1. Tên và địa chỉ nhà sản xuất
Đây chính là người bảo đảm và chịu trách nhiệm về sản phẩm mà bạn sử dụng. Những sản phẩm mà tên và địa chỉ của nhà sản xuất không ghi hoặc ghi không rõ ràng, viết tắt, dễ gây nhầm lẫn thì rất có thể là hàng nhái, hàng giả. Và khi cần, bạn cũng không biết phải khiếu nại với ai vì không thể xác định được người chịu trách nhiệm đối với sản phẩm.
2. Thành phần dinh dưỡng
Toàn bộ thông tin về tính chất và đặc điểm của sản phẩm đều nằm trên nhãn bao bì. Do vậy, cùng với kỹ năng đọc nhãn của mình, các thông tin đầy đủ và chi tiết về sản phẩm trên nhãn bao bì sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tìm hiểu, phân biệt và chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn và phù hợp.
Thành phần các chất trong thực phẩm được sắp xếp theo thứ tự từ chất có trọng lượng cao đến chất có trọng lượng thấp và có thể có nhiều tên gọi khác nhau.
3. Hạn sử dụng
Hạn sử dụng của sản phẩm chính là thời gian mà sản phẩm còn sử dụng tốt nếu được bảo quản đúng như hướng dẫn. Có hai cách ghi hạn sử dụng thông thường:
Cách 1: Ghi ngày sản xuất và thời hạn bảo quản. Ví dụ: ngày sản xuất là 22/06/01; thời hạn bảo quản là 1 năm, thì sẽ hết hạn sử dụng vào ngày 22/06/02.
Cách 2: Ghi ngày sẽ hết hạn sử dụng. Tiếng Việt thường được ghi bằng chữ “Dùng trước”; “Sử dụng tốt nhất trước”; “Hạn dùng”; “Hạn sử dụng”; hoặc tiếng Anh ghi là “Best Before”; “Use Before”; “Exp.date”.
4. Thẩm định chất lượng
Việc thẩm định này thông qua số công bố là số mà cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận sản phẩm này đã được công bố chất lượng với những chỉ tiêu chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Chỉ có 2 nơi có thẩm quyền cấp số công bố: Bộ Y tế ký hiệu là YT và sở Y tế các tỉnh thành ký hiệu là YT với các chữ cái đầu của tên tỉnh thành cấp. Ví dụ: 0001/2001/CBTC-YT (Bộ Y tế cấp) hoặc 0012/2001/CBTC-YTHCM (Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cấp); 0214/2001/CBTC-YTHN (Sở Y tế Thành phố Hà Nội cấp).
Một số sản phẩm không ghi số công bố nhưng có thể ghi tiêu chuẩn áp dụng để sản xuất “sản xuất theo TC” kèm theo số của tiêu chuẩn đó. Tiêu chuẩn áp dụng có thể là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). TCCS là do chính nhà sản xuất đưa ra.
5. Tỷ lệ tiêu thụ
Nhãn thực phẩm có thể chỉ rõ tỷ lệ phần trăm một chất dinh dưỡng nào đó có trong thực phẩm đó so với nhu cầu/ngày.
Ví dụ, trên nhãn của một loại thực phẩm nào đó có ghi vitamin C 20%, điều này có nghĩa là thực phẩm này cung cấp 20% nhu cầu vitamin C trong một ngày cho một người bình thường.
Kiểm tra tỷ lệ phần trăm so với nhu cầu/ngày đối với một số chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, sắt, canxi, các vitamin. Từ đó đưa ra kết luận loại thực phẩm đó có phải là loại có giàu các chất dinh dưỡng mà bạn cần không.