13 thói quen bào mòn sức khỏe bạn mỗi ngày

08/06/2013 14:26
Mười Cân (TH)
(GDVN) - Trong cuộc sống thường nhật, có nhiều người biết tạo cho mình thói quen có lợi nhưng cũng có không ít người tạo cho mình thói quen có hại cho sức khỏe. Dưới đây là những thói quen mà nếu không điều chỉnh sẽ khiến sức khỏe bị bào mòn mỗi ngày.
1. Không ăn sáng

Bữa ăn sáng rất cần thiết trong mỗi con người của chúng ta, nếu không ăn sáng sẽ gây cảm giác đói, khiến cho cơ thể dễ mệt mỏi, nhức đầu, dẫn đến đường huyết thấp. Nếu không ăn sáng kéo dài dễ gây nên bệnh mạn tính như: viêm dạ dày, thiếu máu, cơ thể không đủ chất dinh dưỡng, mau lão hóa...

2. Ăn no xong uống nhiều nước

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một số người lúc bình thường không nghĩ đến uống nước, đợi sau khi ăn xong mới uống nước và uống nước nhiều một lúc, thói quen đó không có lợi, ảnh hưởng tiêu hóa, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Ăn quá no

Ăn quá no sẽ làm cho dạ dày căng quá mức, nhu động co bóp chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ, thức ăn không được tiêu hóa hết gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa, dẫn đến lão hóa.

4. Uống trà quá đặc

Trà đặc làm cho niêm mạc dạ dày co lại, chất protein bị kết tủa, đồng thời làm loãng dịch vị, ảnh hưởng đến tiêu hóa và việc hấp thụ chất sắt cho cơ thể. Ngoài ra trà đặc còn làm mất ngủ.

5. Uống rượu quá liều lượng 

Uống rượu quá liều lượng sẽ làm tổn thương đến gan, dạ dày; nếu uống rượu quá thường xuyên còn làm cho chất cồn tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc mạn tính, làm tê liệt thần kinh, gây rối loạn hệ thống trao đổi chất trong cơ thể, tăng nhanh sự lão hóa.

6. Thức ăn sống, chín để lẫn lộn

Một số người sáng ra đi chợ bỏ cả bánh mì, bánh bao và các đồ điểm tâm vào giỏ để lẫn với rau, cá, thịt sống đem về nhà. Làm như vậy không hợp vệ sinh chút nào, bởi lẽ trong giỏ đựng có rất nhiều vi khuẩn và các loại vi sinh vật, chúng sẽ lây nhiễm đan xen giữa thức ăn sống và chín, rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm đường ruột như viêm gan, kiết lỵ đều từ đó mà ra.


Để tránh sự ô nhiễm như vậy, trước khi mua đồ ăn bạn cần phải chuẩn bị riêng đồ đựng thức ăn chín.

7. Ngủ quá nhiều

Ngủ quá nhiều sẽ tăng gánh nặng cho trung khu ngủ của đại não, làm cho sự trao đổi sinh lý giảm xuống mức thấp nhất, đồng thời còn làm suy giảm các chức năng cảm giác, giảm độ căng cơ xương và khả năng miễn dịch, gây nên hàng loạt bệnh, đặc biệt là tuần hoàn máu chậm sẽ gây bệnh tim đột phát hoặc tai biến mạch máu não.

8. Đánh răng quá lâu

Đánh răng lâu có tác dụng làm sạch răng và khoang miệng, phòng ngừa bệnh sâu răng và viêm khoang miệng, tránh được bệnh viêm khớp, viêm thận... Tuy nhiên đánh răng quá lâu sẽ làm tổn thương chân răng, không có lợi cho sự phát triển của răng, thậm chí còn gây nên bệnh viêm chân răng.

9. Rửa mặt quá nhiều

Rửa mặt quá nhiều sẽ làm lớp màng bảo vệ da mặt bị phá hủy thường xuyên, khiến cho da bị kích thích nhiều hơn, dễ bị lão hóa. Vì vậy, khuyến cáo cho chị em phụ nữ nên có một chế độ rửa mặt thích hợp đó là mỗi ngày tốt nhất nên rửa mặt hai lần.


