ra vấn đề về tiêu hóa, chủ yếu do Sorbitol - một chất làm ngọt nhân tạo gây hội chứng ruột kích thích, nhuận tràng.
Nuốt không khí dư thừa trong khi nhai cũng làm tăng nguy cơ đầy hơi trong dạ dày, khiến chúng ta có cảm giác khó chịu.