Bạn cũng nên chọn những sản phẩm làm sạch cho từng loại da như: da nhờn nên chọn loại sữa rửa mặt có nhiều bọt, da trung tính và da khô thì nên dùng những sản phẩm có chất tẩy rửa nhẹ, còn da nhạy cảm tốt nhất là sử dụng loại có tính chất giữ ẩm tốt hoặc chỉ rửa bằng nước

10. Tắm nước nóng và dùng xà phòng

Theo nghiên cứu, tắm nước nóng hàng ngày và dùng xà phòng rất có hại cho da. "Việc tắm rửa bằng nước nóng và xà phòng làm mất lớp dầu trên da, dẫn đến khô nứt da, thậm chí làm da nhiễm trùng", Tiến sĩ da liễu Nick Lowe (Đại học Y khoa, London, Anh) cho biết.

Vì thế các chuyên gia viện thẩm mỹ tại Austin khuyên nên tắm bằng nước mát (nước tự nhiên, không phải là nước nóng) sẽ giúp da đỡ khô hơn. Bên cạnh đó, nên dùng sữa tắm thay cho xà phòng vì sữa tắm vừa giữ ẩm tốt và làm da sạch hơn so với xà phòng.
 
11. Thường xuyên đi giầy cao gót

Giầy cao gót luôn được xem là một trợ thủ đắc lực trong việc tôn lên vẻ đẹp hình thể của chị em phụ nữ tăng được chiều cao mà còn đem lại một dáng đi uyển chuyển, thướt tha.

Mặc dù có tác dụng “kéo dài” đôi chân nhưng những đôi giầy cao gót này cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mắc phải nhiều vấn đề như: đầu gối, bàn chân… Giầy càng cao thì càng tạo nhiều áp lực lên đầu gối.

Hơn nữa, trọng lực của cơ thể chỉ dồn vào một đôi giày nên nó có thể dẫn đến cong xương sống. Đồng thời, dịch chuyển xương chậu, chân mất độ nhạy bén cần thiết và dáng đi có thể bị biến dạng.

Ngoài ra, tỷ trọng của cơ thể được chuyển xuống dưới ngón chân, gót chân khiến bàn chân bị hao mòn và lâu ngày khiến biến dạng bàn chân.

Giầy cao gót đặc biệt nguy hiểm cho những người bị phù mắt cá chân, bởi vì máu lưu thong ở bàn chân bị cản trở. Đặc biệt, đối với các gót giày cao hơn và mỏng hơn có thể mang lại cho bạn những nguy cơ rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh sớm, hình thành các u nang, xuất hiện những chứng huyết khối và mối đe dọa sảy thai.  

12. Ngồi máy tính lâu
 
Nghiên cứu đã chỉ ra, các bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến cột sống ngày càng trẻ và có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng máy tính.


Việc thường xuyên sử dụng chuột, khiến phần cổ bên phải dùng lực nhiều, làm cột sống mất cân bằng, dễ khiến các cơ và dây chằng ở một phía của cơ thể bị căng thẳng nhiều hơn. Liên tục trong thời gian dài, sẽ khiến vùng thắt lưng luôn phải chịu trọng lượng của cả cơ thể, tạo điều kiện cho các bệnh liên quan đến cột sống phát sinh.

13. Hiếm khi ra nắng
 
Ngày nay chúng ta đã có ý thức hơn đến việc bổ sung canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên là dân văn phòng, hầu như cả ngày ở trong văn phòng, tối về nhà lại không muốn ra ngoài, không thích vận động, không thích phơi nắng, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt vitamin D. Do vậy, dù có bổ sung can-xi thế nào cũng khó có thể hấp thụ một cách hiệu quả. Một khi xuất hiện hiện tượng loãng xương, sẽ dễ dẫn đến các vấn đề như gãy xương do dùng lực quá sức…
Mười Cân (TH)